Đảm bảo quyền con người ở Việt Nam

09:42, 29/01/2024
.

(Baoquangngai.vn)- Tôn trọng, bảo đảm quyền con người là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.

Quá trình nhận thức của Đảng về quyền con người

Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (Chánh cương vắn tắt - năm 1930), Đảng đã xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Theo đó, nhiệm vụ của Đảng là tập hợp lực lượng toàn dân, tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người.

Vấn đề quyền con người được thể hiện trước hết ở việc tố cáo tội ác vi phạm quyền con người của chủ nghĩa thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam và đề ra các khẩu hiệu đấu tranh cụ thể như: “Việt Nam tự do”, đấu tranh và xây dựng một xã hội người dân được “tự do tổ chức”; “nam nữ bình quyền”, phổ cập giáo dục, người công nhân chỉ làm việc 8 giờ/ngày... Đây là những mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt, là ngọn cờ tập hợp lực lượng và đó cũng chính là cơ sở làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (1945) do Đảng lãnh đạo.

Ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã quan tâm sâu sắc vấn đề quyền con người; xác định mục tiêu hướng tới của Nhà nước là bảo vệ quyền con người và trân trọng ghi nhận những giá trị quý báu nói trên trong Hiến pháp. Khi đất nước hòa bình, thống nhất, sau khi trở thành thành viên Liên hợp quốc (1977), Nhà nước Việt Nam đã tích cực tham gia vào hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người...

Văn kiện Đại hội VI của Đảng (1986) nêu rõ: “Cùng với việc chăm lo đời sống nhân dân, các cơ quan nhà nước phải tôn trọng và bảo đảm những quyền công dân mà Hiến pháp đã quy định” và “... bảo đảm quyền dân chủ thật sự của nhân dân lao động, đồng thời kiên quyết trừng trị những kẻ vi phạm quyền làm chủ của nhân dân”. Đại hội VII của Đảng (1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lần đầu tiên khái niệm quyền con người chính thức được ghi nhận trong Cương lĩnh thời kỳ đổi mới. Đó là: “Nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người”.

Năm 1992, xuất phát từ những diễn biến mới của tình hình trong nước và thế giới, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 12/7/1992 về vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta. Đây là văn kiện đầu tiên tập hợp các quan điểm cơ bản của Đảng về vấn đề quyền con người. Các quan điểm này có vai trò định hướng cho hoạt động của cả hệ thống chính trị Việt Nam trên lĩnh vực quyền con người hơn 30 năm qua.

Đại hội VIII của Đảng (1996) nhấn mạnh: “Ban hành các đạo luật cần thiết để điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ưu tiên xây dựng các luật về kinh tế, về các quyền công dân, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, ban hành các văn bản luật với những quy định cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện”. Đại hội IX của Đảng (2001) lần đầu tiên khẳng định trách nhiệm quốc gia trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người: “Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”. Đại hội X của Đảng (2006) tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là yêu cầu bức thiết của xã hội; Nhà nước phải thể chế hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả quyền công dân, quyền con người”.

Đại hội XI của Đảng (2011) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), trong đó nhiều quan điểm về tôn trọng, bảo vệ quyền con người được tổng kết, như: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”. Đại hội XII của Đảng (2016) cùng với việc đưa nội dung quyền con người vào tất cả các Văn kiện Đại hội, đã nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục: “Thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013... hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”.

Đại hội XIII của Đảng (2021) tiếp tục bổ sung, phát triển nhận thức về quyền con người trong thời kỳ mới của đất nước. Đại hội xác định “nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”...

Định hướng đảm bảo quyền con người ở Việt Nam

Thời gian tới, để đảm bảo quyền con người, cần tiếp tục tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Kinh tế là nhân tố quan trọng để bảo đảm quyền con người. Vì vậy, mọi quốc gia đều tập trung phát triển kinh tế, thu hút mọi nguồn lực, tạo nhiều việc làm để không ngừng nâng cao sự thụ hưởng các quyền con người; đặc biệt là thực hiện quyền an sinh xã hội của các nhóm “dễ bị tổn thương”.

Trong giai đoạn phát triển mới, Đảng ta chủ trương: “Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ”. 

Thứ hai, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước chủ trương tiếp tục đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội dưới nhiều hình thức sáng tạo. Đó là việc kết hợp thực hiện dân chủ ở cơ sở với dân chủ trong hoạt động của Nhà nước và nội bộ Đảng; không ngừng dân chủ hóa mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Dân chủ hóa còn được thể hiện thông qua việc thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin, thu hút sự tham gia của người dân và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện và bảo vệ quyền con người... 

Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và cơ chế bảo vệ quyền con người. Là quốc gia đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, Đảng chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền theo định hướng xã hội chủ nghĩa là nhằm tạo ra môi trường, điều kiện tốt nhất để bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. 

Thứ tư, thực hiện quyền con người, gắn quyền với nghĩa vụ theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Hiến pháp năm 2013 là dấu mốc quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người ở Việt Nam. Hiến pháp đề cập khá toàn diện các quyền con người và cách thức tổ chức bộ máy bảo đảm và bảo vệ quyền con người.

Thứ năm, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong tình hình mới. Giáo dục quyền con người có vai trò quan trọng trong việc thực thi quyền con người. Giáo dục quyền con người vừa nhằm nâng cao tri thức nói chung, vừa như một cách thức trao quyền để người dân có thể tự bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế, chủ động đối thoại về quyền con người. Theo phương châm là bạn và đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương mở rộng quan hệ với tất cả các quốc gia và tổ chức quốc tế. Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, một mặt tranh thủ các nguồn lực, chia sẻ những kinh nghiệm tốt trong việc bảo đảm quyền con người; mặt khác, làm rõ quan điểm, cách tiếp cận và thực tiễn quyền con người của Việt Nam, đấu tranh với các mưu đồ áp đặt dân chủ, nhân quyền...

Chủ động đấu tranh với các thế lực thù địch
Các thế lực thù địch đang lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ta. Vì thế, các cấp, ngành, địa phương cần thường xuyên nắm chắc tình hình, dự báo kịp thời âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch sử dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp, gây sức ép, chống phá ta, từ đó chủ động có chủ trương, đối sách đấu tranh vô hiệu hóa các hoạt động của chúng...

HOÀNG ANH

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:42, 29/01/2024

Ý kiến bạn đọc


.