KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ PHAN THÁI ẤT (1/1/1894 - 1/1/2024) - NGUYÊN ỦY VIÊN XỨ ỦY TRUNG KỲ, BÍ THƯ TỈNH ỦY QUẢNG NGÃI:

Nhà cách mạng xứ Nghệ và dấu ấn trên đất Quảng

14:00, 26/12/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ Bí thư chi bộ Đảng đầu tiên tại huyện Anh Sơn, Bí thư Tổng nông hội đỏ tỉnh Nghệ An rồi được Xứ ủy Trung kỳ điều động vào hoạt động tại Quảng Ngãi và các tỉnh Trung Kỳ để tạo dựng các cơ sở cách mạng. Dù bất kỳ hoàn cảnh nào, ở đâu, đồng chí Phan Thái Ất vẫn luôn thể hiện sự mưu trí, bản lĩnh cách mạng vững vàng, không ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy. Trong thời gian hoạt động tại tỉnh Quảng Ngãi đồng chí đã có những đóng góp rất lớn đối với phong trào cách mạng, được khắc ghi vào lịch sử truyền thống của Đảng bộ tỉnh.
Đồng chí Phan Thái Ất.  Ảnh: T.L
Đồng chí Phan Thái Ất. Ảnh: TƯ LIỆU

SỚM GIÁC NGỘ CÁCH MẠNG

Đồng chí Phan Thái Ất, sinh năm 1894 trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An). Từ nhỏ, Phan Thái Ất đã chứng kiến cuộc sống khổ cực, lầm than của người dân dưới chế độ thực dân - phong kiến. Cùng với đó là sự tham lam, tàn bạo và bất nhân của bọn cường hào địa phương, tay sai của thực dân Pháp. Lên 8 tuổi, Phan Thái Ất đã phải chịu cảnh mồ côi cha và cảnh người mẹ bị bọn tay sai tra tấn. Lòng căm thù giặc được nhen nhóm lên từ đó. Bước vào lứa tuổi thanh niên, Phan Thái Ất và một vài người bạn thân thường xuyên gặp gỡ để trao đổi những thông tin mới từ sách báo và những thông tin thu thập qua những người tham gia hoạt động trong các tổ chức cách mạng.

Năm 1922, Phan Thái Ất chủ trương thành lập nhóm Tâm giao nhằm mục đích trao đổi thông tin, phổ biến sách báo, thơ ca cổ vũ tinh thần yêu nước. Trong đó, có những tài liệu nói về cách mạng và những bài thơ yêu nước của chí sĩ Phan Bội Châu. Sau đó, các thành viên nhóm Tâm giao quyết định góp ruộng cày chung và hùn vốn mở hiệu thuốc bắc. Khi số vốn đã tăng lên kha khá, nhóm Tâm giao mở rộng kinh doanh thêm hàng tạp hóa và ngày càng “ăn nên làm ra”, mở hiệu buôn Yên Xuân làm nơi tập hợp những người có xu hướng tiến bộ trong vùng đến đọc sách báo và bàn việc chống Pháp.

Qua sách báo, mọi người biết được những hoạt động của tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội và tích cực hưởng ứng, ủng hộ. Năm 1926, đồng chí tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Nghệ An và trở thành hạt nhân nòng cốt tại huyện Anh Sơn. Đến tháng 9/1929, đồng chí được kết nạp vào tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng và được bầu làm Bí thư chi bộ Dương Xuân. Đây chính là chi bộ Đảng đầu tiên ở Anh Sơn, đồng thời cũng là một trong những chi bộ đầu tiên được thành lập ở vùng nông thôn Nghệ An.

Cuối năm 1929, tại Hội nghị thành lập Tổng Nông hội Nghệ An, Phan Thái Ất tiếp tục được chỉ định làm Bí thư Tổng hội. Với trách nhiệm được giao, đồng chí Phan Thái Ất đã tích cực gây dựng, phát triển phong trào cách mạng nhiều nơi trong tỉnh Nghệ An. Tháng 2/1930, đồng chí được Ban Chấp hành Kỳ bộ Trung Kỳ điều động vào công tác tại các tỉnh Nam Trung Bộ, chịu trách nhiệm xây dựng cơ sở đảng và phong trào cách mạng ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và Quy Nhơn.

ĐÓNG GÓP RẤT LỚN CHO CÁCH MẠNG Ở QUẢNG NGÃI

Ghi nhận công lao cống hiến trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng chí Phan Thái Ất vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng và truy tặng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất và nhiều huân chương cao quý khác. Đồng chí mất ngày 29/6/1967.

Thực hiện trọng trách được giao, đồng chí Phan Thái Ất đã cải trang làm thầy lang chuyên trị bệnh, cứu người, đi đến nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ngãi. Từ Đức Phổ lên Ba Tơ, qua Minh Long, xuống Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, thị xã Quảng Ngãi (nay là TP.Quảng Ngãi) rồi ra Sơn Tịnh, Bình Sơn, Sơn Hà, Trà Bồng. Được sự che chở, nuôi giấu, đùm bọc của nhân dân Quảng Ngãi, đồng chí đã gây dựng được nhiều cơ sở cách mạng, cơ sở đảng.

Từ đó, các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cho nhân dân như: Tăng công cày, công cấy, công gặt được tổ chức khắp nơi và giành nhiều thắng lợi. Khi nhắc đến đồng chí Phan Thái Ất, một số cụ già cao tuổi ở những nơi đồng chí hoạt động và nhiều đồng chí lão thành cách mạng ở Quảng Ngãi thường nhắc đến cái tên “Ông Cọc Cạch”, có răng đen, hay mặc áo dài, nói giọng Bắc (giọng nói của người Xứ Nghệ).

Để đẩy mạnh phong trào cách mạng lên bước phát triển mới, đồng chí Phan Thái Ất cùng đồng chí Nguyễn Nghiêm đã chỉ đạo việc soạn thảo chương trình, đề ra những chủ trương để gây dựng, phát triển phong trào cách mạng phù hợp với thực tế của tỉnh Quảng Ngãi lúc đó; trực tiếp lãnh đạo, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình lớn, làm cho thực dân Pháp và tay sai hết sức hoang mang, lo sợ.

Tiêu biểu là cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ vào đêm ngày 7, rạng sáng ngày 8/10/1930, cuộc biểu tình đầu tiên mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 - 1931 tại Quảng Ngãi, chia lửa với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; lãnh đạo phát triển mạnh mẽ phong trào cách mạng các huyện phía bắc sông Trà Khúc (gồm các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn, Trà Bồng, Sơn Hà) tạo thành những cao trào cách mạng ở các huyện trong tỉnh, làm cho chính quyền địch nhiều nơi hầu như bị tê liệt.

Cùng với đó, đồng chí đã phát động quần chúng đấu tranh đòi thả đồng chí Nguyễn Nghiêm và những chiến sĩ cộng sản bị bắt, chống địch khủng bố trắng, đấu tranh nhân Kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5... làm cho chính quyền thực dân và tay sai rơi vào thế bị động, lúng túng tìm mọi cách đối phó.

“Với vai trò đầu tàu trong công tác lãnh đạo, tổ chức phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi lúc bấy giờ, đồng chí Phan Thái Ất đã đưa phong trào cách mạng vượt qua thời kỳ khó khăn, thử thách nhất, khi mà Đảng bộ tỉnh mới thành lập, còn non trẻ, phong trào cách mạng trong tỉnh liên tục bị thực dân Pháp và chính quyền tay sai đàn áp dã man. Những đóng góp của đồng chí Phan Thái Ất đối với phong trào cách mạng tỉnh Quảng Ngãi trong những năm 1930 - 1931 được Trung ương Đảng khẳng định là mạnh nhất trong phía nam Trung Kỳ. Hồ sơ của mật thám Quảng Ngãi gửi Khâm sứ Trung Kỳ cũng phải thừa nhận: Trong tỉnh này, phong trào cộng sản đã đạt được rất nhiều thắng lợi, nhờ có hoạt động của những người phụ trách Phan Thái Ất (tức Cọc Cạch), quê Nghệ An và Nguyễn Nghiêm tỉnh Quảng Ngãi...”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy cho biết.

Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung; tạo tiền đề đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước”.

Để thực hiện đạt mục tiêu đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, noi theo tấm gương cách mạng của các thế hệ đi trước, trong đó có đồng chí Phan Thái Ất, khơi dậy niềm tự hào, ý chí, khát vọng, niềm tin phát triển trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân; huy động mọi nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững; nỗ lực, tập trung thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã đề ra, sớm đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của vùng miền Trung.

 THANH THUẬN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:00, 26/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.