(Báo Quảng Ngãi)- Từ một thanh niên nghèo, sớm giác ngộ cách mạng, với ý chí tự tu dưỡng, rèn luyện, không ngại hy sinh, gian khổ, đồng chí Lương Khánh Thiện - nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã nỗ lực phấn đấu và có những đóng góp quan trọng đối với phong trào công nhân thời kỳ đầu cách mạng; thể hiện rõ phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ kiên trung, người đảng viên cộng sản mẫu mực, xứng đáng là một cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Lương Khánh Thiện. ảnh: tl |
Thời tuổi trẻ sôi nổi
Đồng chí Lương Khánh Thiện sinh năm 1903 tại thôn Mễ Thượng, xã Mễ Tràng, tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm (nay thuộc tổ dân phố Mễ Thượng, phường Liêm Chính, TP.Phủ Lý) tỉnh Hà Nam, trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước. Với tư chất thông minh, tuổi ấu thơ gắn liền với quê hương, người lao động nghèo, đồng chí thấu hiểu nỗi khổ cực, tủi nhục của người dân mất nước nên nung nấu ý chí phải đánh đổ đế quốc, phong kiến, giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Lương Khánh Thiện rời quê ra TP.Hải Phòng, xin vào học ở Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng. Tại đây đồng chí đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh. Hoạt động nổi bật là cuối năm 1925, đồng chí Lương Khánh Thiện cùng các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lưu Bá Kỳ dẫn đầu đoàn học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành xuống đường chặn xe Toàn quyền Va-ren từ Đồ Sơn về Cầu Rào, đưa đơn đòi chính quyền thực dân Pháp phải trả tự do cho nhà chí sĩ Phan Bội Châu, gây tiếng vang lớn trong dư luận xã hội. Năm 1926, đồng chí Lương Khánh Thiện về Nam Định làm thợ nguội tại Nhà máy Sợi, tích cực hoạt động trong phong trào công nhân. Năm 1927, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tỉnh Nam Định. Hoạt động của đồng chí bị mật thám Pháp theo dõi ráo riết và báo cho bọn chủ sa thải đồng chí khỏi Nhà máy Sợi Nam Định. Đồng chí Lương Khánh Thiện tạm lánh về quê Mễ Tràng. Tại quê nhà, đồng chí đã tuyên truyền, giác ngộ một số thanh niên yêu nước ở TX. Phủ Lý, tạo tiền đề cho sự ra đời chi bộ Đảng đầu tiên của TX. Phủ Lý sau này.
Năm 1928, đồng chí Lương Khánh Thiện trở lại Hải Phòng, thực hiện “vô sản hóa” trong phong trào công nhân Nhà máy Chai. Cuối tháng 4/1929, đồng chí được kết nạp Đảng, trở thành một trong bốn đảng viên đầu tiên của Chi bộ Cộng sản đầu tiên của TP.Hải Phòng, trực tiếp phụ trách phong trào công nhân Nhà máy Chai.
Tấm gương kiên trung, bất khuất
Giữa năm 1929, đồng chí Lương Khánh Thiện bị địch bắt và đưa về giam ở nhà lao Hải Phòng. Ngày 29/1/1931 chính quyền thực dân Pháp đã mở phiên tòa kết án đồng chí mức án khổ sai chung thân, đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), mùa hè năm 1931, đồng chí bị đưa đi đày ở nhà tù Côn Đảo. Tháng 9/1936, đồng chí Lương Khánh Thiện được trả tự do và trở về đất liền tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 3/1937, tại Hội nghị thành lập Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ, đồng chí Lương Khánh Thiện được cử làm Bí thư Xứ ủy lâm thời (đến tháng 9/1937); kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội (đến năm 1938).
Ngày 29/12/1938, đồng chí Lương Khánh Thiện bị địch bắt lần thứ hai tại Hà Nội, sau đó được trả tự do, vì không đủ căn cứ kết tội. Tháng 1/1939, đồng chí đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy, lãnh đạo phong trào cách mạng của Bắc Kỳ và Hà Nội đến tháng 9/1939. Tháng 10/1940, đồng chí được phân công làm Bí thư Liên tỉnh B (gồm Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương, Hưng Yên và một phần tỉnh Kiến An) và trực tiếp phụ trách Đảng bộ Hải Phòng. Tháng 1/1941, trong khi đi nắm tình hình và chỉ đạo phong trào công nhân ở Hải Phòng, đồng chí bị mật thám Pháp bắt và đưa về giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò. Sau đó, tòa án chính quyền thực dân đã kết án tử hình và ngày 2/9/1941, đồng chí bị địch xử bắn tại Kiến An, Hải Phòng ở tuổi 38.
Cuộc đời hoạt động, cống hiến của đồng chí Lương Khánh Thiện đối với cách mạng Việt Nam, nhất là trong các cao trào cách mạng từ năm 1930 đến 1941 thể hiện vai trò tiên phong của một nhà lãnh đạo tài năng, sáng tạo, có uy tín của Đảng và cách mạng Việt Nam. Những hoạt động, cống hiến của đồng chí Lương Khánh Thiện đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển phong trào cách mạng, nhất là trong những thời điểm khó khăn, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ và bảo vệ Đảng, đặt nền tảng vững chắc cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam là dịp để chúng ta tri ân, tôn vinh tinh thần đấu tranh bất khuất, sự hy sinh anh dũng cùng những đóng góp to lớn của đồng chí Lương Khánh Thiện đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Qua đó, tiếp tục bồi đắp, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong các tầng lớp nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ.
THANH THUẬN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: