Trân quý giá trị của hòa bình

06:13, 04/09/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong tháng 7/2023, chúng tôi vinh dự được đi cùng Đoàn công tác của tỉnh Quảng Ngãi về thăm các “địa chỉ đỏ” trên vùng đất Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An. Chuyến đi đã để lại trong mỗi người cảm xúc khó quên và niềm tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc Việt Nam, từ đó càng thêm trân quý giá trị của hòa bình. 

Đoàn công tác tỉnh Quảng Ngãi dành một phút mặc niệm tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Đoàn công tác tỉnh Quảng Ngãi dành một phút mặc niệm tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
 

 

 

Hòa cùng dòng người đến thăm Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), Đoàn công tác của tỉnh Quảng Ngãi gồm các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương, đã đến dâng hương, đặt vòng hoa tại Nhà bia tưởng niệm Liệt sĩ Thanh niên xung phong (TNXP) toàn quốc và Khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ. Thắp nén hương lên ngôi mộ các liệt sĩ, ai nấy đều bùi ngùi xúc động, bởi sự hy sinh anh dũng của các chị. Xung quanh các phần mộ là tiếng thông reo như ru giấc ngủ mãi mãi tuổi đôi mươi của các Anh hùng liệt sĩ. 

Ngã ba Đồng Lộc trong chiến tranh được mệnh danh là “tọa độ chết”, nơi mà một mét vuông đất phải hứng chịu 3 quả bom cày xới, thấm đẫm máu xương của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. Câu chuyện về sự hy sinh của 10 nữ TNXP - 10 đóa hoa trinh liệt, cùng anh linh của các chiến sĩ ngã xuống nơi đây đã làm nên biểu tượng về một Đồng Lộc linh thiêng. Chiều ngày 24/7/1968, khi những TNXP thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội TNXP tỉnh Hà Tĩnh đang san lấp hố bom để nhanh chóng thông đường cho xe qua thì trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô gái TNXP của Tiểu đội 4 đang tránh bom. Máu của các nữ TNXP đã tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc.

Nhà bia tưởng niệm Liệt sĩ Thanh niên xung phong toàn quốc tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).
Nhà bia tưởng niệm Liệt sĩ Thanh niên xung phong toàn quốc tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).

Mang theo dòng cảm xúc nghẹn ngào, lắng đọng từ Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, chúng tôi đến với Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, ở huyện Đô Lương (Nghệ An). Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tại “tọa độ lửa” Truông Bồn, dưới mưa bom bão đạn, quân và dân Nghệ An với tinh thần “tim có thể ngừng đập, nhưng đường không thể tắc”, “sống bám cầu, bám đường; chết kiên cường, dũng cảm”, đã giữ vững mạch máu giao thông cho những đoàn xe, đoàn quân ra tiền tuyến. Và đã có hơn 1.200 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại mảnh đất này. Trong đó, chiến công và sự hy sinh oanh liệt của 13 chiến sĩ TNXP của “Tiểu đội cảm tử” - “Tiểu đội thép” anh hùng, thuộc Đại đội TNXP 317 vào ngày 31/10/1968 đã để lại trong chúng tôi nhiều cảm động.

Đoàn đã tới đặt vòng hoa và dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc và khu mộ 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong.
Đoàn đã tới đặt vòng hoa và dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc và khu mộ 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong.

“Trong số 13 chiến sĩ TNXP ấy có 8 người đã được xuất ngũ, 4 người chuẩn bị bước chân vào giảng đường, có người còn định cả ngày cưới... nhưng vẫn tình nguyện ở lại chiến đấu. Các chị, các anh hy sinh khi chỉ còn ít giờ nữa thôi, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom toàn miền Bắc, chỉ còn ít giờ nữa họ sẽ bước chân về phía hòa bình. Nhưng họ mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai trong số họ lập gia đình...”, giọng của nữ hướng dẫn viên trầm xuống, từng người đứng lặng bên ngôi mộ chung, nhẹ nhàng đặt những nhành cúc trắng quanh ngôi mộ chung của 13 chiến sĩ TNXP để bày tỏ lòng biết ơn và sự hy sinh của các chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi.
Cả một không gian im phăng phắc, chỉ có giọng nói của nữ hướng dẫn viên thoảng nhẹ như đưa mọi người về lại một thời hoa lửa, nơi những chàng trai, cô gái đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Các anh, các chị đã viết nên bản Anh hùng ca bất tử.

 

Ở khúc ruột miền Trung đầy nắng gió và là điểm giữa trên con đường thiên lý Bắc - Nam, Quảng Trị là chiến trường nóng bỏng và khốc liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tên gọi Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lòng mỗi người dân đất Việt với niềm tự hào xen lẫn xúc động. Suốt 81 ngày đêm mùa hè năm 1972, hàng nghìn người con của đất nước đã anh dũng hy sinh, máu của các anh đã hòa vào dòng nước sông Thạch Hãn. Sự hy sinh anh dũng của các anh trong mùa hè đỏ lửa năm1972 đã trở thành huyền thoại bất tử, chói sáng trang sử vẻ vang của dân tộc. Thành cổ Quảng Trị được ví như một nghĩa trang mà không có nấm mồ, chỉ có một đài tưởng niệm trung tâm nhưng rất trang nghiêm và linh thiêng.

Đài tưởng niệm tại Thành cổ Quảng Trị.
Đài tưởng niệm tại Thành cổ Quảng Trị.

Mỗi tấc đất nơi đây thấm đẫm máu xương của các Anh hùng liệt sĩ, đã hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Bởi vậy, những ai đặt chân đến nơi đây đều được nhắn nhủ rằng: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Trời Thành cổ trong xanh và lộng gió/ Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây”. Đoàn công tác của tỉnh Quảng Ngãi đã thành kính dâng hoa, dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn trước sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ.

Rời Thành cổ Quảng Trị, chúng tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn - nơi yên nghỉ của hơn 10 nghìn người con thân yêu của Tổ quốc, trong đó có những người con Quảng Ngãi đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Đoàn đã dâng hoa, dâng hương, mặc niệm tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc xương máu, anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc. Trong không gian tĩnh lặng, từng đoàn người viếng hương, trào dâng niềm xúc động, nghẹn ngào. 

Đoàn công tác của tỉnh Quảng Ngãi nghe thuyết minh, giới thiệu về chiến công và sự hy sinh anh dũng của các Anh hùng liệt sĩ tại Khu Di tích lịch sử Truông Bồn (Nghệ An).                                                                                                                 ảnh: ngọc đức
Đoàn công tác của tỉnh Quảng Ngãi nghe thuyết minh, giới thiệu về chiến công và sự hy sinh anh dũng của các Anh hùng liệt sĩ tại Khu Di tích lịch sử Truông Bồn (Nghệ An). 

Hành trình tri ân về các “địa chỉ đỏ” Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn... đã giúp chúng tôi hiểu hơn, tự hào hơn về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và càng thêm trân quý giá trị của hòa bình. Hai chữ "hòa bình" rất đỗi thiêng liêng, thế hệ cha anh đã phải đánh đổi bằng sự hy sinh xương máu để có được. Thế hệ hôm nay và mai sau mãi khắc ghi công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ và nguyện sẽ không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập, lao động để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Các thành viên trong Đoàn công tác xúc động bên ngôi mộ chung 13 Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong thuộc Đại đội 317.

Các thành viên trong Đoàn công tác xúc động bên ngôi mộ chung 13 Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong thuộc Đại đội 317.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân thắp hương tại phần mộ các Anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân thắp hương tại phần mộ các Anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Hiện có 24 phần mộ liệt sĩ nguyên quán tỉnh Quảng Ngãi đang an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Hiện có 24 phần mộ liệt sĩ nguyên quán tỉnh Quảng Ngãi đang an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.

 

Bài, ảnh: NGỌC ĐỨC

 

Xuất bản lúc: 06:13, 04/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.