(Báo Quảng Ngãi)- Đến Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nơi được ví là địa ngục trần gian trong những năm kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, chúng tôi nghe kể nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm của những người chiến sĩ cách mạng bị giam tù tại đây dành cho Bác Hồ kính yêu của chúng ta.
Ảnh chân dung Bác Hồ được người tù ở Côn Đảo vẽ để bày tỏ lòng tôn kính đối với Bác. |
Đến Côn Đảo, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động, đặc biệt là tình cảm của người tù dành cho Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Những chiến sĩ cách mạng bị địch tra tấn dã man, nhưng vẫn giữ vững khí tiết người cộng sản, một lòng kiên trung, theo Đảng, theo Bác Hồ. Chuyện kể rằng, trong nhà tù, những chiến sĩ cách mạng bị giặc Pháp đưa đi đày ở Côn Đảo năm 1948 đã họp bàn chuẩn bị làm lễ kỷ niệm ngày sinh nhật Bác (19/5). Họ bàn với nhau làm cách nào để có cờ Tổ quốc và có ảnh Bác để trang trí buổi lễ, và đã quyết định vẽ ảnh Bác. Không có giấy thì lấy giấy bọc thuốc lá, vuốt ra cho thẳng, rồi dán lại thành mảng to để vẽ ảnh Bác và viết khẩu hiệu “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”.
Các chiến sĩ cách mạng vẽ ảnh Bác theo trí nhớ, làm sao thể hiện cho được mấy nét chủ yếu: Đó là ông cụ người không mập, có chòm râu dài, trán cao, mắt sáng, thông minh và nhân hậu. Những người tù vẽ ảnh Bác với tấm lòng tôn kính. Đáng tiếc là câu khẩu hiệu trong quá trình làm vô ý bị đổ mực than lấm lem. Người làm đổ mực khóc tấm tức vì lỗi lầm của mình. Cuối cùng những người tù lấy lá bàng dùng móng tay ấn sâu rồi xé dần, cố gắng làm sao không rách lá. Dòng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm” được làm bằng lá bàng ghim lên giấy rồi cũng xong. Những người tù Côn Đảo đã tổ chức Lễ mừng sinh nhật Bác trong nhà tù đế quốc.
Một câu chuyện cảm động nữa là, một anh tên Hai Quan đã tự tay thêu ảnh Bác Hồ trên mảnh vải trắng khi địch bắt giam ở nhà lao Tâm Hiệp (Đồng Nai). Sau đó, chúng đưa anh đi đày ở Côn Đảo. Cứ đến ngày 19/5 hằng năm, anh Hai Quan lấy ảnh Bác ra ngắm và thầm hứa với Bác sẽ một lòng một dạ trung thành, không bao giờ khuất phục kẻ thù. Ngày 15/7/1959, khi anh Hai Quan bị địch chuyển sang nhà lao mới, chúng phát hiện chiếc khăn có thêu ảnh Bác, nên tra hỏi: “Ai đưa hình Hồ Chí Minh cho mày?”. Anh Hai Quan bình tĩnh trả lời: “Hình lãnh tụ tôi, tôi thêu, tôi giữ, đâu phải ai đưa”. Chúng hỏi tiếp: “Mày giữ tại sao xét bao lần không thấy?”. Anh cười: “Do mấy ông xét dở”. Bọn địch xúm lại đánh anh đến ngất và phạt còng, bắt ăn cơm lạt muối một tháng, nhốt ở chuồng cọp, khi được trở về phòng, anh xuýt xoa tiếc mãi mảnh vải có thêu ảnh Bác. Anh định giữ bức ảnh thêu cho đến ngày độc lập sẽ gửi tặng Bác.
Mặc cho địch tra tấn dã man, nhưng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở Côn Đảo vẫn kiên quyết không “ly khai cộng sản”, không khuất phục kẻ thù. Nhiều đồng chí trước lúc hy sinh đã gọi tên Bác Hồ với lòng thành kính. Khẩu hiệu ca ngợi Bác được người tù kín đáo khắc trên tường đá, trên lá cây. Hằng ngày, họ hướng mặt vào dòng chữ ấy như hướng về mặt trời chân lý soi sáng con đường đấu tranh đầy gian khổ nơi địa ngục trần gian. Có một người tù tên là Hoàng Sơn, vào tù được giác ngộ cách mạng, anh đã tự nguyện xăm trên ngực mình dòng chữ “Hồ Chí Minh muôn năm”. Biết chuyện, ngày nào địch cũng đem anh ra tra tấn, đánh vào ngực, ngay dòng chữ in tên Bác. Anh Hoàng Sơn đã thẳng thắn nói với bọn giặc: “Chúng mày có lột da tao cho hết dòng chữ này, tao cũng không bỏ lãnh tụ của tao”.
Ảnh vẽ lại hình ảnh người tù ở Côn Đảo dự Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Ở nhà tù Côn Đảo, vào các dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, ngày Quốc khánh (2/9), tết Nguyên đán... người tù bí mật truyền tay nhau ảnh Bác Hồ, khẩu hiệu ca ngợi Bác. Thế mới biết tình cảm của những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở Côn Đảo dành cho Bác Hồ thiêng liêng, cao quý biết nhường nào.
Tin Bác Hồ mất truyền đến với người tù Côn Đảo vào sáng ngày 5/9/1969, do một giám thị đi ngang phía cửa phòng B (phòng giam tù chính trị Côn Đảo) bí mật báo tin. Sau đó, tin Bác mất được xác minh, do có gia đình thân nhân người tù kín đáo cắt báo Sài Gòn đăng tin Bác mất gói đồ gửi vào. Nhận được tin buồn ấy cả nhà lao lặng đi, trên gương mặt người tù ai cũng ngấn lệ. Sau giây phút bàng hoàng đau đớn, những người tù ở Côn Đảo bàn nhau làm lễ tang Bác. Ban lễ tang được thành lập nhanh chóng dù biết tin muộn, nhưng lễ tang Bác đã được những người tù Côn Đảo tổ chức trang nghiêm.
Ban lãnh đạo quyết định làm Lễ tang Bác công khai. Một kế hoạch tỉ mỉ được vạch ra, với quyết tâm thà chết chứ không để cho địch phá lễ tang Bác. Trong tù không có ảnh Bác, không có nén hương, không có hoa, để tỏ lòng tôn kính Bác, người tù mặc những bộ quần áo lành lặn nhất và cổ quàng khăn bông loại dùng để lau mặt, trên ngực gài miếng băng tang bằng giấy. Đồng chí Ba Thưa - nguyên Tỉnh ủy viên Tây Ninh, Bí thư Huyện ủy Gò Dầu thay mặt Ban lễ tang tuyên bố lý do buổi lễ và nói về tình cảm của đồng bào miền Nam đối với Bác. Đồng chí nghĩ thế nào thì nói thế đó, nước mắt đầm đìa, anh em tù nghe mà không cầm được nước mắt. Còn bọn giặc lúc đó đứng im, chúng không dám ra tay đàn áp. Buổi lễ kết thúc trọn vẹn. Sau đó, Di chúc của Bác Hồ cũng bí mật được truyền ra Côn Đảo. Các khám tù ở Côn Đảo truyền nhau học Di chúc của Bác.
Toàn cảnh Côn Đảo. Ảnh: Internet |
Bác Hồ luôn ở mãi trong tim của những người tù yêu nước ở Côn Đảo và trong trái tim của mỗi người dân đất Việt. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thậm chí đối mặt với cái chết, những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở Côn Đảo vẫn son sắt một tình yêu đối với Đảng, với Bác Hồ, vẫn kiên cường, bất khuất và tin tưởng vào thắng lợi của cuộc cách mạng.
THANH HIẾU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: