Những khoảnh khắc để đời

14:45, 04/09/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 2/9/1945 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, với Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Đây là sự kiện chính trị trọng đại của dân tộc, đất nước Việt Nam. 

Giọng Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập

Lúc bấy giờ, phương tiện tác nghiệp dành cho nhà báo thiếu thốn, nhiều nhà báo không có gì ngoài cây bút. Máy quay phim, máy ghi âm rất hiếm, không phải ai cũng có thể sở hữu được các phương tiện đáng giá ấy. Vậy những khoảnh khắc đi vào lịch sử mà chúng ta thấy được hôm nay được lấy từ đâu?

Tuyên ngôn Độc lập - Bản Anh hùng ca bất diệt, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân và thế giới ngày 2/9/1945. ẢNH: TL
Tuyên ngôn Độc lập - Bản Anh hùng ca bất diệt, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân và thế giới ngày 2/9/1945. ẢNH: TL

Tại thời điểm Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, Đài Tiếng nói Việt Nam chưa phát sóng chính thức nhưng ông Trần Lâm - nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, cùng các cộng sự đã quyết định kéo tín hiệu giọng đọc Bác Hồ từ lễ đài thông qua một micro đặt ở loa và dòng dây trần truyền từ Ba Đình về số 4 Đinh Lễ để thử phát. Tuy nhiên, không thể nào thu lại được giọng đọc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay hôm Người đọc Tuyên ngôn Độc lập, vì bấy giờ không có máy thu âm!

Sau năm 1954, khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, Đài Tiếng nói Việt Nam được trang bị máy ghi âm băng cối để thực hiện nhiều chương trình phát thanh thu trước, ông Trần Lâm mới gặp trực tiếp Bác Hồ và kính mời Người đến phòng thu để đọc lại Bản Tuyên ngôn Độc lập như một tư liệu. Lâu nay, đồng bào cả nước nghe giọng đọc Tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ là ở lần thu này. Chính vì thu âm lại nên chúng ta không nghe được câu hỏi của Bác khi Người đọc giữa chừng Bản Tuyên ngôn Độc lập: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Câu nói thể hiện sự gần gũi giữa lãnh tụ và người dân trong ngày thiêng liêng của dân tộc đã được nhiều tác giả thể hiện trong hồi ký của mình nhưng bản thu âm không thể hiện được chính là lý do “thu âm lại” này.

Vì “thu âm lại” nên giọng của Bác trong và ấm, hoàn toàn không có tạp âm thứ âm thanh reo vui dậy đất trời của hàng vạn người có mặt tại vườn hoa Ba Đình hôm đó.

Bức ảnh để đời

Một khoảnh khắc khác diễn ra trong ngày 2/9/1945 được nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khoản ghi được, đó là bức ảnh Hồ Chủ tịch đang đọc Tuyên ngôn Độc lập. Đây là bức ảnh được ghi trực tiếp hôm đó, được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Từ bố cục cho đến thần thái, tất cả đều đạt đến độ hoàn mỹ. 

Ông Nguyễn Bá Khoản sinh năm 1917 tại Hà Tây (cũ), trong một gia đình có cha là thợ thủ công nhưng rất đam mê nhiếp ảnh. Dịp sinh nhật lần thứ 18 của người con trai Nguyễn Bá Khoản, người cha tặng đứa con món quà quý là chiếc máy ảnh, dùng để chụp quảng cáo. Từ đó, chiếc máy ảnh gắn liền với cuộc đời của Nguyễn Bá Khoản. Nhiều bức ảnh để đời cũng được ghi lại từ chiếc máy ảnh này, như cuộc mít tinh tại Khu Đấu Xảo Hà Nội (nay là Cung Văn hóa Hữu Nghị) vào ngày 1/5/1938 và một loạt ảnh về những ngày cả Hà Nội sôi sục chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Đặc biệt nhất, có lẽ là bức ảnh chụp Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập trong ngày 2/9/1945.

Là phóng viên của Báo Cứu Quốc, Nguyễn Bá Khoản được phân công chụp ảnh trong ngày lễ trọng đại này. Ông có mặt tại vườn hoa Ba Đình trước khi diễn ra buổi lễ hai tiếng. Dù không có ống kính tê lê, lễ đài lại không rộng rãi để cho báo chí tác nghiệp như ngày nay nhưng Nguyễn Bá Khoản vẫn chọn được góc máy vừa ý nhất. Ông bấm ba kiểu ảnh lúc Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, ở tốc độ khác nhau. Tấm ảnh mà chúng ta thấy hiện nay là một trong ba bức ảnh đó.

Cùng với những bức ảnh khác mang đậm dấu ấn lịch sử, bức ảnh Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập đã đưa tác giả trở thành “người chép sử bằng hình ảnh” hiếm hoi của giới nhiếp ảnh nước nhà. Ông nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn hóa nghệ thuật đợt I cho những bức ảnh này.

Những thước phim hiếm hoi

Có nhiều hãng thông tấn quốc tế có mặt trong ngày lễ Quốc khánh 2/9/1945 nhưng những thước phim về thời khắc lịch sử ấy thì chỉ có một. Đó là cảnh xe ô tô đưa Bác Hồ và ban lãnh đạo Chính phủ lâm thời từ Bắc Bộ Phủ ra vườn hoa Ba Đình để chuẩn bị cho buổi lễ có xe đạp của lực lượng bảo vệ hộ tống, rồi cảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, cảnh Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào, cảnh nhân dân Hà Nội thể hiện lòng quyết tâm giữ vững nền độc lập với nắm đấm giơ lên “xin thề”... Chỉ 5 phút ấy thôi nhưng đã khắc họa lại “không khí” của thời khắc lịch sử có một không hai của dân tộc. Chỉ 5 phút phim ấy thôi mà những người sưu tầm tư liệu phải mất 30 năm!

Vào năm 1974, một đoàn làm phim tư liệu về Bác Hồ được cử sang Pháp để sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan. Trước khi đoàn lên đường, đồng chí Trường Chinh có căn dặn nhà báo Hồng Hà, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân rằng cố gắng tìm cho được những thước phim có liên quan đến ngày Quốc khánh 2/9/1945. Nếu phải mua lại thì “giá gì cũng mua cho bằng được”. Trong những ngày lưu lại nước Pháp, đoàn làm phim đã dò la tìm hiểu và lục lọi hầu như tất cả các kho tư liệu liên quan đến sự kiện 2/9/1945 nhưng không thấy những thước phim mình cần. Thế rồi một hôm, thông qua sự giúp đỡ của đạo diễn Joris Ivens người Hà Lan, một người bạn Pháp đã trao tặng những thước phim quý giá này. Đúng 30 năm sau ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1975), khán giả cả nước mới thấy được những hình ảnh “động” của ngày 2/9/1945, thông qua 5 phút phim tư liệu lịch sử.

Báo Đông Phát, số đặc biệt phát hành ngày 2/9/1945
 
Vào thời điểm 2/9/1945, số lượng các tờ báo ở nước ta rất ít, chủ yếu là tuần báo. Tờ báo có lượng phát hành lớn lúc bấy giờ là tờ báo Đông Phát, phát hành ngày Chủ nhật, đúng ngày 2/9/1945. Nghĩa là, những thông tin trong số báo này đã được lấy từ ngày 1/9/1945. Tuy nhiên, những gì mà tờ báo này phản ánh trong số ra hôm đó thì rất chi tiết, cụ thể. Có lẽ, các thông tin về ngày Lễ Quốc khánh 2/9 đã được phóng viên của tờ Đông Phát tiếp cận trước đó.

Theo nội dung số báo này, có thể thấy rõ, Ban Tổ chức đã rất chi tiết từ việc tuyên truyền để vận động người dân tham gia mít tinh, đến việc lường trước các tình huống khi người dân đi dự lễ, giới thiệu các cổng vào nơi mít tinh, tỉ mỉ từ giờ giấc đến vị trí của các thành phần tham dự, kể cả trong trường hợp người đi muộn thì xử lý thế nào...

Báo Đông Phát, số Chủ nhật, ngày 2/9/1945.           ẢNH: TL
Báo Đông Phát, số Chủ nhật, ngày 2/9/1945.           ẢNH: TL

 

 

TRẦN ĐĂNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 14:45, 04/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.