(Báo Quảng Ngãi)- Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” (Nghị quyết số 25) và 5 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW ngày 7/1/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25, nhận thức của cả hệ thống chính trị về công tác dân vận đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chủ trương của Đảng về công tác dân vận đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời, có hiệu quả.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân gặp gỡ bí thư chi bộ, trưởng thôn và người có uy tín ở các huyện miền núi. Ảnh: T.L |
Năm 2014, xã Bình Dương (Bình Sơn) là địa phương đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Hiện nay, Bình Dương đang chờ cấp có thẩm quyền thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Một trong những bài học kinh nghiệm quý báu khi thực hiện xây dựng NTM ở xã Bình Dương là luôn phát huy vai trò của cấp ủy đảng trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của xây dựng NTM, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở...
Công chức Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn công dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh. |
Bí thư Đảng ủy xã Bình Dương Lê Minh Chính cho biết, Đảng bộ xã luôn xác định xây dựng NTM và NTM nâng cao là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Căn cứ theo từng nhiệm vụ, từng phong trào thi đua, Đảng ủy xã đều có kế hoạch để chỉ đạo và triển khai thực hiện. Trong đó, UBND xã thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, khối Mặt trận triển khai công tác dân vận, Hội Nông dân xã phối hợp với chính quyền thực hiện các mô hình kinh tế để nâng cao đời sống của nhân dân... Việc gì cũng được bàn bạc, công khai đến người dân, nên các công trình, phần việc được triển khai đều có sự đồng thuận cao, thu hút nhiều lực lượng tham gia, giúp xã Bình Dương luôn dẫn đầu phong trào xây dựng NTM của huyện và tỉnh.
Một trong những dấu ấn thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận là nghiêm túc thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Đến nay, việc đối thoại đã đi vào nền nếp, tạo được niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Trong 10 năm qua, Bí thư Tỉnh ủy tổ chức 8 cuộc đối thoại với người dân; bí thư các huyện, thị, thành ủy tổ chức hơn 494 lượt đối thoại tại 173 xã, phường, thị trấn; bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn tổ chức hơn 2.185 lượt đối thoại tại 954 thôn, tổ dân phố. Qua đối thoại đã kịp thời chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, vụ việc bức xúc, nổi cộm của người dân, nhất là những vụ việc tồn đọng, kéo dài, tạo được sự đồng tình của nhân dân và dư luận xã hội. Kết quả giải quyết các vụ việc sau đối thoại đạt tỷ lệ khoảng hơn 85%.
Điển hình của các vụ việc đã được giải quyết sau đối thoại của bí thư cấp ủy với người dân như: UBND tỉnh đã cấp kinh phí gần 18 tỷ đồng để chi trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Triển khai đầu tư dự án Nâng cấp, mở rộng xây dựng mới và trang thiết bị Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức và dự án Xây dựng mới và trang thiết bị Trung tâm Y tế TX.Đức Phổ, với tổng kinh phí 77 tỷ đồng. Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh triển khai việc quan trắc và kiểm soát ô nhiễm môi trường, để đánh giá hiện trạng và diễn biến môi trường tại KKT Dung Quất và các KCN trên địa bàn tỉnh; đề xuất các giải pháp quản lý, kiểm soát các nguồn ô nhiễm phát sinh do hoạt động công nghiệp trên địa bàn. Xã Đức Lân (Mộ Đức) đã đầu tư sửa chữa tuyến đường giao thông đồng ruộng từ Miếu Đá Bạc - Gò Hộ...
Từ khi thực hiện Nghị quyết số 25, nhiều chủ trương của Đảng về công tác dân vận đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời, có hiệu quả. Công tác dân vận đã bám sát mục tiêu nghị quyết đề ra, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng nhiệm vụ chính trị cụ thể của từng địa phương, đơn vị. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận được đổi mới theo hướng dân chủ, dựa vào dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phát huy tối đa vai trò, sức mạnh của nhân dân. Đặc biệt, chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước đã kịp thời cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về công tác dân vận thành quyết định, chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện tại địa phương, đơn vị. Gắn thực hiện công tác dân vận với đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác đối thoại của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp.
Tuyến đường hoa ở xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) do người dân trồng và chăm sóc. |
Hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sát cơ sở. Trong đó, tích cực thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện nghiêm túc quy định về góp ý và tiếp thu góp ý trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân theo Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 8/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; tổ chức góp ý dự thảo văn kiện đại hội đảng các cấp; tham gia ý kiến đóng góp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chính sách an sinh xã hội tại địa phương.
Theo thống kê, 10 năm qua, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức 1.966 cuộc giám sát, 906 cuộc phản biện đối với các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, địa phương có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; tham gia 9.127 ý kiến góp ý xây dựng tổ chức đảng, 8.708 ý kiến góp ý đối với đảng viên, 7.567 ý kiến tham gia góp ý đối với chính quyền và 4.255 ý kiến tham gia góp ý đối với các cá nhân...
Hơn 9.900 mô hình “Dân vận khéo”
Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã đăng ký và triển khai thực hiện hơn 9.900 mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm chỉ đạo việc xây dựng, phát hiện và nhân rộng các nhân tố mới, điển hình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiện nay, có trên 1.600 mô hình “Dân vận khéo” đã đi vào cuộc sống, có địa chỉ và có cách làm cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương; tập hợp và đoàn kết rộng rãi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. |
Bài, ảnh: THANH THUẬN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: