(Baquangngai.vn)- Chuẩn bị cho ngày Tết truyền thống, những người làm bánh ít lá gai ở Lý Sơn đang hối hả cho ra lò những chiếc bánh thơm ngon, kịp giao cho khách. Có nhà phải thuê thêm nhân công, bởi số lượng bánh được đặt tăng gấp nhiều lần so với ngày thường.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhắc đến bánh ít lá gai ở Lý Sơn, đầu tiên phải nghĩ ngay đến gia đình bà Phạm Thị Phường (ngụ ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn), với 20 năm gắn bó với nghề. Mặc dù nhà bà Phường nằm sâu trong con hẻm nhưng nhờ cách gói bánh thơm ngon, tiếng lành đồn xa nên hàng ngàn người khắp nơi đều tìm đến đặt hàng chở vào đất liền tiêu thụ, nhất là vào dịp tết.
Vừa đến ngõ nhà đã thấy mùi thơm đặc trưng tỏa ra từ những nồi luộc bánh nơi căn bếp. Bao năm qua, cái nghề này đã giúp vợ chồng bà mưu sinh kiếm sống, nuôi con cái ăn học, trưởng thành từng ngày. Những ngày cận Tết, nhịp sống ở gia đình bà luôn hối hả. Từ già đến trẻ đều có phần việc của mình để kịp giao cho khách. Người luộc lá, giã lá, quết bột, làm nhân bánh. Người thì gói bánh và cho bánh vào nồi để nấu.
Để xuất ra khoảng 3.000 bánh mỗi ngày trong dịp Tết, nhiều cơ sở tận dụng hết nguồn nhân lực trong gia đình. Riêng gia đình bà Phường còn thuê thêm 5 người. |
Vừa thoăn thoắt gói bánh, bà Phường vừa hướng dẫn chi tiết cách làm với chúng tôi. Theo bà, nghề làm bánh ít cũng có những bí quyết riêng trong từng công đoạn khá là công phu, vất vả so với những loại bánh khác như bánh chưng, bánh gói, bánh ú. Cơ bản phải chọn được loại bột nếp thơm, đảm bảo chất lượng. Còn lá gai thì không khó tìm, nhất là ở vùng quê chưa bị đô thị hóa mạnh mẽ như Lý Sơn.
Sau khi có nguyên liệu, trước hết người làm bánh sẽ đem tước bỏ đi gân lá gai để khi quết với bột, lá gai sẽ mềm hơn rồi mang lá gai đi phơi khô. Một công đoạn tiếp theo là đun nhừ lá gai, vắt khô, thái nhuyễn, giã mịn với gừng nướng để tạo ra hương thơm đặc biệt. Tiếp tục, bà Phường sẽ dùng đường phèn đun chảy, đổ nước đường vào cối lá gai vừa được đun để tạo thành mật lá gai. Nhào mật với bột cho thật đều rồi lại đem ra giã nhuyễn. Lớp bột lá gai sẽ hoàn thành với màu xanh đen rất thẫm, dẻo quánh, vừa mịn lại vừa dai.
Mùi thơm lừng của bánh ít lá gai lan tỏa khắp nơi ở đất đảo, đón mùa xuân mới. |
Nhân bánh được làm bằng đậu xanh hoặc nhân dừa và đậu phụng kết hợp. Sau khi mọi thứ được chuẩn bị đầy đủ, bỏ nhân vào bột và viên tròn. Cuối cùng bỏ từng viên vào lá chuối khô gói lại. Dùng lá chuối khô gói bánh ít sẽ được mùi thơm lâu hơn. Tất cả đều các công đoạn đều được làm vệ sinh, sạch sẽ giúp cho bánh ít được luôn thơm ngon, có độ dẻo dai và giữ được lâu. Sau Tết, hấp bánh lại ăn vẫn thấy ngon, an toàn.
Trước Tết tầm 15 ngày, nhiều bạn hàng lâu năm của bà liên tục gọi điện thoại để đặt hàng vì họ biết từ ngày 23 Âm lịch trở đi, cơ sở của bà sẽ không nhận làm thêm nữa. Bà Nguyễn Thị Sự, 58 tuổi, hàng xóm bà Phường đến nhận 100 bánh vừa làm xong, cho biết: “Tui ở gần đây mà năm nào chủ quan không đặt trước là không có bánh mà cúng luôn đấy”.
Để phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm nay, bà đã trữ rất nhiều bột nếp được mua sẵn từ trong Nam và làm lai rai cho đến ngày 29 Tết. Nếu ngày thường, trung bình chỉ có 500 bánh xuất đi thì bắt đầu từ ngày 20 Âm lịch trở đi, mỗi ngày gia đình bà Phường xuất khoảng 3.000 bánh, tiêu thụ trong toàn tỉnh. Trung bình mỗi mỗi bánh có giá 2.500 đồng. Ngoài bánh ít bà còn tranh thủ gói thêm 2.000 bánh ú, bán với giá 1.000 đồng/cái.
“Cuối năm, khách đặt mua nhiều, phải gói thêm giờ, luôn tay. Trừ chi phí nguyên liệu, công thuê 5 người thợ, gia đình tôi cũng lãi được hơn chục triệu đồng. Có thức đêm, có vất vả thiệt nhưng nghĩ đến cái tết đầm ấm, sung túc hơn, tôi thấy lòng mình vui rộn ràng…”, bà Phường phấn khởi nói.
Những người làm bánh ít lá gai đã góp một phần nhỏ trong việc đánh thức hồn quê, gợi nhớ nguồn cội trong lòng mỗi người con nơi đất đảo. |
Từ lâu, bánh ít lá gai thể hiện được nét văn hóa truyền thống của người dân nơi đất đảo. Không chỉ có mặt trong các lễ cúng, Tết nhứt của làng mà bánh ít lá gai còn được trịnh trọng đặt trên những mâm cúng, bàn thờ trong những chuyến ra khơi đầu năm. Đây là sản vật mà ngư dân mang theo để dâng cúng hương hồn tổ tiên ông bà đã nằm xuống trên biển khi dong buồm ra khơi cắm mốc khẳng định chủ quyền của quốc gia trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày trước mỗi dịp Tết đến, xuân về, phần lớn các gia đình ở Lý Sơn đều làm bánh ít. Bây giờ nghề này chỉ còn lác đác chưa đến chục hộ. Tuy nhiên, họ vẫn luôn cố gắng giữ lấy cái nghề truyền thống của gia đình.
Bà Nguyễn Thị Khử, 55 tuổi, ngụ tại thôn Đông, xã An Vĩnh với 11 năm cần mẫn nghề làm bánh ít, bộc bạch: “Nghề này cực nhưng vui. Bởi, ngoài mục đích mưu sinh, nuôi con cái ăn học trưởng thành, tôi cảm thấy mình như đã góp một phần trong việc đánh thức hồn quê, gợi nhớ nguồn cội trong lòng mỗi người con nơi đất đảo”.
Bài, ảnh: Thiên Hậu