Người Quảng Ngãi ăn Tết

10:02, 05/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ nghìn xưa đến nay, tâm thế đón Tết của người Việt nói chung, Quảng Ngãi nói riêng không có nhiều khác biệt. Nếu có chăng thì chỉ là cách chuẩn bị, chào đón Tết, nói nôm na là ăn Tết. 
[links()]
Món ăn biểu hiện tính cách
 
Người Quảng Ngãi tự cho mình là dân “ăn cục nói hòn”, “ăn chắc mặc bền”, sống thật thà, đơn giản, chú trọng thực chất và coi nhẹ sự tế nhị, khéo léo về hình thức bên ngoài. Do vậy, việc ăn uống của người Quảng Ngãi ngày thường cũng như ngày Tết biểu hiện tương đối rõ về tính nết của con người vùng đất này.
 
Để có Tết, việc đầu tiên ai cũng lo là chuẩn bị gói bánh tét. Để có được bánh tét ngon cúng tổ tiên và ăn Tết, người dân phải chuẩn bị nếp thơm hoặc nếp ngự Sa Huỳnh. Tiếp đến là đậu xanh, thịt heo ba chỉ và các loại gia vị, lá chuối, lạt buộc để gói bánh. Bánh tét ở Quảng Ngãi mộc mạc, chân chất tựa tính tình người dân quê, không cầu kỳ, màu mè như bánh tét ngũ sắc, bánh lá cẩm, bánh tét cốm của một số địa phương miền Tây Nam Bộ. Thế nhưng, để có được những đòn bánh tét ngon và đẹp thật không đơn giản. Lá chuối gói bánh phải chọn những tàu lá to lành lặn, rửa sạch rồi đem hơ qua lửa. 
 
Gói bánh chưng, bánh tét ngày Xuân.  ẢNh: MINH THU
Gói bánh chưng, bánh tét ngày Xuân. ẢNh: MINH THU
Nếp ngâm chừng 7, 8 tiếng với nước lá dứa thơm rồi vớt ra để ráo nước. Đậu xanh cà vỏ nấu chín có màu vàng ươm, tỏa mùi thơm mới đạt. Thịt heo ba chỉ chọn miếng có tỷ lệ mỡ và thịt đều nhau, rửa qua nước muối hòa với nước cốt chanh để khử mùi rồi đem cắt dài cỡ lóng tay, ướp gia vị cho thấm. Khi làm nhân bánh thì xếp thịt ở giữa, đậu xanh bao quanh cuộn thành khối hình trụ. Gói và buộc bánh bằng lạt tre phải thật khéo thì đòn bánh mới tròn, đều, để khi cắt bánh ra nhân nằm ngay chính giữa mới đẹp. Nấu bánh cũng là khâu quan trọng, vì nếu không chú ý đến độ lửa thì bánh sẽ mất ngon, kém hấp dẫn.
 
Bánh tét là món không thể thiếu trong cái Tết của người Quảng Ngãi. Nhà có của ăn của để thì nấu hai, ba chục đòn bánh để cúng, ăn trong ba ngày Tết và đem cho, biếu người thân, hai bên nội ngoại. Từ Mùng ba Tết trở đi, bánh tét còn có thể đem nấu lại hoặc chiên để lót dạ buổi sáng trước khi đi làm. Nhà nghèo cũng ráng nấu năm bảy đòn bánh. Trong mâm cúng chiều 30 Tết tiễn năm cũ, đón năm mới có nhiều món ngon nhưng không thể thiếu bánh tét. Ba ngày Tết cũng thế, bánh tét luôn có mặt trong mâm cúng ông bà tổ tiên, tiền hiền, hậu hiền, thần hoàng bổn xứ.
 
Theo các nhà nghiên cứu, bánh tét là sự chuyển đổi, cải tiến từ bánh chưng của phương Bắc cho phù hợp với bước đường Nam tiến mở cõi của người Việt. Những đòn bánh gọn nhẹ, để được lâu, theo gồng gánh, mang vác của lưu dân rong ruổi qua những vùng đất mới giúp họ đỡ đói mà không cần nấu nướng. Đường xa vạn dặm, mang theo bánh tét có thể vừa đi, vừa ăn hoặc ăn nhiều lần mà không thấy ngán.
 
 Người Quảng Ngãi dâng cúng bánh tét không chỉ là để tưởng vọng, biết ơn tổ tiên đã làm ra hạt gạo, hạt nếp nuôi sống biết bao thế hệ con người, mà còn ghi nhớ sâu nặng công lao của tiền nhân đã đổ mồ hôi, máu xương trong hành trình mở cõi, an yên vùng đất này từ vài trăm năm trước. Nếu đất Bắc có thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh làm nên Tết, thì Quảng Ngãi có bánh tét kèm thịt heo luộc với củ kiệu cũng đủ mặn nồng hương vị những ngày xuân.
 
Để có thịt ăn Tết, ngày xưa năm, bảy gia đình trong xóm thường hùn hạp xẻ thịt con heo thật to để chia nhau. Nhà khá giả thì mua heo xẻ thịt để ăn trong Tết và muối để dành. Những ngày giáp Tết từ làng trên tới xóm dưới đâu đâu cũng nghe văng vẳng tiếng heo éc éc, tiếng chày nện thình thịch làm bánh nổ. Ngày Tết thịt heo luộc ăn với bánh tét và củ kiệu là đúng điệu. Củ kiệu trắng, dòn, vị cay nồng có tác dụng đỡ ngán và giúp cho hệ tiêu hóa khỏi quá tải. Cũng có người nghiện món bánh tét ăn với thịt heo ngâm nước mắm ngon hay ăn bánh tét với thịt heo kho tàu vừa thơm, vừa béo.
 
Tết Quảng Ngãi nằm trong dòng chảy cội nguồn văn hóa Việt, vì vậy không có sự “dị biệt” về phong tục cũng như cách ăn Tết. Với quan niệm “còn cũng ba ngày Tết, hết cũng ba ngày mùa”, người Quảng Ngãi dành dụm, tằn tiện cả năm để mua sắm nhiều thứ ăn Tết. Nào là thịt heo, thịt bò, rau đậu các loại, bánh tét, nem chả, củ kiệu, nước mắm nhỉ, bánh nổ, bánh thuẫn, bánh in, bánh dẻo, mứt gừng, mứt dừa... để cái Tết thật rôm rả, đúng nghĩa là ăn Tết.
 
Bánh tráng là món không thể thiếu
 
Chung quanh chiếc bánh tráng gạo dân dã ở Quảng Ngãi có nhiều câu chuyện thú vị. Những người am hiểu văn hóa Chăm thì cho rằng, bánh tráng có mặt trong mâm cúng của người Quảng (vùng Quảng Ngãi, Quảng Nam) là ảnh hưởng của biểu tượng văn hóa Chăm. Chiếc cối xay bột để tráng bánh trong quan niệm của người Chăm là sự kết hợp giữa Linga và Yoni. Từ bột gạo lúa Chiêm, qua sự kết hợp, vận hành của Linga, Yoni và qua lửa đã thành chiếc bánh biểu tượng cho tính phồn thực và lý lẽ về căn nguyên sinh tồn vạn vật.
 
Đến nay, vẫn chưa có công trình nào khẳng định về nguồn gốc, nơi ra đời đầu tiên của bánh tráng, nhưng bản thân nó đã là món ăn được người Quảng Ngãi ưa thích. Bánh tráng chín nhúng nước chấm nước mắm có thể ăn trừ bữa. Bánh tráng mỏng gói ram với con tôm, con tép hay chút thịt băm là món ngon đãi tiệc, dâng cúng ông bà.
 
Khác với phương Nam, xứ Bắc, trong các thứ chuẩn bị cho Tết của người Quảng Ngãi luôn có món bánh tráng. Thường thì trước Tết cả tháng, người ta đến lò đặt làm bánh tráng mè hoặc bánh tráng pha nước cốt dừa. Trước là để cúng, sau là để dành ăn dần đến hết tháng Giêng, tháng Hai. Có những người Quảng Ngãi định cư ở nước ngoài thì nhờ người thân đóng hàng gửi bánh tráng cho họ với lý lẽ rất đơn giản là ăn để đỡ nhớ hương vị Tết quê nhà. Nếu xét về ẩm thực, bánh tráng chỉ là món phụ nhưng trong bữa tiệc,  giỗ chạp hay mâm cúng ngày Tết, bánh tráng luôn có mặt và là món không thể thiếu. Ngày xưa các cụ còn cho rằng, bữa tiệc của người Quảng Ngãi không phải bắt đầu từ rượu mà là tiếng bánh tráng vỡ giòn tan và kết thúc bằng món xôi nếp “hết xôi rồi việc”. Chỉ đơn giản vậy nhưng sự hiện diện của bánh tráng trong mâm tiệc, cúng rất ý nghĩa về nghệ thuật ẩm thực.
 
Người Quảng Ngãi sống chân chất, kiệm ước nên món ăn cũng không cầu kỳ, tinh tế. Tết chỉ là bánh tét, thịt heo, củ kiệu, bánh thuẫn, bánh nổ, bánh in, mứt gừng, mứt dừa và bánh tráng... Đơn giản vậy thôi nhưng đậm đà hương sắc của một vùng quê và luôn gợi nhớ để người đi xa luôn muốn tìm về.
 
TRẦN CAO TÁNH
 
 
 

.