(Baoquangngai.vn)-
Khi hoa mai, hoa cúc đua nhau khoe sắc tại quê nhà, cũng là lúc những người Quảng Ngãi đang học tập và làm việc tại nước ngoài rộn ràng tổ chức đón Tết cổ truyền với đầy đủ món ăn, trang phục và các phong tục mang đậm đà bản sắc Việt.
[links()]
Đậm đà bản sắc Việt
Làm việc tại tỉnh Quebec (Canada), nên năm nay là năm thứ 4, chị Bùi Thị Thoại Huyền (30 tuổi), quê ở xã Đức Tân (Mộ Đức) ăn Tết xa nhà. Vui xuân, đón Tết nơi đất khách, nhưng chị Huyền cho biết, chưa năm nào, mâm cơm đầu năm mới của gia đình chị Huyền thiếu đi những món đặc trưng của Việt Nam là bánh chưng, bánh tét, thịt heo quay, chả bò và canh khổ qua.
“Gia đình tôi ít người, nên bánh chưng, bánh tét thì chúng tôi đến các cửa hàng Việt Nam để mua. Giá 1 chiếc bánh chưng bên này là 330 nghìn đồng còn 1 đòn bánh tét là 270 nghìn đồng. Riêng các món như heo quay, canh khổ qua, thì tôi mua nguyên liệu về rồi làm. Bên này, mình không được nghỉ Tết cổ truyền như khi ở Việt Nam, nhưng năm nào tôi cũng cố gắng chuẩn bị, chăm chút cho Tết cho đỡ nhớ Tết nơi quê nhà”, chị Huyền thổ lộ.
Đón Tết tại Canada, chị Bùi Thị Thoại Huyền vẫn giữ thói quen đi chùa đầu năm mới và mua bánh chưng, bánh tết đón xuân. Ảnh: NVCC |
15 năm sống và làm việc tại Atlanta (Mỹ), cũng là ngần ấy thời gian chị Đoàn Diệu Hải, quê ở xã Đức Hòa (Mộ Đức) chị Hải ăn Tết xa nhà. Đón Tết xa nhà, nên để tạo nên không khí, hương vị Tết quê, năm nào, gia đình chị Hải cũng tổ chức nấu bánh chưng, bánh tét.
“Cứ đến Tết, là gia đình tôi lại ra chợ mua nguyên liệu về nấu bánh chưng, bánh tét. Lá chuối bên này được cấp đông rồi bán với giá hơn 20 nghìn đồng/ xấp, đủ để gói 1 bánh chưng. Năm nay, gia đình tôi gói và nấu tổng cộng 50 bánh tét, 10 cặp bánh chưng… để ăn Tết và tặng cho các gia đình người Việt xa quê khác. Ngoài ra, tôi còn may áo dài cho mình và các con để các con biết và nhớ về trang phục, không khí Tết truyền thống”, chị Hải chia sẻ.
Ở nước Mỹ xa xôi, nhưng chị Đoàn Diệu Hải vẫn chăm chút mặc áo dài khăn đóng cho con để con nhớ về Tết quê. Ảnh: NVCC |
Người Mỹ không ăn Tết âm lịch như người Việt, nên vào thời điểm Tết nguyên đán của Việt Nam, chị Hải vẫn phải đi làm. Tuy không được nghỉ Tết cổ truyền, nhưng chị Hải cho biết, Tết cổ truyền dân tộc năm nay trùng với ngày cuối tuần, vì vậy, gia đình chị có thời gian để đưa các con đi chùa hái lộc và ghé thăm các gia đình đồng hương tại Atlanta. Tại các cuộc gặp gỡ, mọi người lại kể cho nhau nghe chuyện công việc, quê hương và dành cho nhau những lời chúc Tết ý nghĩa. Không khí vui xuân, đón Tết ở nước ngoài nhờ vậy mà vẫn đầm ấm, vui vẻ và đậm đà bản sắc không thua kém ở quê nhà.
Bồi hồi nhớ Tết quê hương
Năm nay đã là năm thứ 3, chị Lê Thị Thanh Mai (30 tuổi), quê ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) hiện đang học tập tại Gwangju (Hàn Quốc) ở lại Hàn Quốc để đón Tết cổ truyền.
“Năm nay, tình hình Covid diễn biến phức tạp, nên người Việt tại Gwangju hầu hết đều ở lại Hàn chứ không về được quê để đón Tết. Mọi năm, Hàn Quốc cho nghỉ Tết cổ truyền 3 ngày, còn năm nay, được nghỉ 4 ngày. Trong những ngày này, vì Hàn Quốc đang cấm tụ tập nơi công cộng từ 5 người trở lên nên chúng tôi không du xuân, mà chủ yếu ghé thăm nhà bạn bè người Việt sống cùng chung cư để cùng đón năm mới. Chúng tôi cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét, cùng làm các cành đào, mai giả… cho giống không khí Tết quê hương; song, không khí đi chợ Tết, phố phường rực rỡ cờ hoa và nhộn nhịp vào dịp Tết như tại Việt Nam, thì không thể nào tìm được tại đây”, chị Mai bồi hồi.
Cộng đồng người Việt tại Mỹ mặc áo dài vào ngày Tết cổ truyền. Ảnh: NVCC |
Còn đối với chị Bùi Thị Thoại Huyền, điều làm chị nhớ nhất về không khí Tết nơi quê nhà, đó chính là không khí tất bật chuẩn bị cúng rước ông bà và cúng tạ đầu năm. “Có nhiều người tâm sự rằng, mỗi lần đến Tết, là ngao ngán cảnh dọn nhà, rửa chén, cúng… Nhưng khi xa quê, chúng tôi lại “thèm” được làm những công việc ấy. Nhà tôi là nhà thờ, tôi lại là con cả. Nên cứ đến Tết, là tôi lại nhớ về những ngày còn ở Việt Nam, được phụ mẹ nấu cúng. Nhớ bếp lửa than bập bùng, nhớ tiết trời Quảng Ngãi se lạnh vào dịp Tết, rồi mọi người cùng nô nức đến nhà nhau chúc Tết. Giờ làm việc ở xa, đến Tết là tôi cũng gọi video qua facebook về thăm hỏi, chúc Tết cha mẹ, ông bà cho đỡ nhớ. Nhưng không khí Tết vẫn chẳng thể nào đầm ấm như ở quê…”, Chị Huyền tâm sự.
Đón Tết xa nhà cả “vạn dặm”, song, trong lòng những người Quảng xa quê, dù sống ở phương trời nào, thì Tết cổ truyền vẫn là thời khắc mà lòng người nhớ về quê hương nhiều nhất. Và mỗi người đều cố gắng gìn giữ để Tết cổ truyền luôn đậm đà bản sắc và không mai một nơi đất khách, quê người.
Ý THU