Muôn nẻo nghề của ngày tết

04:01, 30/01/2013
.

(QNg)- Cùng với các làng nghề truyền thống chuyên sản xuất hàng Tết, ở Quảng Ngãi những ngày cuối năm còn có một “nghề” khá đặc biệt, đó là dịch vụ chăm sóc mộ như nhổ cỏ, lau, dọn vỏ mộ, đổ cát, thay sạn, trồng hoa... ở Nghĩa trang Quảng Ngãi thuộc xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa).

TIN LIÊN QUAN


Nghề truyền thống bội thu

Chúng tôi thăm làng nghề làm bánh nổ ở thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa), trong tiết trời se lạnh của một ngày tháng Chạp. Khắp đường làng, ngõ xóm ở đây sực nức mùi thơm bánh nổ. Anh Phạm Vinh Long, có gần 30 năm chuyên sống bằng nghề này cho biết, mỗi ngày gia đình anh làm khoảng gần 1 tạ nếp và luôn có 5 người làm công để kịp giao hàng phục vụ Tết.

 

Cơ sở sản xuất bánh nổ Hồng Hộ.                      Ảnh: K.Ngân
Cơ sở sản xuất bánh nổ Hồng Hộ. Ảnh: K.Ngân


Toàn thôn Điền Trang hiện có trên 10 lò làm bánh nổ lớn, nhỏ. Các cơ sở này đã giải quyết việc làm cho gần 100 lao động tại địa phương để có thêm thu nhập lo tết cho gia đình. Còn cơ sở sản xuất bánh nổ của ông Trần Văn Hộ, ở tổ dân phố An Bàng, thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) cũng khá nhộn nhịp và có quy mô lớn. Ông có thâm niên nghề hơn 20 năm. Ông Hộ cho biết, đây là thời điểm hàng bán chạy nhất trong năm nên nhân công phải làm tăng ca để kịp giao hàng cho khách. Hiện cơ sở của ông giải quyết việc làm cho khoảng 15 lao động với thu nhập ổn định từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Riêng gia đình ông Hộ, trừ các khoản chi phí, thu nhập hơn 20 triệu đồng. Ông Hộ cho hay: Sản phẩm bánh nổ Hồng Hộ đã có thương hiệu được thị trường khắp nơi ưa chuộng, là do đạt chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Làng nghề bánh tráng mỏng truyền thống ở xã Hành Trung (Nghĩa Hành) thì tấp nập bạn hàng ra vào, do "cháy" hàng. Ông Nguyễn Sinh-Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Gần chục năm trở lại đây, làm bánh tráng các loại trở thành nghề phụ nhưng mang lại thu nhập tương đối khá cho nhiều hộ gia đình. Họ tận dụng được cặn bột để chăn nuôi có thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo. Toàn xã có gần 400 hộ làm nghề bánh tráng, nhiều hộ đã thoát nghèo, lo cho con cái học hành, có việc làm ổn định.

Do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm bánh tráng những năm qua rất lớn nên một số gia đình đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc để mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, như ông Võ Bảo, ở thôn Hiệp Phổ Trung đã đầu tư gần 200 triệu đồng mua máy làm bánh tráng. Nhờ được trang bị máy móc hiện đại nên không những kinh tế gia đình ông thuộc loại khá giả, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho trên 15 lao động nhàn rỗi ở địa phương, với thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Mỗi ngày cơ sở của ông Bảo tiêu thụ hơn 200 kg gạo, cho ra lò hơn 14 nghìn bánh. Không chỉ hộ ông Bảo mà trên địa bàn huyện Nghĩa Hành còn có 4 cơ sở sản xuất quy mô lớn, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động.

Nghề mới thời kinh tế thị trường

Thời điểm này, đến nghĩa trang Quảng Ngãi có thể nhìn thấy cảnh tấp nập người qua lại. Họ là những người làm dịch vụ chăm sóc, chỉnh trang mộ theo yêu cầu của chủ gia để đón Tết.

 Anh Phạm Văn Thức, một người làm dịch vụ ở đây cho biết: "Tôi làm công việc này được vài năm rồi. Cứ đến cuối năm tới nghĩa trang là có việc. Nhổ cỏ, lau rửa, quét dọn… cũng kiếm được chút ít tiền phụ giúp vợ lo Tết". Đội làm dịch vụ chỉnh trang mộ ở đây có khoảng vài chục người, hầu hết là người dân ở xung quanh khu vực nghĩa trang. Bà Nguyễn Thị Vân cho hay: Bình thường tôi bán nhang đèn, hoa cúng, đến gần tết lại làm thêm việc lau, dọn vỏ mộ, thay cát. Mỗi ngôi mộ chúng tôi nhận dọn dẹp với giá 50 đến 100 ngàn đồng. Cứ đầu tháng 11 âm lịch là đã có khách lên đặt làm, nhưng khoảng rằm tháng Chạp thì nhu cầu nhiều hơn".

Nhiều gia đình còn mở dịch vụ chăm sóc mộ trọn gói. Giá dao động từ 150-200 ngàn đồng/mộ. Anh Nguyễn Hùng, một thợ xây mộ ở nghĩa trang, cho biết: Có năm phải đến 30 Tết mới xong. Các gia đình có phần mộ ở đây thuê sửa mộ theo ngày công, giá cả thương lượng. Họ còn xin cả số điện thoại để năm sau tiếp tục thuê". Một số học sinh tranh thủ những buổi không đến trường cũng đến Nghĩa trang làm thuê để kiếm thêm tiền lo Tết cùng gia đình. Em Nguyễn Quang Vinh, học sinh lớp 7 Trường THCS Nghĩa Kỳ nói: "Hết giờ học là em lại vác cuốc, đem theo một cái khăn ướt rồi ra đây, đi một vòng cũng có vài người thuê dẫy cỏ, quét mộ, lau dọn… Chúng em còn nhỏ nên chỉ làm những việc nhỏ thế thôi, mỗi lần cũng được 10 ngàn đồng, tiền đó em góp lại để tự sắm đồ tết, mua thêm dụng cụ học tập"…

Nắm bắt nhu cầu của "khách hàng", ngoài việc dọn dẹp mộ, người dân ở khu vực gần nghĩa trang còn trồng nhiều loại hoa để phục vụ việc trang trí mộ. Bà Vân cho biết: "Năm nay, tôi còn trồng thêm vài trăm chậu hoa vạn thọ và cúc loại nhỏ để bán cho người viếng mộ dịp Tết nữa, hy vọng thu nhập sẽ khá".

Tuy nhiên, việc có quá nhiều người tham gia công việc chăm sóc mộ đã ảnh hưởng đến công tác quản lý, an ninh trật tự tại khu vực nghĩa trang. Tình trạng một số đối tượng lợi dụng thời điểm này làm tiền, ép giá với những người có mộ người thân ở đây cũng diễn ra không ít.


 K.Ngân-X.Hiếu
 


.