Chuyện theo đuổi con chữ ở xóm Đèo

09:11, 25/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Băng qua con đường nhỏ quanh co dưới những tán keo, chúng tôi đến xóm Đèo, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành). Xóm nhỏ chỉ với mấy chục hộ dân người Hrê sống vắng lặng ngày qua ngày, vì phần lớn người dân đều đi làm nương rẫy. Chỉ có tiếng trẻ ê a học bài tại điểm trường xóm Đèo (thuộc Trường Tiểu học Hành Dũng) như điểm nhấn duy nhất ở xóm nghèo dưới chân núi.
[links()]
Tại điểm trường lẻ giữa xóm Đèo heo hút, cô giáo Đinh Thị Kem (1988), người sinh ra và lớn lên tại xóm nghèo này đã gắn bó với nghề "gõ đầu trẻ" suốt 10 năm qua, góp phần tiếp thêm nghị lực, truyền cảm hứng và động lực học tập cho những đứa trẻ Hrê.
 
Bảng đen... chia hai
 
Chỉ cách TP.Quảng Ngãi tầm 20km, nhưng chuyện dạy và học ở xóm Đèo chẳng khác nào như ở vùng cao. Điểm trường xóm Đèo chỉ có vỏn vẹn một phòng học, với 12 học sinh, ghép các trẻ từ 6 đến 8 tuổi. Hiện tại, điểm trường có hai lớp (lớp 1 và lớp 3), mỗi lớp 6 cháu. Cô giáo Đinh Thị Kem cho hay: Học sinh ở xóm Đèo từ lớp 1 đến lớp 3 học tại điểm trường làng. Còn từ lớp 4 trở lên, các em học tại các điểm trường gần trung tâm xã hơn. Phần lớn tại xóm Đèo, phụ huynh đều làm nương rẫy từ sáng sớm, nên các em chủ yếu tự lo việc học. Thương nhất có hôm, đến trường, có em chưa ăn sáng, chỉ mang theo gói mì ăn liền rồi nhai sống. 
Vì lớp ghép các em học sinh nhiều độ tuổi khác nhau, nên cô giáo Đinh Thị Kem phải tìm hiểu phương pháp dạy học phù hợp cho các em.                         Ảnh: BẢO HÒA
Vì lớp ghép các em học sinh nhiều độ tuổi khác nhau, nên cô giáo Đinh Thị Kem phải tìm hiểu phương pháp dạy học phù hợp cho các em. Ảnh: BẢO HÒA
Dù phụ huynh ngày càng nhận thức rõ ý nghĩa của việc học, song vì cuộc sống còn lắm khó khăn, nên họ không có nhiều điều kiện quan tâm đến các em. Trong khi đó, nhiều em vì tuổi còn nhỏ, còn ham chơi, nên không chịu đến trường. Những lúc như thế, cô giáo lại đến từng nhà để vận động, nắm tay dẫn trẻ trở lại lớp học. Cách đây 7 năm, cây cầu trong xóm bị gãy vì thiên tai, cô Kem lại là người dẫn các em về nhà sau mỗi buổi học.
 
Điểm trường gồm nhiều em có độ tuổi, lớp học khác nhau, vì thế bảng đen cũng được chia làm hai phần. Vừa giảng cho các em lớp 1, giao bài cho các em thực hiện, cô giáo trẻ lại quay sang giảng bài cho lớp khác. Việc dạy và học cứ đều đặn như thế từ ngày này sang ngày khác. Một khó khăn nữa là, nhiều em học sinh nhỏ ở xóm Đèo chưa tiếp thu nhanh tiếng Việt. Do đó, cô giáo Kem phải tìm cách giảng bài phù hợp, hài hòa với cả hai lớp để các em chú ý vào bài học của mình. Dù có đôi chút bất tiện và còn lắm khó khăn, nhưng để gieo ước mơ con chữ cho học sinh xóm Đèo, việc duy trì lớp ghép là chuyện... không thể khác và cô giáo trẻ ở điểm trường lẻ này chẳng hề than van.
“Tôi rất tự hào, vinh dự khi được tham gia Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô". Đó là động lực để tôi cố gắng hơn nữa cống hiến sức trẻ của mình trong quá trình giảng dạy cho các em. Đến với chương trình, tôi cũng mong muốn các em học sinh dân tộc thiểu số tại các điểm trường lẻ được quan tâm nhiều hơn nữa vì các em vẫn còn nhiều thiếu thốn về điều kiện học tập”.
 
Cô giáo ĐINH THỊ KEM
Hạnh phúc với bục giảng ở quê hương
 
Xóm Đèo là nơi hẻo lánh nhất của xã Hành Dũng. Trước đây, xóm Đèo còn có tên gọi là hố Bà Năm chỉ có 16 hộ dân. Đến nay, cả xóm có 45 hộ dân, với 100% là đồng bào Hrê sinh sống. Mỗi khi mưa bão, xóm như bị cô lập về giao thông, bởi chỉ có con đường độc đạo nối từ xóm thông thương với bên ngoài. 
Mười năm gắn bó với bục giảng tại chính quê hương của mình, điều ý nghĩa nhất của cô giáo Đinh Thị Kem chính là truyền đạt kiến thức và nghị lực học tập đến các em.            Ảnh: B.HÒA
Mười năm gắn bó với bục giảng tại chính quê hương của mình, điều ý nghĩa nhất của cô giáo Đinh Thị Kem chính là truyền đạt kiến thức và nghị lực học tập đến các em. Ảnh: B.HÒA
Trở lại câu chuyện hàng chục năm trước mới thật sự cảm nhận được sự khó khăn và sự kiên trì đến trường của nữ sinh Đinh Thị Kem ngày đó. Con đường dẫn vào xóm chỉ là đường đất nhỏ, cây cối um tùm rậm rạp. “Lúc mình còn nhỏ, đi học còn có bạn bè cùng trang lứa, đến năm cấp 3 cả xóm Đèo chỉ có mình Kem cưỡi xe đạp đi học. Vào mùa đông, "trời tháng Mười chưa cười đã tối", từ trường đạp xe về nhà mà trong lòng mình rất sợ, bởi đường xa tối tăm. Có khi về đến nhà, Kem òa khóc nức nở bởi cha mẹ đi làm rẫy về trễ chẳng thể đến trường đón kịp. Thế nhưng, mình chưa bao giờ có ý định bỏ học. Ngày hôm sau mình vẫn tiếp tục đến trường, kiên nhẫn để theo đuổi con chữ”, cô giáo Kem bộc bạch. 
Cô giáo Đinh Thị Kem và học trò tại điểm trường xóm Đèo. Ảnh: B.HÒA
Cô giáo Đinh Thị Kem và học trò tại điểm trường xóm Đèo. Ảnh: B.HÒA
Nhờ lòng đam mê, không ngại khó khăn, vất vả để tiếp tục đến trường, Đinh Thị Kem theo học ngành sư phạm. Sau khi tốt nghiệp ra trường, Đinh Thị Kem được phân về công tác tại chính điểm trường quê hương mình sinh ra và lớn lên. Mười năm gắn bó với điểm trường lẻ ở xóm Đèo, điều ý nghĩa, hạnh phúc nhất với cô giáo Đinh Thị Kem chính là được dạy học tại chính quê hương của mình. Nắm rõ hoàn cảnh của từng học sinh, nên không chỉ dạy con chữ, cô giáo trẻ còn từng bước giúp các em hiểu về các thói quen, tập quán của địa phương mình để nhận biết những phong tục ý nghĩa cần duy trì và những thói quen lạc hậu cần thay đổi.
 
Đã 10 năm làm nghề "gõ đầu trẻ" ở xóm Đèo, có những em học sinh của cô giáo Kem nay đã học cấp 2, cấp 3. “Trong đó có một em học sinh dù nắng gắt, mưa gió vẫn luôn đạp xe đến trường. Nhìn bóng dáng em đến trường, tôi lại nhớ về hình ảnh của mình ngày còn đi học. Trở thành người giáo viên tại chính ngôi làng của mình như ngày hôm nay, chính là nhờ sự động viên của cha mẹ và cố gắng của bản thân. Đó cũng là niềm tin, nghị lực mà tôi luôn mong muốn gửi đến các em nhỏ tại xóm Đèo”, cô giáo Kem trải lòng.
Cô giáo Đinh Thị Kem tại lễ tuyên dương chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020.                                                                                Ảnh: NVCC
Cô giáo Đinh Thị Kem tại lễ tuyên dương chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020. Ảnh: NVCC
Cô giáo Đinh Thị Kem vinh dự là 1 trong 63 giáo viên của cả nước được tuyên dương tại Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức, từ ngày 15 - 17.11.2020. Chương trình nhằm cổ vũ, động viên và tri ân những đóng góp của các thầy giáo, cô giáo dạy học cho con em người dân tộc thiểu số; đồng thời phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong sự nghiệp giáo dục, chăm lo cho thiếu nhi. Tham gia chương trình, các đại biểu được vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tham dự tọa đàm "Tăng cường xây dựng đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số"...
 
BẢO HÒA
 
 
 
 

.