(Báo Quảng Ngãi)- Từ ngày 1 - 30.11.2017, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh sẽ tập trung vào đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh và các văn bản mới liên quan đến chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hoặc liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp nhân “Ngày Pháp luật Việt Nam” năm 2017 (15.11). PV Báo Quảng Ngãi đã trao đổi với Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lê Chí Phương xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết ý nghĩa của các hoạt động hưởng ứng “Ngày Pháp luật Việt Nam” năm 2017?
Ông LÊ CHÍ PHƯƠNG: Việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày Pháp luật Việt Nam” năm 2017, nhằm giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội; phát huy tính tích cực, tính tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, khơi dậy ý thức trách nhiệm công dân, nâng cao ý thức pháp luật, giáo dục lối sống theo Hiến pháp và pháp luật; nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật trong nhân dân. Bên cạnh đó, các hoạt động hưởng ứng “Ngày Pháp luật Việt Nam” góp phần phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng gương người tốt việc tốt trong tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật; lên án, phê phán, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật, lệch chuẩn trong xã hội.
Thực tế cũng chỉ ra rằng, “Ngày Pháp luật Việt Nam” đã giúp ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân được nâng lên, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
PV: “Ngày Pháp luật Việt Nam” năm nay sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?
Ông LÊ CHÍ PHƯƠNG: Năm nay, chủ đề của “Ngày Pháp luật Việt Nam” được xác định là: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đồng hành cùng với người dân, doanh nghiệp”. Theo đó, tùy tình hình thực tế và nhiệm vụ chính trị, các cơ quan, địa phương, đơn vị xác định nội dung thực hiện phù hợp, thiết thực, hiệu quả.
Về công tác hoàn thiện thể chế, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, tài nguyên môi trường, tín dụng...; các chính sách tư vấn, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Công tác tổ chức thi hành pháp luật phải có các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; truyền thông, phổ biến nội dung chính sách, quy định mới ban hành; tác động, hiệu ứng của chính sách, pháp luật đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ của công dân và biện pháp bảo đảm thực hiện; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền tài sản, sở hữu trí tuệ...
Thông tin về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư kinh doanh; triển khai nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...
Ngoài ra, các hoạt động cũng hướng đến việc giáo dục ý thức và lợi ích của việc tuân thủ, chấp hành pháp luật; xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng, khen thưởng, tôn vinh gương người tốt, việc tốt, điển hình trong xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật; phát huy tinh thần gương mẫu tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên; kết hợp chặt chẽ với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để hình thành nhân cách con người Việt Nam phát triển toàn diện...
PV: Các hình thức nào sẽ được tổ chức hưởng ứng “Ngày Pháp luật Việt Nam”?
Ông LÊ CHÍ PHƯƠNG: Cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xác định hình thức hưởng ứng “Ngày Pháp luật Việt Nam” phù hợp, thiết thực, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó, tổ chức lễ hưởng ứng “Ngày Pháp luật Việt Nam” hoặc lồng ghép hưởng ứng thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm, qua hoạt động chính trị, chuyên môn phù hợp với điều kiện thực tiễn; lồng ghép trong triển khai hoạt động xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật; tổ chức đối thoại chính sách pháp luật; xây dựng, phát hiện, nhân rộng mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả; tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao năng lực xây dựng, thi hành thể chế, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật; phát động, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; hưởng ứng cuộc thi viết “Tìm hiểu Bộ luật Dân sự năm 2015” và cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trực tuyến” trên địa bàn tỉnh; sử dụng hiệu quả mạng lưới thông tin cơ sở, nhân rộng mô hình ngày hội pháp luật; thiết lập chuyên trang, chuyên mục phát thanh, truyền hình để bình luận, đối thoại chính sách, định hướng dư luận; tư vấn pháp luật, thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là vụ việc tham gia tố tụng; mở phiên tòa xét xử lưu động...
Đặc biệt, nhân “Ngày Pháp luật Việt Nam” năm nay sẽ tôn vinh tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật; tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân tuân thủ, chấp hành chính sách, pháp luật, củng cố khối đoàn kết cộng đồng.
NG.TRIỀU
(thực hiện)