Phòng cháy, chữa cháy rừng: Tăng trách nhiệm của chủ rừng

04:04, 16/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương xác định, hiện tượng El Nino xuất hiện sớm, nên những tháng đầu năm 2017, nền nhiệt độ có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Diễn biến thời tiết phức tạp, nền nhiệt độ tăng cao vào mùa khô, lượng mưa giảm... dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng trên diện rộng ở địa bàn tỉnh. Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Đại cho biết, việc tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trong mùa khô này.

Quảng Ngãi hiện có 310.156ha rừng. Trong số này, rừng trồng 200.514ha, chiếm gần 65% tổng diện tích đất có rừng. Đây là đối tượng rừng có nguy cơ cháy cao. Theo ông Đại, mùa khô ở Quảng Ngãi thường tính từ tháng 3 đến tháng 8. Trong đó, 5, 6, 7 là những tháng khô kiệt. Cùng với thời tiết diễn biến phức tạp, thời gian khô hạn kéo dài; tình hình dân cư sống gần rừng, ven rừng, nhất là ý thức của các hộ dân trong việc đốt thực bì sau khai thác gỗ rừng trồng và bãi thải vỏ, cành nhánh, ngọn tại các điểm tập kết bốc xếp chưa bài bản, nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.

-PV: Phương án bố trí lực lượng chữa cháy rừng trong mùa khô này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đại: Đối với Chi cục Kiểm lâm, chúng tôi bố trí lực lượng thường trực, đảm bảo duy trì hệ thống thông tin liên lạc thông suốt với các hạt kiểm lâm, Kiểm lâm vùng IV, Cục Kiểm lâm. Đội Kiểm lâm cơ động là lực lượng thường trực, tổ chức trực 50% biên chế của đội khi dự báo cháy rừng ở cấp IV và sửa chữa, tu bổ máy móc, các trang thiết bị, dụng cụ PCCCR, sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra... Chi cục Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sư đoàn 307 để trao đổi, chia sẻ thông tin và đề nghị hỗ trợ lực lượng tham gia chữa cháy rừng, khi có yêu cầu.

Đối với Hạt kiểm lâm các huyện, lãnh đạo, công chức, viên chức của Hạt là lực lượng thường trực sẵn sàng tham gia ứng cứu chữa cháy rừng. Khi cần thiết, Hạt trưởng yêu cầu kiểm lâm phụ trách địa bàn với xã giáp ranh các huyện tham gia hỗ trợ chữa cháy rừng; phối hợp chặt chẽ với công an huyện, ban chỉ huy quân sự huyện, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy khu vực, các đồn biên phòng để trao đổi, chia sẻ thông tin và đề nghị hỗ trợ lực lượng tham gia chữa cháy rừng, khi có yêu cầu.

Đối với kiểm lâm phụ trách địa bàn xã, khi có cháy rừng xảy ra, tham mưu chủ tịch UBND các xã, thị trấn huy động Ban Chỉ huy tại xã và lực lượng công an xã, dân quân tự vệ có mặt ngay hiện trường chỉ huy, huy động nhân dân địa phương tham gia chữa cháy ngay tại chỗ; đồng thời báo cáo ngay về Hạt kiểm lâm để hỗ trợ lực lượng...

-PV: Ngành kiểm lâm xác định vùng trọng điểm, diện tích có rừng nguy cơ xảy ra cháy và việc chuẩn bị phương tiện chữa cháy rừng như thế nào?

Ông Nguyễn Đại: Chúng tôi xác định có 123 xã thuộc các huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà, Trà Bồng, Nghĩa Hành, Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn và TP.Quảng Ngãi là vùng trọng điểm cháy rừng. Trong số này, nhiều huyện có diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên nằm trong vùng trọng điểm như: Ba Tơ (100.271ha), Sơn Hà (55.183ha), Trà Bồng (34.948ha), Sơn Tây (29.088ha), Tây Trà (23.101ha), Minh Long (20.980ha), Bình Sơn (20.747ha), Đức Phổ (18.540ha)...

 Thường xuyên diễn tập để nâng cao ý thức PCCCR cho người dân. ẢNH: PV
Thường xuyên diễn tập để nâng cao ý thức PCCCR cho người dân. ẢNH: PV


Về trang bị phương tiện, giai đoạn 2016-2020, Quảng Ngãi thực hiện Dự án nâng cao năng lực PCCCR, với tổng vốn đầu tư trên 60 tỷ đồng. Trong năm 2016, Chi cục Kiểm lâm và các Ban quản lý rừng phòng hộ được bố trí 7 tỷ để trang bị hệ thống máy vi tính, một số máy cắt thực bì, máy cưa nhỏ, máy thổi gió, máy bơm nổi, xe ô tô... Năm 2017, Trung ương tiếp tục bố trí cho Quảng Ngãi 12 tỷ đồng trong Dự án nâng cao năng lực PCCCR, để xây dựng Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo PCCCR của tỉnh và kho bãi của các huyện. Đến thời điểm này, có thể nói các phương tiện, trang bị PCCCR, phòng chống phá rừng của Quảng Ngãi là tương đối. Vấn đề còn lại là khâu chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát, xử lý sai phạm..., nhằm tăng cường các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCCR trên địa bàn tỉnh hiệu lực, hiệu quả.

-PV: Về vai trò, trách nhiệm của chủ rừng trong PCCCR?

Ông Nguyễn Đại: Những năm gần đây, ngành kiểm lâm đã tham mưu thành lập các tổ chữa cháy rừng tự nguyện ở cơ sở. Thành viên của tổ bao gồm các hộ có rừng liền kề. Ưu điểm của tổ này là trách nhiệm cao, am hiểu địa hình, ứng cứu nhanh. Khi xảy ra cháy rừng, tổ trưởng huy động các thành viên tham gia trên tinh thần “cứu rừng bạn là cứu rừng của mình”.

Đối với chủ rừng, chúng tôi yêu cầu trong sử dụng lửa đốt thực bì sau khai thác phải dọn ranh giới phòng cháy; phải báo kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương về thời gian, địa điểm đốt thực bì; cam kết đảm bảo không gây cháy rừng... Trong công tác PCCCR, trách nhiệm của người sử dụng lửa, chủ rừng, kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương phải được đặt lên hàng đầu. Từ đó mới thực hiện tốt phương châm “phòng là chính, chữa phải kịp thời, hiệu quả”.


THANH TOÀN
(thực hiện)

 


.