(Báo Quảng Ngãi)- UBND tỉnh vừa có quyết định cho phép Sở VH-TT&DL khai quật khảo cổ khẩn cấp tháp Núi Bút ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi). Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH-TT&DL.
Tiến sĩ NGUYỄN ĐĂNG VŨ. |
-PV: Xin ông cho biết những phát hiện bước đầu về di chỉ khảo cổ ở tháp Núi Bút?
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ: Lâu nay nhiều người nói trên núi Thiên Bút có các di tích cổ, tuy nhiên vẫn chưa khảo sát kỹ. Qua triển khai dự án Công viên Thiên Bút, cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và tôi đã trực tiếp lên núi khảo sát, qua đó phát hiện trên đỉnh núi Bút có dấu hiệu của đền tháp Chămpa, nhưng đã bị xáo trộn qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Tại đây đã phát hiện nhiều viên gạch đặc trưng của thời Chămpa, giống như những viên gạch trước đó đã được phát hiện ở nhiều di tích Chămpa khác trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát bước đầu, không chỉ thấy những viên gạch Chăm tập trung ở đỉnh núi, mà men theo đường lên núi cũng đã phát hiện nhiều mảnh gốm của nền văn hóa Sa Huỳnh. Đây mới chỉ là bước đầu nhìn thấy lộ thiên, còn trong lòng đất vẫn chưa biết được, phải chờ đến khai quật khảo cổ.
- PV: Ông có thể cho biết rõ hơn về công tác khai quật khảo cổ khẩn cấp ở tháp Núi Bút?
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ: Sau khi phát hiện các hiện vật của văn hóa Chămpa trên tháp Núi Bút, Sở VH-TT&DL đã làm công văn đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương khai quật khảo cổ và đã được UBND tỉnh đồng ý. UBND tỉnh đã ban hành quyết định cho phép Sở VH-TT&DL khai quật khảo cổ khẩn cấp tại tháp Núi Bút. Thời gian khai quật trong vòng 30 ngày, kể từ ngày 26.12.2016. Diện tích khai quật 400m2 , do tiến sĩ Vũ Quốc Hiền - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia chủ trì khai quật. Cơ quan tổ chức thực hiện khai quật là Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Sau khi có quyết định của UBND tỉnh cho khai quật khẩn cấp, Sở VH-TT&DL đã thành lập Ban chỉ đạo khai quật do đồng chí Cao Văn Chư - Phó giám đốc Sở làm trưởng ban; thành lập tổ khai quật do Quyền Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh làm tổ trưởng; thành lập tổ giám sát khai quật. Theo nhận định bước đầu, đây là một phế tích của tháp Chăm, do đó chúng tôi sẽ mời PGS-TS Ngô Văn Doanh, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa khảo cổ Chăm để có những kết quả nghiên cứu, đánh giá chuẩn xác trong quá trình khai quật khảo cổ. Sở VH-TT&DL đã trình UBND tỉnh để tỉnh thẩm định và phê duyệt phương án khai quật khảo cổ và dự toán kinh phí. Trong khi chờ UBND tỉnh phê duyệt, Sở vẫn triển khai các bước để khai quật khảo cổ trước Tết Nguyên đán.
Rất nhiều viên gạch thời Chămpa được phát hiện tại tháp Núi Bút. Ảnh: P.Lý |
-PV: Việc khai quật khảo cổ tại tháp Núi Bút có ý nghĩa như thế nào đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở tỉnh ta, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ: Trong tâm thức của người dân Quảng Ngãi suốt nhiều thời kỳ lịch sử, núi Bút là ngọn núi thiêng tiêu biểu của tỉnh, xem đây là ngọn núi biểu tượng cho văn phong sĩ khí. Việc phát hiện và khai quật khảo cổ tại đây sẽ có thêm hiểu biết về các nền văn hóa từng tồn tại trên vùng đất này. Nếu trong quá trình khai quật khảo cổ tìm thấy nhiều hiện vật hoặc chân đế tháp còn tương đối nguyên vẹn thì dự kiến của Sở sẽ đề xuất đối với nhà đầu tư nên làm mái che, bảo tồn tại chỗ để phục vụ khách tham quan; nếu ít hiện vật thì đưa về Bảo tàng tổng hợp tỉnh để trưng bày và một số sẽ được trưng bày tại nhà trưng bày do Công ty Thiên Tân xây dựng.
Sau khi khai quật khảo cổ sẽ báo cáo kết quả cụ thể, nếu khả quan thì sẽ tổ chức hội thảo khoa học hoặc tọa đàm, mời các chuyên gia đầu ngành, làm sáng rõ thêm nhiều vấn đề về lịch sử - văn hóa tại Quảng Ngãi qua di chỉ khảo cổ ở núi Bút.
LÝ PHƯƠNG
(thực hiện)