Ông Lê Trường Sơn - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh:
Dự án "Ngân hàng bò" - người nghèo trợ giúp người nghèo

08:07, 08/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Ngân hàng bò” là dự án do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ trì thực hiện. Đây là chương trình nhằm giúp người nghèo có điều kiện để thoát nghèo và phát triển kinh tế. Ông Lê Trường Sơn- Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh  nói rõ hơn về hoạt động cũng như hiệu quả Dự án “Ngân hàng bò” mang lại cho người nghèo trong thời gian triển khai tại Quảng Ngãi.

PV: Xin ông cho biết phương thức hoạt động của dự án này và đã được triển khai như thế nào thời gian qua?

Ông Lê Trường Sơn: Dự án “Ngân hàng bò” của Trung ương Hội CTĐ phát động trên cơ sở hưởng ứng Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững cho các hộ nghèo. Theo đó, phương thức hoạt động của dự án này là mỗi hộ nghèo, diện chính sách… sẽ được cấp một con bò sinh sản. Số bò giống được tiêm ngừa thuốc phòng chống dịch bệnh, đủ tiêu chuẩn chăn nuôi theo dự án đề ra.

Hội CTĐ tỉnh chịu trách nhiệm trả tiền hoặc ủy nhiệm cho Hội CTĐ của từng huyện trực tiếp xác minh và trả tiền cho người bán bò mà người hưởng lợi đã mua. Hội CTĐ thường xuyên theo dõi số lượng bò đã cấp, đồng thời hướng dẫn người dân về kỹ thuật chăn nuôi cũng như phòng chống dịch bệnh cho bò. Sau khi bò đẻ lứa đầu tiên, các hộ hưởng lợi có trách nhiệm chăn nuôi, chăm sóc và bàn giao bê con đầu tiên lại cho Hội CTĐ để chuyển bê con cho các hộ nghèo khác.

Các đối tượng hưởng lợi của dự án “Ngân hàng bò” là những gia đình hộ nghèo, gia đình có nạn nhân chất độc da cam, các gia đình chính sách, đồng bào dân tộc ở các vùng sâu, vùng xa... Đối với những gia đình có nguồn lực lao động thì phải cam kết đảm bảo chuồng trại và điều kiện theo các điều khoản của Dự án.

PV: Kết quả của dự án mang lại trong thời gian qua?

Ông Lê Trường Sơn: Kể từ khi triển khai dự án đến nay, Hội CTĐ tỉnh đã thực hiện rất tốt công tác này. Hiện nay, tỉnh ta mới có hai huyện đang tham gia dự án này, đó là Ba Tơ và Tây Trà. Năm 2013, Trung ương Hội đã cấp 200 con bò cho 200 hộ dân ở huyện Ba Tơ và Tây Trà với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Hai huyện miền núi này đã thực hiện rất tốt Dự án “Ngân hàng bò”, nhất là việc chăm sóc cũng như chuồng trại chăn nuôi được đảm bảo đúng quy cách.

Mặt khác, dự án đã giúp bà con miền núi biết thêm được nhiều kỹ năng cũng như kiến thức chăn nuôi bò, từ đó phát triển hơn nữa đàn bò ở địa phương mình.

PV: Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai Dự án “Ngân hàng bò”?

Ông Lê Trường Sơn: Về mặt thuận lợi, dự án phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của người dân. Đa số hộ dân hưởng ứng và làm tốt công tác chăn nuôi cũng như đầu tư về chuồng trại, đặc biệt là đối với các hộ dân ở vùng núi. Bên cạnh đó, thức ăn, nước uống dồi dào đảm bảo những điều kiện cho bò phát triển và sinh sản tốt. Việc phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng được kiểm tra thường xuyên. Trung ương Hội đảm bảo hỗ trợ phần vốn đến 80%, còn địa phương chỉ đối ứng 20%. Riêng dự án của Tây Trà, Ba Tơ vừa rồi thì không có phần đối ứng của địa phương mà Trung ương hỗ trợ hoàn toàn. Đó là một trong những điều kiện tốt nhất để giúp đỡ bà con đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Về  khó khăn, việc chuyển từ chăn nuôi thả rông sang chăn nuôi có quy mô, chuồng trại nên hầu hết bà con ở các vùng núi còn lúng túng. Họ phải trữ rơm rạ, thức ăn và chăm sóc bò theo hướng dẫn nên chưa kịp thời thay đổi. Bên cạnh đó, thời tiết ở các vùng núi khắc nghiệt nên bò của dự án cũng có phần thất thoát. Bên cạnh đó, vì là dự án hỗ trợ cho đồng bào nghèo các huyện miền núi, xa xôi, hẻo lánh nên chi phí quản lý hành chính trong giám sát, kiểm tra quy trình chăn nuôi không được thuận lợi nên việc theo dõi chăm sóc  bò của dự án gặp rất nhiều khó khăn.

PV: Trong thời gian đến, Hội CTĐ tỉnh có kế hoạch như thế nào để huy động nhiều hơn nữa nguồn cho dự án?

 Ông Lê Trường Sơn: Tỉnh ta có 6 huyện miền núi, nhưng mới chỉ hỗ trợ được 2 huyện, vì thế trong thời gian đến Hội CTĐ tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện Dự án “Ngân hàng bò” mà Trung ương Hội đề ra. Đồng thời Hội CTĐ tỉnh sẽ vận động nguồn lực ở các nhóm đối tượng như học sinh, sinh viên, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các doanh nghiệp tiềm năng, các đơn vị đã ký chương trình phối hợp với Hội, các tổ chức nước ngoài và một số nhà hảo tâm… để huy động nguồn hỗ trợ thêm cho hộ nghèo.

 Hiện nay, Trung ương Hội đã phân bổ cho huyện Trà Bồng, Sơn Hà và Sơn Tây, mỗi huyện 100 con bò giống. Trung ương hỗ trợ mỗi hộ dân 80% và địa phương sẽ huy động mỗi hộ dân đối ứng ít nhất là 20%. Đến thời điểm này tỉnh đã phân bổ cho Trà Bồng 50 con. Theo đó, Hội CTĐ Trà Bồng sẽ có trách nhiệm xét những hộ hưởng lợi để Hội CTĐ tỉnh báo cáo với Trung ương phê duyệt và tiến hành làm thủ tục trao bò cho dân.

Trong thời gian đến, Hội CTĐ tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra đôn đốc các địa phương đã thực hiện Dự án “Ngân hàng bò” và triển khai dự án này đến các huyện chưa thực hiện. “Ngân hàng bò” chính là sự chia sẻ, tự giúp đỡ lẫn nhau giữa người nghèo với người nghèo. Trung ương Hội, cũng như Hội CTĐ tỉnh, địa phương chỉ là cầu nối và cơ sở để cho người dân lấy đó làm điểm tựa trong việc phát triển kinh tế gia đình, kinh tế địa phương.

ĐÌNH DIỆU (thực hiện)
 

.