Cuối dòng Vệ Giang

11:01, 24/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hôm bữa bạn nhắn, ra Tết về mình chơi, uống ly rượu nhìn sông Vệ xanh như thuở tóc tơ khởi phát từ nguồn Ba Tơ. Ừ, sẽ về để nhìn hoa cúc, ngồng cải vàng óng trong nắng xuân. Một thảm xanh chen vàng dệt trong màu nước hiền lành như nụ cười con gái...
 
[links()]
 
Bữa đó lụt lớn ở Huế, mấy anh em ngồi ngó mưa, đói quá bèn nghĩ cách kể chuyện ăn uống ở làng. Hoàng là người lạc quan, bình thường vẫn là trung tâm của những bay bổng khoáng đạt, nhưng hôm nay bỗng văng ra một câu: “Kiểu này thì giờ nhà anh chắc nước ngập lút hết rồi, không biết ba má ra sao...”. Không khí như trầm lại, mọi thứ trôi dạt như mưa ngoài kia đang gào thét và dòng nước đục bắt đầu bò dần lên...
 
Quê anh Hoàng ở xã Đức Thắng (Mộ Đức). Ra trường anh neo đời ở Huế chứ không về Quảng Ngãi. Ngày tôi về thăm quê anh, con nước Vệ Giang mùa thu xanh lá mạ. Sông thản nhiên nhưng lòng người thì u ám. Tôi vào chợ Long Phụng tìm mẹ anh để hỏi nhà. “Ừ, bác đang bán, con về trước...”.  Lòng như lá héo, bởi lần này về là để thắp cho anh nén nhang. Hoàng nổi danh là cây tùy bút ở Huế. Anh ra đi trong một đêm gió trở mình. 
 
Một khúc sông Vệ.      Ảnh: HỒ NGHĨA PHƯƠNG
Một khúc sông Vệ. Ảnh: HỒ NGHĨA PHƯƠNG
Năm tháng đi qua, cỏ trắng đã mọc trên đời người, lứa bạn ngày đó tóc đã ngả hoa râm, nhưng cánh đồng cũ trong tiềm thức như bức bình phong chống lại những trận gió đói ngày nào ở ký túc xá, vẫn còn nguyên. Bữa đó, tôi đi dọc làng anh, mùa thu mà cây trái cứ mơn mởn như thiếu nữ đôi mươi. Nhà anh như nhà tôi ở quê, cũng chuồng bò, rơm rạ, gác bếp, gương mặt người sạm đen bởi thời gian gay gắt, chỉ có những tiếng rổn rảng thiệt thà như hạt nổ thăng hoa chờ đường ra khuôn bánh. Đời cần lao như ba anh, ba tôi chỉ nói điều thực tế, trực quan. Làng anh ít đất, lại là vùng trũng cuối sông Vệ, nên nhà nông khổ một thì ở đây khổ hai. Tuổi thơ ở quê ai cũng cơ cực, kể ra còn dài hơn cả “ngàn lẻ một đêm”, chỉ có một sân chơi miễn phí, nhân hậu, sâu thẳm, hiền hòa và luôn luôn thân ái, là sông. 
 
Ai lớn lên, đi qua từ khúc sông làng, tôi nghĩ rằng, nếu phải bỏ qua hết những gì cần nhớ, thì sông chính là thứ keo dính, giữ chặt như lời thề định mệnh, và như thế, nếu phải phân khúc hiền và dữ của sông, người ta sẽ quên đi cái dữ, mà chỉ còn nhớ ở đó đong đầy kỷ niệm của êm đềm. Ba anh nói chuyện làm ăn, đói không còn, nghèo cũng đỡ đi, nhưng giàu thì khó, bởi đâu dễ. Chính vì nghèo, nên nhà nông, ai có con học được, họ đều gửi cái chí vào đó, chí thoát nghèo. Họ lặng lẽ nhìn những đứa con rời làng ra đi, chờ một ngày “gánh” chữ về và trong tiếng gà gáy báo hiệu một ngày mới đến, người cha nhấp chén trà, nhìn núi Long Phụng say ngủ trong sương, hẳn sẽ cười, có gì cao hơn chí...
 
Tôi đọc đâu đó, có người viết rằng, vùng Long Phụng ở xã Đức Thắng thuở xưa vì điều kiện đất đai ít, nên có câu “lấn tự hơn lấn điền”, tức là lo kiếm chữ nhiều hơn là ruộng. Hình sông thế núi ở đây tích tụ tinh khí trời đất, nên sinh ra lắm trai thanh gái lịch. Tôi đã gặp họ, không biết tôi có vận vào không, sắc giọng, ngữ điệu, thanh âm khi nói năng, hình như nhẹ hơn mặt bằng quang phổ ngôn ngữ của giọng Quảng Ngãi. Đàn ông cũng như đàn bà, không biết cái cuồng nộ của sông Vệ mùa lũ đi đâu mất, chỉ còn cái thư thái, có phần nhẹ nhõm khác lạ như gió cuối sông đã mỏi cuộc rong chơi, giữ nhịp thanh bình trước khi hòa về biển.
 
Đêm đó, tôi ở lại nhà Dũng trong mưa lạnh tiết lập thu. Dũng là bạn tôi, cũng xuất thân trường Huế. Hai thằng ngồi ngó nhau qua ly rượu gạo. Dũng nói rằng gian khó rồi cũng qua, chẳng ai ở đất này là ngồi than khổ. Cũng mảnh vườn này, mùa nào thức nấy, xong việc đồng áng thì đi làm chuyện khác. Mỗi ngày là một mới, cho nên mới có chuyện nhà cửa, đường sá phong quang, trường lớp khang trang, đời sống ngày một khởi sắc, ngày xưa là thước phim ký ức quay chậm nếu có dịp trở về để nhắc nhớ. Đi ra từ làng, kiếm chữ, rồi quay về làng, sống ở đó, làm lụng và yêu thương, người đẻ chứ đất không đẻ, nhưng biết sống, thì an nhiên, tìm rộng rãi trong chật chội. Bạn mình đọc Phật giáo từ bao giờ mà nói như kinh kệ? Đó là tôi nghĩ cho vui, chứ người ở quê, họ không như thành phố, không cần thiết lập mà sự cân bằng giữa màu xanh của lá, bát ngát của ruộng đồng và lấp lánh thâm sâu của siêu hình, mà họ đọc được qua sự ngưỡng mộ và thành kính với những giá trị từ đất làng, thì an nhiên tự đến...
 
Ở đây, có truyền thuyết núi Long Phụng sừng sững, sợ núi sinh hào kiệt nên Cao Biền từ bên Tàu qua bay ngang đạp vào đỉnh một cái để chém đứt long mạch. Chuyện xưa tích cũ chẳng biết ra sao, mạch có đứt hay không chẳng biết, chứ người làng này thời hiện đại không thiếu những cái tên nhắc tới là thiên hạ biết danh tài giỏi, trung thực, khảng khái trên nhiều lĩnh vực. Vậy đó, biết mình để mà lớn hơn, bỏ lại đằng sau những lời nguyền vô tăm tích... Và hình như chỉ cần núi biết chí người, như đồng ruộng tựa mình vào núi để được chở che hạt lúa, củ khoai mà nuôi đứa con của đất, chỉ cần gốc đa trăm tuổi ở làng chứng kiến những ra đi và trở về mang theo bao ước vọng đổi đời, dẫu không bằng người thì thấy mình lớn lên, uống nước giếng làng nghe làn nước mát chạy rần rần mao mạch, rằng mình đã không phụ ơn những thầm thì như muối mặn ở chốn quê nhà.
 
 Hôm bữa bạn nhắn, ra Tết về mình chơi, uống ly rượu nhìn sông Vệ xanh như thuở tóc tơ khởi phát từ nguồn Ba Tơ. Ừ, sẽ về để nhìn hoa cúc, ngồng cải vàng óng trong nắng xuân. Một thảm xanh chen vàng dệt trong màu nước hiền lành như nụ cười con gái... Chợt bâng khuâng nhớ lại chuyện kể ngày xưa, vua Triều Nguyễn đã chọn Vệ Giang để khắc lên cửu đỉnh vang danh muôn đời!
 
TRUNG VIỆT
 
 
 

.