(Báo Quảng Ngãi)- Cách trung tâm TP.Quảng Ngãi khoảng 9km về hướng đông, nhà thờ họ Lê toạ lạc tại thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hoà (Tư Nghĩa). Đây không chỉ là di tích có giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, mà còn là địa điểm tham quan của du khách gần xa.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lưu danh sử sách
Theo các nguồn chính sử, gia phả và lời kể của các cụ cao niên, họ Trần, họ Nguyễn (cư trú ở làng Tiên Sà) rồi đến họ Lê, họ Đặng (cư trú ở làng Hà Khê) được xem là những dòng họ người Việt có mặt đầu tiên, góp phần quá trình khai phá, hình thành và phát triển Thu Xà. Thủy tổ của dòng họ Lê ở Thu Xà là ngài Lê Kim Hoàn, người làng An Chỉ (nay là xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành). Giữa thế kỷ XVIII, ông Lê Kim Hoàn đưa vợ con từ vùng trung du nghèo khó đến Thu Xà định cư, lập nghiệp và nhà thờ họ Lê ở Thu Xà cũng được dựng nên từ đó.
Nhà thờ họ Lê ở Thu Xà, Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). Ảnh: K.Hồng |
Dòng họ Lê đã sản sinh ra nhiều người con làm rạng rỡ quê hương, dân tộc. Tiêu biểu như Lê Trọng Khanh (1840 - 1895)- một danh thần triều Nguyễn ở thế kỷ XIX, còn gọi là Lê Kim Kiên, hiệu An Khuê. Ông đỗ cử nhân năm Tự Đức 21 (1868), lần lượt giữ các chức Tri phủ Phủ Lý, Viên ngoại lang tại Cơ Mật viện. Sau khi Pháp xâm lược, triều đình rối ren, ông cáo bệnh từ quan, lui về ở ẩn. Lúc bấy giờ, tên Việt gian độc ác Nguyễn Thân - Tiễu phủ sơn phòng muốn tiến cử ông chức Tham biện Sơn phòng để tiện dẹp phong trào yêu nước do Phan Đình Phùng, Nguyễn Quang Bích lãnh đạo. Trước sức ép của Nguyễn Thân, ông đã tự vẫn để giữ trọn khí tiết, giữ trọn tấm lòng yêu nước thương dân.
Theo di nguyện của Lê Trọng Khanh, các anh, em trai là Lê Trọng Tương - Đề lại ở Nha kinh lược Bắc Kỳ (1886 - 1897), Lê Trọng Tuấn - Tri huyện Sơn Tịnh, lần lượt từ quan về quê ở ẩn. Ông Lê Cao Lập (81 tuổi), cháu gọi nhà thơ Bích Khê bằng chú ruột, kể rằng: “Sau sự kiện này, Nguyễn Thân đã dâng tấu sớ xin triều đình ra chiếu chỉ cấm dòng họ Lê Trọng không được tham gia khoa cử. Để tránh sự o ép của chính quyền thực dân nửa phong kiến đối với con cháu cụ Lê Trọng Khanh (làng Hà Khê), các con cháu của dòng “Lê Trọng” đổi phụ danh “Trọng” sang “Quang, Quý, Tấn” và lấy nguyên quán làng An Chỉ trong bản kê khai nhân khẩu để tham dự các kỳ khoa cử”.
Những người yêu nước
Đến đầu thế kỷ XX, trong dòng họ có Lê Trọng Kha (1900 - 1931), cháu gọi Lê Trọng Khanh bằng bác ruột, lại được lưu danh vào sử sách. Năm 1925, Lê Trọng Kha cùng các ông Trần Toại, Hồ Độ, Võ Sĩ thành lập Tân Việt Quảng Ngãi. Năm 1927, tham gia Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi. Năm 1928, Lê Trọng Kha sang Thái Lan dự lớp tập huấn do đồng chí Nguyễn Ái Quốc mở. Sau đó, ông về nước tuyên truyền Chủ nghĩa Mác - Lênin và các tư tưởng yêu nước.
Cuối tháng 7.1929, Lê Trọng Kha tham dự cuộc họp thành lập tổ chức “Dự bị cộng sản” tại núi Xương Rồng (Đức Phổ). Ngày 26.10.1929, ông bị địch bắt, kết án 5 năm tù và bị đày đi ngục Kon Tum. Tại đây, ông cùng với Trương Quang Trọng đã chiến đấu và hy sinh anh dũng trước họng súng của kẻ thù trong cuộc đấu tranh lưu huyết ngày 12.2.1931.
Cháu nội của Lê Trọng Khanh là Lê Quang Lương (1916 - 1946), một tài năng thi ca bạc mệnh, với bút hiệu Bích Khê, Lê Mộng Thu. Nhà thơ Bích Khê là con út của ông Lê Trọng Toản (sau đổi tên là Lê Quang Dục) - một nhà nho yêu nước đã từng tham gia các phong trào Đông kinh Nghĩa thục, phong trào chống sưu khất thuế. Bích Khê cùng với Nguyễn Vỹ, Tế Hanh trở thành ba gương mặt nổi bật của Quảng Ngãi trong phong trào Thơ Mới...
Giữ gìn giá trị truyền thống
Trải qua hơn 300 năm từ khi Thủy tổ Lê Kim Hoàn lập nghiệp và sinh sống tại Thu Xà cho đến nay, tộc họ Lê đã có những đóng góp quan trọng trên mọi phương diện và để lại những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử nước nhà. Nhà thờ họ Lê là chứng tích lịch sử gắn với những thăng trầm trong cuộc đời, sự nghiệp của những con người sống tại mảnh đất này. Ban đầu, nhà thờ là nhà ở của thủy tổ Lê Kim Hoàn và bà Đinh Thị Tấm. Ngôi nhà được tu bổ khi ông Lê Trọng Khanh đỗ cử nhân và được bổ làm quan. Nhà thơ Bích Khê từng ở trong ngôi nhà này.
Trong kháng chiến chống Mỹ, ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn bởi bom đạn. Năm 2003, trên nền ngôi nhà cũ, con cháu trong dòng họ đã đóng góp phục dựng lại nhà thờ theo kiến trúc truyền thống, gồm nhà thờ, nhà trù và không gian lưu niệm nhà thơ Bích Khê. Hằng năm, vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch, từ khắp mọi miền đất nước, con cháu tộc họ Lê và nhân dân trong làng tề tựu về nhà thờ để giỗ tổ nhằm tri ân, động viên nhau phát huy những truyền thống tốt đẹp của cha ông.
DI HÀ - K.HỒNG