Chợ chiều Tổng Bâng- Một thời vang bóng

09:11, 11/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dẫu cuộc sống nhiều đổi thay, nhưng với nhiều người chợ chiều Tổng Bâng, ở thôn Hiệp Phổ Trung, xã Hành Trung (Nghĩa Hành) vẫn còn mãi trong ký ức, như thể một phần lịch sử, văn hoá của làng.

Nơi giao thương tấp nập

Theo các bậc cao niên, chợ Tổng Bâng nằm trên tuyến đường đi qua nhiều xã ở huyện Nghĩa Hành, nên một thời giao thương tấp nập.

Ông Nguyễn Khắc Lực (66 tuổi) ở thôn Hiệp Phổ Trung, xã Hành Trung cho biết: Ông Nguyễn Khắc Bâng (sinh năm 1775), người dân làng còn gọi là ông Tổng Bâng, là con của ông Cả Trí, người giàu nhất làng. Ông Nguyễn Khắc Bâng làm quan trong triều đại nhà Nguyễn.
Khuôn viên chợ chiều Tổng Bâng ngày ấy, nay là Trường Tiểu học Hành Trung.
Khuôn viên chợ chiều Tổng Bâng ngày ấy, nay là Trường Tiểu học Hành Trung.

Sau khi cha mẹ mất, ông Tổng Bâng đem hàng trăm mẫu ruộng đất cấp phát cho dân nghèo để canh tác. Ông có quy ước không nộp tô thuế, không được mua bán chuyển nhượng ruộng đất ấy, nếu ai không làm nữa thì giao cho chính quyền đương thời để cấp cho dân nghèo. Năm 1824, ông Tổng Bâng xây dựng chợ để dân làng có nơi giao thương. Chợ chỉ tập trung vào buổi chiều, nên mọi người gọi là chợ chiều Tổng Bâng.

Những ngày đầu hình thành chợ, ông Tổng Bâng cấp vốn cho thương lái đi các chợ trong tỉnh mua hàng hoá về bán, nhất là giao thương với chợ Trạm (tức chợ Sông Vệ). Người dân đi chợ chiều được ăn bữa cơm tối, nên chợ ngày càng đông đúc. Chợ được xây trên diện tích gần 7.000m2, bày bán đủ các mặt hàng, xe thồ và xe xích lô cũng tấp nập đón, trả khách.

“Ngày ấy, người dân đến chợ không phải chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa, mà cũng là để quên đi nỗi lo toan đời thường, để gặp người quen tay bắt mặt mừng, rôm rả chuyện trò...",  bà Võ Thị Thu Thanh ở thôn Hiệp Phổ Trung nhớ lại.

Thời hưng thịnh, chợ chiều Tổng Bâng có số lượng tiểu thương lên đến trên dưới nghìn người, người dân từ nhiều địa phương đến mua tấp nập. Nhiều người cho biết, ngày ấy việc đi lại giao thương hàng hóa với chợ Trạm khó khăn, cách trở vì sông nước, do vậy ông Tổng Bâng xây dựng cầu để đi lại thuận tiện, người dân gọi là cầu Ông Tổng.

“Sau buổi cơm trưa, chợ đã tụ tập, tiếp nhận những xe hàng, những dòng người. Tiếng tiểu thương trả giá, í ới gọi nhau, bà con đi chợ được ăn bữa cơm no, đến tối sầm là lúc phiên chợ bắt đầu tan... Tôi vẫn nhớ về chợ Tổng Bâng ngày ấy”.

Ông NGUYỄN VĂN THAO, ở thôn Hiệp Phổ Nam, xã Hành Trung (Nghĩa Hành).

Chợ chiều chỉ còn trong ký ức

“Năm 1948, địch thả bom xuống khu vực xã Hành Trung, nên chợ chiều Tổng Bâng bị cháy. Sau đó, chợ được dời đến vườn xoài nhà ông Lễ nhóm chợ vào ban đêm để tránh sự phát hiện của địch. Năm 1955, chợ chiều Tổng Bâng được xây dựng lại ở vị trí ban đầu.

Đến năm 1979, chợ được chuyển xây dựng tại đội 14, thôn Hiệp Phổ Nam và được đổi tên là chợ Hành Đức (nay là chợ chiều Hành Trung). Còn khuôn viên chợ chiều Tổng Bâng nay là Trường Tiểu học Hành Trung và trụ sở làm việc của Hợp tác xã Hành Trung”, ông Lực cho biết thêm.

Ông Nguyễn Điền (80 tuổi) ở thôn Hiệp Phổ Trung, thì bảo rằng: Chợ chiều Tổng Bâng không những có vai trò trong đời sống kinh tế - văn hoá của người dân địa phương, mà còn một thời lưu giữ những hình ảnh đẹp về tình người, tình quê của ông Tổng Bâng dành cho những người dân nghèo khó.

Chợ Tổng Bâng nay không còn nữa, nhưng vẫn còn in đậm trong ký ức của bao người. Ông Nguyễn Văn Thao, ở thôn Hiệp Phổ Nam, xã Hành Trung vẫn thường kể lại câu chuyện về chợ chiều và ông Tổng Bâng giàu lòng nhân hậu cho con cháu nghe.

“Sau buổi cơm trưa, chợ đã tụ tập, tiếp nhận những xe hàng, những dòng người. Tiếng tiểu thương trả giá, í ới gọi nhau, bà con đi chợ được ăn bữa cơm no, đến tối sầm là lúc phiên chợ bắt đầu tan... Tôi vẫn nhớ về chợ Tổng Bâng ngày ấy”, ông Thao  cho biết. Nhiều người cao tuổi vẫn tiếc nhớ cảnh cũ, người xưa, dẫu chợ chiều Tổng Bâng giờ chỉ còn trong ký ức...

Bài, ảnh: TRUNG ÂN


 

.