Mảnh đất của những ngôi chùa

09:11, 30/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi) - Đặt chân đến "phố cổ”Thu Xà ở Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), du khách đừng quên tham quan, chiêm ngưỡng những ngôi chùa, trong đó có những ngôi chùa cổ tồn tại cả trăm năm.
TIN LIÊN QUAN

Đến xã Nghĩa Hòa, đi dọc con đường chính về hướng biển sẽ thấy thấp thoáng những mái chùa cong cong, những bức tượng Phật vươn lên nền trời xanh thẳm, xen lẫn với mùi hương trầm phảng phất. Một số người dân ở Nghĩa Hòa cho hay, trên địa bàn xã hiện có khoảng chục ngôi chùa lớn, nhỏ.
 
Có những ngôi chùa chỉ mới được xây dựng, nhưng cũng có những ngôi chùa có tuổi đời lên đến trăm năm. Dựa theo tuổi đời của các ngôi chùa mà mọi người xếp thành hai loại, đó là chùa cổ và chùa kim. Chùa cổ là những ngôi tổ đình có tuổi đời trên 100 năm, như chùa Phước Quang, chùa Quang Lộc; còn những ngôi chùa mới xây dựng được gọi là chùa kim...

Đưa chúng tôi đi tham quan một số ngôi chùa lớn ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa Trần Văn Thanh cho biết: “Tất cả các ngôi chùa đều có nét kiến trúc riêng và được người dân tôn kính. Hằng năm, cứ mỗi ngày lễ thì phật tử thập phương đều ghé về để thắp hương, cầu an”.
 
Chùa Quang Lộc ở xã Nghĩa Hòa xây dựng năm 1898 được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở đây.
Chùa Quang Lộc ở xã Nghĩa Hòa xây dựng năm 1898 được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở đây.

Hòa thượng Thích Hạnh Lạc- Trưởng ban Phật sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Sở dĩ trên địa bàn xã Nghĩa Hòa có nhiều ngôi chùa được xây dựng là vì trước đây vùng đất này rất phồn thịnh, từng là cảng giao thương buôn bán sầm uất của các thương gia... Vì thế, có rất nhiều ngôi chùa được xây dựng và vẫn giữ được nét cổ kính cho đến tận bây giờ”.

Cũng theo Hòa thượng Thích Hạnh Lạc, ngày trước, khi người Hoa vào giao thương, buôn bán và sinh sống ở đây, họ bắt đầu xây dựng những hội quán theo từng nhánh, từng chi, hoặc dòng tộc để khi muốn hội họp hay bàn việc có liên quan về tổ tiên, thờ phụng thì triệu tập con cháu về để bàn bạc.
 
Lâu ngày, nét sinh hoạt ở các hội quán được “Việt hóa” và dần dà được người địa phương gọi thành chùa. Từ đó, việc tu sửa, thờ cúng cũng có sự thay đổi. Tuy nhiên, tất cả các hình thức xây dựng, hoạt động của các chùa vẫn giữ được nét độc đáo và đặc trưng  riêng.

Chị Ngô Thị Hiệp, một phật tử của chùa Quang Lộc, chia sẻ: Chùa Quang Lộc đã trở thành điểm tựa tinh thần cho một số người dân trong vùng. Riêng những ngày lễ lớn, phật tử khắp nơi về đây dâng hương để cầu bình an. Còn những ngày thường, chúng tôi vẫn đến để phụ việc cho các sư với mong muốn làm công quả. Mười năm trước, chùa này có ít phật tử, nhưng dần dà, tiếng lành đồn xa, nên đến bây giờ, phật tử khắp nơi về đây đông lắm”.

Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa Trần Văn Thanh cho biết thêm: Trước đây, các tệ nạn như ăn xin, bói toán... ở ngoài cổng của một số chùa vẫn hay xảy ra. Thời gian qua, địa phương đã siết chặt quản lý, nên các tệ nạn này đã được giảm thiểu.
 
Bài, ảnh: HOÀI BIỆT
 

.