(Báo Quảng Ngãi)- “Tôm bay” thoáng nghe thì thấy lạ, nhất là với cư dân thành phố bởi lẽ tôm thì chẳng thể nào bay được bao giờ. Với sự so sánh khá trừu tượng và rất dí dỏm, người dân quê luôn sáng tạo ra những từ khá độc đáo như trên để nói về một món ăn ngon, nhưng rất dân dã đậm vị hương đồng của mình.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tôm là con vật sống dưới nước có giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon chứa nhiều chất đạm, chất béo và có mùi vị rất đặc trưng. Nó cho vị ngọt đậm và mùi thơm của nhiều loại nước lèo trong đó có bún Suông và mì Quảng.
“ Tôm bay ” là danh từ mà người dân quê tôi yêu mến đặt cho món cào cào lúa chiên giòn với các loại lá có mùi như gừng, chanh hay sả. Là món ăn bình thường với cơm ở miền quê, nhưng là đặc sản của cư dân thị thành, nhất là những thực khách sành ăn.
Đầu thu là lúc những cánh đồng lúa chín vàng, người quê tất bật vào vụ cũng là lúc cào cào bụng căng tròn trứng. Đó là thời điểm cào cào ngon nhất, giá trị nhất.
Gặt tới đâu thì cào cào bay ra tới đó bởi chúng không còn chỗ ẩn nấp. Đó là lúc tiếng cười, tiếng gọi nhau í ới của bọn trẻ giăng kín mặt đồng. Chúng chạy khắp ruộng, tay cầm đụt, cầm vợt để bắt những con cào cào lúa mập ú. Cào cào lúa khá to, da màu vàng pha xanh, cặp chân sau rất khoẻ, đùi có nhiều thịt, chúng sinh sống thành bầy đàn ở các bãi cỏ hoang hay đồng lúa.
Đĩa “tôm bay”. |
Bắt cào cào lúa về nhốt trong giỏ lưới chờ cho chúng thải hết phân rồi cho vào nước để chúng chết. Cắt bỏ cánh, ruột, các chân trước, chân sau chừa lại đùi rồi ngâm nước muối sau đó rửa lại bằng nước sạch, vớt ra rổ cho ráo.
Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn hay mỡ vào, đợi dầu nóng già cho hành tím và tỏi đập dập vào phi thơm. Khi hành tỏi vừa chín vàng thì cho cào cào cùng lá chanh, gừng hay sả vào, nêm dầu hào, đường, bột ngọt và một ít nước mắm ngon. Cào cào lúa ăn rất thơm và ngọt, thịt ngon như thịt tôm nên mới có cái tên rất ấn tượng là “tôm bay ”.
Người quê làm lụng vất vả, thời gian dành cho việc bếp núc không nhiều nên các món ăn của họ không cầu kỳ và có nhiều gia vị như các món ăn của cư dân thành phố. Với những thứ có sẵn trong vườn như chanh, ớt, sả, gừng, rau mùi các loại, người quê luôn làm cho món ăn của mình có mùi vị bằng các loại hương đất hương đồng không hề có chút độc hại nào, khác với hương vị bằng hoá chất trong các món ăn ở hàng quán nơi thị thành.
Về quê để được làm người chân quê thì không mấy ai làm được, nhưng về quê để thăm ông bà cha mẹ, dòng họ, xóm giềng, thưởng thức những món ăn dân dã để nhớ về thời thơ ấu thiếu thốn của mình hiện là mốt đang được cư dân thị thành ưa thích.
Về mà nghe quê hò: Thấy em ôm ốm cao cao, anh tưởng cào cào anh bắt anh… thương thì thật đáng yêu vô cùng, đáng để làm người chân quê vô cùng.
LÝ THỊ MINH CHÂU