Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Thành Nghi (10.5.1914 - 10.5.2014):
Đồng chí Nguyễn Thành Nghi: Trọn đời trung với Đảng, hiếu với dân

02:05, 10/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lịch sử của dân tộc nói chung và Quảng Ngãi nói riêng khắc ghi công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Thành Nghi (1914-1996)-nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng chí đã dành trọn cuộc đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.   

TIN LIÊN QUAN

Đồng chí Nguyễn Thành Nghi
Đồng chí Nguyễn Thành Nghi

Trong không khí cả nước ôn lại khí thế đấu tranh hào hùng của dân tộc, tự hào về chiến thắng Điện Biên Phủ, đông đảo cán bộ và nhân dân ở Quảng Ngãi đã đến thắp hương tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Thành Nghi (ở phường Trần Phú, TP.Quảng Ngãi), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Đồng chí Nguyễn Thành Nghi là người Cộng sản kiên trung, là cán bộ lãnh đạo tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi, hết lòng vì nước, vì dân.

Đồng chí Nguyễn Thành Nghi (tên khai sinh là Nguyễn Xì) quê xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh. Đồng chí xuất thân trong gia đình nông dân có truyền thống yêu nước. Tiếp thu tinh thần yêu nước của các sĩ phu trong phong trào Cần Vương như Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân và lớp đàn anh Trương Quang Trọng, đồng chí Nguyễn Thành Nghi đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng. Đồng chí Nguyễn Thành Nghi được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách.

Từ tháng 3 đến tháng 10.1930, đồng chí là hội viên Nông hội xã Tịnh Hà và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 1.6.1930. Năm 1931, đồng chí là Bí thư Chi bộ xã Tịnh Hà. Năm 1932 đồng chí bị địch bắt giam ở nhà lao Quảng Ngãi. Từ năm 1933-1936, đồng chí làm cán bộ liên lạc cho Tỉnh ủy, sau đó làm Uỷ viên Ban vận động xây dựng cơ sở Đảng trong tỉnh. Từ tháng 2-9.1939, đồng chí là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đồng thời là Uỷ viên Thường vụ Liên tỉnh Quảng Ngãi-Bình Định-Phú Yên. Từ tháng 10.1939 đến tháng 3.1945, đồng chí bị địch bắt, đày đi nhà tù Buôn Ma Thuột, sau đó chuyển đến nhà tù Đắc Tô-Kon Tum.

 Từ tháng 4 đến tháng 8.1945, đồng chí Nguyễn Thành Nghi ra tù, tiếp tục hoạt động cách mạng, được phân công làm Uỷ viên Thường vụ Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh Quảng Ngãi. Từ tháng 9.1945 đến tháng 12.1948, đồng chí làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ; Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh. Năm 1949 đồng chí được Khu ủy 5 cử đi học Văn hoá. Từ tháng 1.1950 đến tháng 6.1951, đồng chí là Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Uỷ viên UBKCHC liên tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Từ tháng 7.1951 đến tháng 3.1953, đồng chí được Trung ương cử đi học lý luận chính trị Mác-Lê nin tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Từ tháng 4.1953 đến tháng 2.1954, đồng chí là Uỷ viên Đoàn phát động quần chúng giảm tô ở Liên Khu 3 và Liên Khu 4. Từ tháng 3 đến tháng 7.1954, đồng chí là Bí thư Đảng uỷ, Trưởng Ban chỉ huy tuyến dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên phủ (tại Thanh Hoá).

Từ tháng 8.1954 đến tháng 12.1955, đồng chí là Uỷ viên Trung ương Ban đón tiếp cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, đồng thời làm Trưởng ban đón tiếp tại cửa biển Sầm Sơn- Thanh Hoá. Từ tháng 1 đến tháng 7.1956, đồng chí làm Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Xô, Hà Nội. Từ tháng 8.1956 đến tháng 5.1967, đồng chí làm Vụ phó Vụ Vệ sinh dịch tễ thuộc Bộ Y tế, đồng thời Uỷ viên Đảng Đoàn Bộ Y tế. Từ tháng 6.1967 đến tháng 6.1975, đồng chí làm Vụ trưởng Vụ Vệ sinh phòng dịch, Uỷ viên Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Tháng 7.1975, đồng chí Nguyễn Thành Nghi nghỉ hưu theo chế độ. Mặc dù tuổi đã cao, thế nhưng vì yêu cầu nhiệm vụ của địa phương lúc bấy giờ, đồng chí Nguyễn Thành Nghi đảm đương nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Nghĩa Bình. Sau khi tách tỉnh năm 1989, đồng chí làm Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi. Do tuổi cao sức yếu, đồng chí Nguyễn Thành Nghi từ trần vào tháng 8.1996.

Đồng chí Nguyễn Thành Nghi đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong suốt 60 năm hoạt động và công tác, đồng chí luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân lên trên lợi ích cá nhân. Mặc cho bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man, đồng chí vẫn một lòng kiên trung với Đảng. Bất chấp hy sinh, gian khổ, đồng chí luôn hướng đến mục tiêu mang lại cho nhân dân cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Ghi nhận công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, đồng chí Nguyễn Thành Nghi đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Ba; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng; danh hiệu Cán bộ lão thành cách mạng…

Ngày 10.5.2014 là kỷ niệm 100 ngày sinh của đồng chí Nguyễn Thành Nghi. Cán bộ và nhân dân Quảng Ngãi luôn bày tỏ niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc đến đồng chí Nguyễn Thành Nghi, người con ưu tú của quê hương, tấm gương sáng ngời về lòng kiên trung, bất khuất, trọn lòng vì nước, vì dân.

PHƯƠNG LÝ
 


CÁC TIN KHÁC
.