Nguyễn Công Phương- Một tấm gương tận tụy vì nước vì dân

03:02, 26/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nguyễn Công Phương (1888-1972) xuất thân ở một miền quê Quảng Ngãi, là một trong những nhà yêu nước, chiến sĩ cách mạng nổi tiếng và đi đầu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.Nguyễn Công Phương sinh ra trong một gia đình nhà Nho giàu truyền thống yêu nước. Cha ông là Nguyễn Công Hanh, mẹ là Bùi Thị Khanh. Tổ tiên ông vốn thuộc dòng họ Nguyễn Công  ở làng Nhu Năng thuộc huyện Tư Nghĩa, dời đến sinh sống ở thôn Kỳ Thọ, xã Hành Đức (Nghĩa Hành). Về sau, gia đình ông tiếp tục chuyển đến sinh sống tại thôn Hòa Vinh, xã Hành Phước.

TIN LIÊN QUAN



Năm 17 tuổi, chàng thanh niên của dòng họ Nguyễn Công ấy mới chính thức lấy tên là Nguyễn Công Phương và theo học thầy Lê Đình Cẩn ở Hòa Vinh. Dưới sự hướng dẫn của thầy Cẩn, Nguyễn Công Phương tham gia vào Hội Duy Tân với các hoạt động đấu tranh vì dân chủ, dân sinh và kháng sưu thế. Sự lớn mạnh của Hội Duy Tân đã dẫn dắt phong trào đấu tranh đòi dân chủ dân sinh diễn ra rộng khắp Quảng Ngãi. Trước tình hình đó, thực dân Pháp điên cuồng đàn áp bắt bớ hòng triệt tiêu phong trào. Tháng 5.1908 ông bị địch bắt lần thứ nhất và bị giam cầm gần 4 năm, đến tháng 2.1912, Nguyễn Công Phương được trả tự do. Vừa ra tù, Nguyễn Công Phương cùng anh trai Nguyễn Công Mậu tham gia vào tổ chức yêu nước Việt Nam Quang phục hội; hăng hái tham gia xây dựng một số cơ sở yêu nước trong tỉnh để chờ thời cơ khởi nghĩa vũ trang. Thế nhưng, cuộc khởi nghĩa do Việt Nam Quang Phục Hội chuẩn bị mấy năm liền bị thất bại.

Bước ngoặt lớn trong cuộc đời cách mạng của Nguyễn Công Phương là ngày 2.6.1930, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Được ánh sáng của Đảng soi đường ông hăng hái hoạt động không hề mệt mỏi. Cuối tháng 6.1930, ông được chỉ định làm Bí thư Huyện ủy lâm thời huyện Nghĩa Hành. Giữa lúc đang hăng say hoạt động cách mạng, gầy dựng phong trào thì ngày 22.10.1930, Nguyễn Công Phương bị địch bắt giam lần thứ hai. Bọn chúng dùng mọi cách đánh đập, mua chuộc nhưng không thể làm lung lay ý chí sắt đá của người chiến sĩ cách mạng kiên trung ấy. Cuối cùng, chúng kết án ông 7 năm tù giam và đày lên Buôn Mê Thuột.

Cuối tháng 8.1935, Nguyễn Công Phương trở về quê với lệnh quản thúc vô thời hạn. Về nhà, nhiều nỗi đau thương mất mát đè nặng trên đôi vai người chiến sĩ cách mạng ấy khi vợ và con trai ông bị chết trong thời gian ông bị giam giữ. Nỗi đau riêng hòa lẫn với nỗi đau chung của toàn dân tộc đã thôi thúc ông hành động. Ông tìm cách móc nối với những đồng chí cũ để tiếp tục xây dựng cơ sở Đảng trong tỉnh. Đầu tháng 9 năm 1936, số đầu tiên của Tạp Chí Đỏ được phát hành, do đồng chí Trần Long làm chủ bút gây tiếng vang lớn trong mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có công sức đóng góp to lớn của Nguyễn Công Phương.

Tháng 10.1939, Nguyễn Công Phương lại tiếp tục bị địch bắt giam lần thứ ba. Tại nhà giam Trà Bồng, địch dùng nhiều biện pháp tra tấn, mua chuộc nhưng vẫn không thể khuất phục được ông. Ở trong tù ông vẫn tiếp tục móc nối với các chiến sĩ hoạt động cách mạng. Ông cùng với các đồng chí dự định thành lập Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi tại Trà Bồng. Sự việc bại lộ, hầu hết các đồng chí bị bắt bớ tù đày. Bản thân ông tiếp tục bị đày lên Buôn Mê Thuột vào năm 1941.

Sau khi Nhật hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương, tình hình chính trị trong nước có nhiều chuyển biến lớn, nhân cơ hội này, Nguyễn Công Phương cùng các đồng chí tù chính trị khác vượt ngục trở về địa phương để tham gia cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Ông được Đảng giao nhiệm vụ vận động quyên góp thu nhận và vận chuyển thuốc men, lúa gạo tiếp tế cho đội du kích Ba Tơ, in ấn tài liệu của Đảng để chuyển đến các địa phương.

Ngoài ra, Nguyễn Công Phương còn xung phong đi vận động và thuyết phục các trí thức trẻ để tạo lực lượng nòng cốt cho cách mạng. Cách mạng tháng Tám thành công, ông tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ông được Ủy ban Vận động cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng huyện Nghĩa Hành, sau đó được lệnh điều động về làm chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Ngãi, thay cho đồng chí Trần Toại bị ốm nặng. Ngày 17.2.1946, tỉnh Quảng Ngãi bầu cử hội đồng nhân dân tỉnh, Nguyễn Công Phương đã trúng cử với số phiếu cao và được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh.        

Tháng 12.1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Khu ủy V quyết định điều động ông vào làm Phó hội trưởng Hội Liên Việt khu V. Đến tháng 7.1948, Nguyễn Công Phương lại được bổ sung vào Khu ủy V phụ trách công tác dân vận.  


Tháng 5.1955, ông tập kết ra Bắc, sau đó tiếp tục nắm giữ những những vị trí quan trọng trong tổ chức chính quyền, góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc: Tháng 9.1955, ông được bầu làm Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đến tháng 6.1969, ông được bầu làm ủy viên Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam…

Cả một đời hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ cương vị, chức vụ nào Nguyễn Công Phương đều nhiệt tình cống hiến sức mình để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giành tự do độc lập cho dân tộc. Vì tuổi cao sức yếu, ngày 21.8.1972, tại căn nhà số 50 Quán Sứ- Hà Nội ông nhẹ nhàng ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho nhân dân và đất nước.

HUYỀN TÂM
 


CÁC TIN KHÁC
.