(Baoquangngai.vn)- Phan Khắc Thận hiệu là Châu Lưu, sinh năm Mậu Ngọ (1798), tại làng Tư Cung, huyện Bình Sơn (nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh), sau ông theo cha là Phan Văn Kháng dời đến làng Châu Me, nay là thôn Châu Me, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Phan Khắc Thận thi đỗ tú tài khoa Ất Dậu (1825) và khoa Mậu Tý (1828), cùng tại Trường thi Hương Thừa Thiên. Năm Canh Dần (1830), sau khi vượt qua kỳ thi ứng ngạch, ông được bổ làm giáo chức ở Bảo An (nay thuộc tỉnh Bến Tre) và Tân An (nay thuộc tỉnh Long An).
Năm Thiệu Trị thứ 1 (Tân Sửu -1841) Phan Khắc Thận thăng quyền nhiếp phủ Tây Ninh. Lúc bây giờ ở đây có một thổ mục tên Đinh Thân, tự xưng là Thiên thương tướng, tụ họp được hơn 700 người miền núi, người Chăm đột kích vào đồn phủ Tây Ninh. Phan Khắc Thận chỉ huy quân chống cự, bắn chết được Đinh Thân, làm tan rã cuộc nổi dậy. Việc báo về kinh, nhà vua ban chiếu thư khen ngợi, thưởng cho một cấp quân công. Ít lâu sau, ông được bổ làm Giám sát ngự sử đạo kinh kỳ và thự Công khoa Chưởng ấn cấp sự trung.
Từ đường dòng họ Phan Khắc ở thôn Châu Thuận Nông (Bình Châu, Bình Sơn) |
Năm Giáp Thìn (1844), Phan Khắc Thận được cử làm Án sát sứ Bình Định, Vĩnh Long, sau thăng làm Tuyên phủ sứ Tây Ninh, rồi chuyển sang Bố chánh sứ Nam Định, Hà Nội. Năm Nhâm Tý (1852), dưới thời vua Tự Đức, ông thăng Quyền Chưởng ấn Tuần phủ Lạng – Bình, đến năm Đinh Tỵ (1857) được điều về kinh giữ chức Hữu Tham tri bộ Hộ.
Tháng 7 năm Mậu Ngọ (1858), liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công cửa Hàn, mở màn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Phan Khắc Thận được cử làm tham tán, dẫn 2.000 cấm binh tinh nhuệ vượt Hải Vân quan vào Đà Nẵng tăng cường phòng thủ. Tháng 10 năm ấy, đại quân triều đình thất bại khi giao tranh với quân Pháp. Nhiều quan tướng bị khiển trách, trong đó có Phan Khắc Thận. Ông bị giáng 3 cấp, chuyển làm Tán lý.
Chiến cuộc trở nên dai dẳng vì sức kháng cự mạnh mẽ của ta, âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của quân Pháp bị phá sản. Vì thế, quân xâm lược chuyển hướng tấn công vào Gia Định.
Mặt trận phía Nam trở nên căng thẳng. Một mặt, đội quân viễn chinh đã chiếm đóng được thành Gia Định, liên tục mở rộng địa bàn, thực hiện dã tâm thôn tính Nam Kỳ. Mặt khác, người Cao Man lại nhân cơ hội này đột kích cướp phá các đồn lũy của quân ta nằm ở dọc biên giới hai nước.
Trước tình hình bất ổn như vậy, tháng 12 năm Kỷ Mùi (1859), vua Tự Đức cho tái lập chức Tuần phủ An Giang và giao chức trách cho Phan Khắc Thận. Tháng 6 năm Tân Dậu (1861), ông được thăng Thự Tổng đốc An Hà (An Giang- Hà Tiên), đến tháng giêng năm Quý Hợi (1863) thì trở thành Thực thụ Tổng đốc. Không phụ lòng tin của triều đình, Phan khắc Thận đã làm rất nhiều việc để góp phần ổn định vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc, bảo vệ an ninh nội địa, ngăn chặn những cuộc tiến công từ bên ngoài.
Tháng 3 năm Tân Dậu (1861), thành Định Tường thất thủ, Phan Khắc Thận, Trương Văn Uyển được sung làm Biên phòng Tiễu Quân vụ, có trách nhiệm phối hợp với các vị Khâm phái Quân vụ Nguyễn Túc Trưng, Đỗ Thúc Tịnh chiêu mộ nghĩa dõng, xây dựng đồn lũy, sửa sang khí giới, khen thưởng binh lính, khích lệ người trung dũng chuẩn bị chống lại kẻ thù vốn áp đảo về binh lực và đang lăm le xâm chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Từ đây, cuộc đời và hoạn lộ của Phan Khắc Thận bắt đầu giai đoạn “bảy nổi, ba chìm”. Ông nhiều lần bị khiển trách và ít nhất 3 lần bị giáng chức, có lần bị cách hết chức tước. Tháng 5 năm Tân Dậu (1861), Phan Khắc Thận bị giáng lưu 2 cấp vì một thổ mục Cao Man đánh phá bảo An Tập (thuộc tỉnh An Giang) làm 100 nghĩa dõng tử trận.
Ngày 5.6.1862, triều đình Huế ký Hòa ước Nhâm Tuất với Pháp. Đến khoảng giữa năm1863, thì một người Cao Man tên là A Soa (còn gọi là Acha Xoa, sử nhà Nguyễn chép là Ong Bướm) đến vùng biên giới thuộc Châu Đốc - Hà Tiên, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, xin quy thuận và lập lực lượng kháng Pháp với sự ủng hộ ngấm ngầm của người Việt. Cùng lúc đó, Thủ khoa Huân (Nguyễn Hữu Huân), sau khi thua trận ở Bình Cách, cũng rút quân vào Thất Sơn để hiệp quân với lực lượng của A Soa.
Thực dân Pháp cho là triều đình Huế dung dưỡng A Soa và Thủ khoa Huân, vi phạm Hòa ước Nhâm Tuất, nên đã đem quân uy hiếp thành An Giang làm áp lực đòi nhà Nguyễn giao 2 người này cho chúng. Trong tình thế khó xử và lúng túng, tháng 4 năm Bính Dần (1866), triều đình Huế buộc phải ra lệnh cho Phan Khắc Thận đáp ứng yêu cầu của quân Pháp, nhưng sau đó lại cách chức ông. Đến tháng 6 năm Đinh Mão (1867), ông được triều đình khôi phục và phong hàm Thượng thư bộ Binh, lãnh Tuần phủ Nam Ngãi. Tháng 7 năm Mậu Thìn (1868), ông làm Thảo nghịch Hữu tướng quân đi tiễu trừ bọn giặc cướp người Tàu tràn vào quấy phá vùng núi biên giới phía Bắc. Tháng 11 năm ấy, ông mất tại quân thứ, thọ 70 tuổi, thi hài sau đó được đưa về an táng tại quê nhà.
Ghi nhận công lao của Phan Khắc Thận, vua Tự Đức truy tặng cho ông hàm Vinh lộc Đại phu, Hiệp biện Đại học sĩ, ban tên thụy là Văn Ý.
Cuộc đời làm quan của Phan Khắc Thận, đặc biệt là gần 10 năm cuối đời, trải qua nhiều biến động lịch sử to lớn, thử thách vận mệnh dân tộc, đất nước, đồng thời chi phối hành trạng của những ai dấn thân vào chốn quan trường. Giữa bao nhiêu bộn bề đổi thay của thời cuộc, xáo trộn nhân tâm, thật khó để thoát khỏi những gập ghềnh vinh nhục, nhưng Phan Khắc Thận và những người như ông đã chấp nhận với chí khí và nghị lực của một kẻ sĩ, không ngại gian khổ, khó khăn, lấy việc hoàn thành trách vụ đối với quốc gia làm trọng.
Lê Hồng Khánh
* Đón đọc kỳ tới: Huỳnh Công Chế