Nhân vật Quảng Ngãi:
Nguyễn Đình Quản (1878 – 1910)

04:09, 27/09/2013
.

(Baoquangngai)- Nguyễn Đình Quản, tự Khánh Bá, sinh năm Mậu Dần - 1878, là con trai của tú tài Nguyễn Văn Quế, tổ quán làng Phong Niên (nay thuộc xã Tịnh Phong), đến đời trước dời về làng Đông Dương (nay thuộc xã Tịnh Ấn Tây), huyện Sơn Tịnh.

TIN LIÊN QUAN


Nổi tiếng thông minh, hiếu học, năm Đinh Dậu (Thành Thái thứ 9 - 1897), ông đổ cử nhân tại trường thi Bình Định, lúc vừa tròn 20 tuổi.

 

Chân dung Nguyễn Đình Quản
Chân dung Nguyễn Đình Quản


Có học vị cử nhân, lại được người thân định tiến cử ra làm quan, nhưng Nguyễn Đình Quản lại lui về sống ở quê nhà, kết giao rộng rãi với các văn thân, ngấm ngầm nuôi chí phục quốc. Là người nguyên quán làng Phong Niên nên ông được giới nhân sỹ và người dân gọi tên thân mật và kính trọng là “Ông cử Phong Niên”.

Đầu thế kỷ XX, phong trào Duy Tân được các sĩ phu yêu nước, tiến bộ phát động, sôi nổi ở khắp các tỉnh Trung – Bắc Kỳ, thổi một làn gió mới vào cuộc vận động yêu nước diễn ra liên tục từ khi thực dân Pháp đặt chân lên đất nước ta.

Từ quê nhà, Nguyễn Đình Quản cùng cử nhân Nguyễn Thụy (Tư Nghĩa), tú tài Trần Kỳ Phong (Bình Sơn) ra tận Hà Nội để liên hệ với những người cầm đầu Đông Kinh nghĩa thục, tìm hiểu cách làm của các sỹ phu yêu nước Hà Thành, tìm đọc và nghiên cứu tân thư, rồi gia nhập Duy Tân hội.

 

 Gian thờ Nguyễn Đình Quản và các bậc tiền bối trong tộc họ.
Gian thờ Nguyễn Đình Quản và các bậc tiền bối trong tộc họ.


Trở về quê, Nguyễn Đình Quản trở thành một trong những yếu nhân của Duy Tân hội Quảng Ngãi (thành lập năm 1906, do cử nhân Lê Đình Cẩn đứng đầu), tích cực vận động các nhà nho yêu nước thành lập “Trường lao động” tại làng Sung Tích (nay thuộc xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh), giáo dục, rèn luyện thanh niên theo khuynh hướng Duy Tân.

Cùng trong thời gian này ông sáng tác nhiều thơ ca bằng quốc ngữ, cổ súy lòng yêu nước, vận động thực hiện chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của Duy tân hội.

 Năm 1908, phong trào Kháng thuế - Cự sưu khởi lên từ Quảng Nam – Quảng Ngãi rồi lan nhanh ra các tỉnh Trung Kỳ. Ở Quảng Ngãi, khi phong trào phát triển rầm rộ, đối đầu gay gắt với thực dân Pháp và Nam triều, các sĩ phu yêu nước công khai đứng ra lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Thực dân Pháp điên cuồng đàn áp phong trào.

Nguyễn Bá Loan (Mộ Đức), Lê Tựu Khiết (Nghĩa Hành) bị xử chém, Phan Long Bằng (Đức Phổ) bị sát hại ở Bình Định, Nguyễn Đình Quản cùng Trần Kỳ Phong, Nguyễn Tuyên (Đức Phổ)… bị kết án, đày ra Côn Đảo.

 

 Nguyễn Tự đường ở làng Đông Dương, xã Tịnh Ấn Tây.
Nguyễn Tự đường ở làng Đông Dương, xã Tịnh Ấn Tây.



Những đòn tra tấn dã man và điều kiện khắc nghiệt của nhà tù Côn Đảo đã khiến ông Cử Phong Niên lâm bệnh và qua đời vào giữa năm Canh Tuất -1910, di hài được bạn tù mai táng trên đảo.

Theo gia đình, ngày tạ thế của ông là rằm tháng 6 âm lịch. Sau năm 1954, đặc biệt là sau năm 1975, gia đình Nguyễn Đình Quản nhiều lần liên hệ thu thập thông tin và ra tận Côn Đảo để tìm mộ ông đưa về quê nhà an táng, nhưng rất tiếc là nguyện vọng ấy đến nay vẫn chưa thành.

Về đời riêng, vợ chồng Nguyễn Đình Quản có 4 con (2 nam, 2 nữ). Hiện nay người thừa tự là cháu nội, hậu duệ của người con trai thứ, vẫn sống tại làng Đông Dương, xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh.

Chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng, người bạn tù tâm đầu ý hợp của Nguyễn Đình Quản ở nhà tù Côn Đảo, đã nhắc đến thơ ông và dành những lời tâm huyết ca ngợi lòng yêu nước nhiệt thành, khí phách hiên ngang của “ông Cử Phong Niên” trong tác phẩm Thi tù tùng thoại.

Thơ văn của Nguyễn Đình Quản cũng như của các chí sỹ yêu nước Quảng Ngãi, qua năm tháng đã bị thất tán khá nhiều. Sưu tầm, tập hợp các sáng tác của họ và giới thiệu cho mọi người, là việc mà lớp hậu thế nên làm để tỏ lòng tôn kính và trọng vọng các bậc tiền nhân đã không tiếc thân mình vì non sông, đất nước.
                                        

                      Lê Hồng Khánh
 

*Đón đọc kỳ tới: Đỗ Thúc Tịnh (1818 – 1862)

 


CÁC TIN KHÁC
.