Nhân vật Quảng Ngãi:
Phạm Hàm (1885 – 1915)

04:07, 25/07/2013
.

(QNĐT)- Nhà yêu nước Phạm Hàm, sinh năm Ất Dậu (1885) tại làng Vĩnh Tuy, tổng Thượng, huyện Bình Sơn, nay là thôn Vĩnh Tuy, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh. Cha ông là một nhà nho hành nghề bốc thuốc, nổi tiếng về đức độ và y thuật.

TIN LIÊN QUAN
Phạm Hàm thông minh, học giỏi, nổi tiếng “thần đồng”. Năm 1905, ông lều chõng vào Bình Định để dự kỳ thi Hương năm Bính Ngọ (1906). Lúc này, 3 nhà khoa bảng xướng xuất phong trào Duy Tân Trung kỳ là Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp trên đường Nam du, đang có mặt ở Bình Định để khảo sát tình hình và vận động cho phong trào.

Đến vòng thi thứ 3 (Tam Trường) các nhà lãnh đạo Duy Tân mạo danh thí sinh để làm các bài thơ, phú, văn sách lên án lối học từ chương, cổ hủ, dè bỉu thói vào luồn ra cúi của đám quan lại An Nam, cổ vũ tư tưởng Duy Tân.

Phan Chu Trinh làm bài thơ “Chí thành thông thánh”. Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp làm bài phú “Danh sơn lương ngọc”. Tư tưởng và hành động của các nhà lãnh đạo Duy Tân được sĩ tử Quảng Ngãi khâm phục và nhiệt liệt hưởng ứng.

Phần mộ nhà yêu nước Phạm Hàm
Phần mộ nhà yêu nước Phạm Hàm


Hầu hết sĩ tử miền núi Ấn – sông Trà, trong đó có các ông Phạm Cao Đàm, Bùi Phụ Thiệu, Nguyễn Công Phương, Phạm Hàm... đồng loạt viết vào quyển thi những bài thơ, phú, văn sách mang nội dung yêu nước, hưởng ứng Duy Tân, rồi kéo nhau về quê. Vụ “gây rối” ở trường thi Bình Định năm 1905 trở thành một sự kiện xôn xao giới quan trường, sĩ tử lúc bấy giờ.

Điều đáng lưu ý là rất nhiều sĩ tử Quảng Ngãi tham gia sự kiện này về sau đã trở thành những nhà yêu nước nổi tiếng mà Phạm Hàm là một.

Được gợi ý từ những tư tưởng của Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, khi về quê, Phạm Hàm chuyên chú tìm đọc và nghiên cứu tân thư của các nhà cách mạng Trung Hoa: Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vy; các trước tác thấm đẫm tình cảm yêu nước của giải nguyên Phan Bội Châu và nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục ở Bắc Kỳ.

Cũng trong thời kỳ này, Phạm Hàm liên lạc với các nhà yêu nước Quảng Ngãi như: Trần Kỳ Phong, Hứa Thọ, Mai Tuấn, Mai Bá; đồng thời gia nhập Duy Tân Hội Quảng Ngãi.

Năm 1908, phong trào Kháng thuế - Cự sưu bùng lên khắp Trung Kỳ, đi đầu là nhân dân Quảng Nam, Quảng Ngãi. Các hội viên Duy Tân Hội (hầu hết là nhân sĩ, trí thức) được phân công hướng dẫn, tổ chức phong trào ở các địa phương. Phạm Hàm trở thành một trong những người lãnh đạo phong trào ở tổng Thượng và tổng Trung của huyện Sơn Tịnh. Phong trào “kháng thuế, cự sưu” thất bại và bị đàn áp đẫm máu, nhiều thành viên lãnh đạo phong trào bị xử chém hoặc đi đày, một số ít, trong đó có Phạm Hàm trốn thoát.

Sau một thời gian tạm lánh, Phạm Hàm trở về quê, tiếp tục các hoạt động yêu nước, tham gia vào tổ chức Việt Nam Quang phục hội. Đây là tổ chức yêu nước – cách mạng do Phan Bội Châu sáng lập vào năm 1912, chịu ảnh hưởng tư tưởng dân chủ của Tôn Dật Tiên (Trung Hoa), theo tôn chỉ: Khôi phục Việt Nam, kiến lập Việt Nam Cộng hoà Dân quốc.

Trong những năm 1913-1915 với yêu sách khôi phục chủ quyền cho Việt Nam, Việt Nam Quang phục hội quyết dùng bạo động để tạo tiếng vang trong dân chúng, đồng thời gây áp lực lên chính quyền thực dân Đông Dương và Nam triều. Nhiều vụ ám sát, ném tạc đạn do các thành viên Việt Nam Quang phục hội tiến hành đã diễn ra tại Hà Nội và nhiều tỉnh Bắc Kỳ. Mặc khác, tổ chức này cũng tìm cách tuyển mộ thanh niên ưu tú để đưa ra nước ngoài học tập, rèn luyện, chuẩn bị cho các kế hoạch lâu dài.

Nhà thờ tộc họ Phạm ở Vĩnh Tuy- nơi thờ tự nhà yêu nước Phạm Hàm
Nhà thờ tộc họ Phạm ở Vĩnh Tuy- nơi thờ tự nhà yêu nước Phạm Hàm


 Thực hiện chủ trương của Kỳ bộ Trung Kỳ, Phạm Hàm tích cực vận động gây quỹ và tìm người để đưa đi xuất dương. Tháng 1/1914, đến lượt ông được chọn đưa sang Trung Quốc, nhưng bị mật thám Pháp theo dõi gắt gao nên bất thành. Tháng 9 năm đó, tổ chức lại bí mật đưa Phạm Hàm vào Sài Gòn để chuẩn bị sang Hong Kong.

Đầu năm 1915, khi ông sắp bước lên tàu thì bị bắt tại cảng Sài Gòn. Thực dân Pháp đưa Phạm Hàm về Quảng Ngãi, giao cho Nam triều xét xử. Ông bị giam cầm cố tại nhà lao Quảng Ngãi để chúng tra khảo truy xét hòng tìm ra manh mối của tổ chức Việt Nam Quang phục hội tại tỉnh nhà. Bất chấp mọi cực hình của kẻ thù, Phạm Hàm vẫn giữ vững lòng trung trinh yêu nước và chí khí bất khuất của một nhà cách mạng.

Phạm Hàm qua đời ngày mồng 8 tháng 4 năm 1915 sau những đòn tra tấn gian ác của kẻ thù. Thi hài ông được gia đình, đồng chí đưa về an táng ở làng Vĩnh Tuy quê nhà.
                                                              

Lê Hồng Khánh

* Đón đọc kỳ tới: Lê Ngung (?- 1916)


 


CÁC TIN KHÁC
.