Nhân vật Quảng Ngãi:
Nguyễn Tấn Kỳ (1853 - 1913)

04:07, 03/07/2013
.

(QNĐT)- Nguyễn Tấn Kỳ sinh năm Quý Sửu - 1853, người làng Châu Tử, nay thuộc xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, là một trong những thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Cần Vương ở Quảng Ngãi tháng 7/1885.

TIN LIÊN QUAN


Nguyễn Tấn Kỳ nổi tiếng thông văn tinh võ, giao thiệp rộng, kết thân với nhiều nhân sĩ trong vùng. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, ông sớm gia nhập Nghĩa Hội, cùng Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân xây dựng chiến khu Tuyền Tung, tập hợp, huấn luyện hương binh, rèn sắm vũ khí, tích trữ lương thảo, liên lạc với Nghĩa Hội Quảng Nam, sẵn sàng phò vua, cứu nước.

 

Am Phước Sơn- nơi cư sỹ Nguyễn Tấn Kỳ sống những ngày cuối đời.
Am Phước Sơn- nơi cư sỹ Nguyễn Tấn Kỳ sống những ngày cuối đời.


Sau sự kiện kinh thành thất thủ (5/7/1885), vua Hàm Nghi trên đường xuất bôn hạ chiếu Cần Vương. Ngày 13/7/1885 (nhằm ngày 1/6 năm Ất Dậu) nghĩa quân do Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân, Nguyễn Tấn Kỳ cầm đầu nhanh chóng tiến về tỉnh thành, đánh chiếm thành Quảng Ngãi, bắt giam bọn quan lại hèn nhát, phát động phong trào Cần Vương khắp tỉnh.

Chỉ vài hôm sau, Tiểu phủ sứ Sơn phòng Nghĩa Định là Nguyễn Thân - một thành viên Nghĩa Hội, bất ngờ  phản bội, chiếm lại tỉnh thành. Nguyễn Tự Tân hy sinh, Lê Trung Đình bị bắt và bị xử chém. Nguyễn Tấn Kỳ cũng rơi vào tay Nguyễn Thân nhưng ông tương kế, tựu kế, trá hàng, theo Nguyễn Thân lên căn cứ Sơn phòng và hai ngày sau thì trốn thoát.

Tên Việt gian phản bội tức tối vì bị lừa, cho tay chân tìm đến làng Châu Tử vây bắt thân phụ Nguyễn Tấn Kỳ là Nguyễn Tấn Cảnh lên Sơn phòng cắt tai, cắt nhượng chân rồi thả về. Uất ức, đau đớn, cụ Nguyễn Tấn Cảnh lìa đời.

Nguyễn Tấn Kỳ cùng hai em là Nguyễn Tấn Dực và Nguyễn Tấn Quy trốn lên vùng Trà My (tây nam Quảng Nam), liên lạc với nghĩa quân Quảng Nam do Nguyễn Duy Hiệu cầm đầu, tiếp tục chống Pháp.

Bảo tháp gìn giữ di thân Tiên Long cư sỹ Nguyễn Tấn Kỳ
Bảo tháp gìn giữ di thân Tiên Long cư sỹ Nguyễn Tấn Kỳ


Cuộc kháng chiến của nghĩa quân Nam - Ngãi không thành, Nguyễn Tấn Kỳ tìm đến vùng núi An Thiện (nay thuộc xã Tam Anh, huyện Núi Thành), lập chùa trong hang Mèo Cào (tên chữ là Thiên Long Thạch động tự, tục gọi chùa Hang), giấu mình dưới pháp danh Tiên Long cư sĩ. Nguyễn Thân lại lần ra tung tích, bắt ông đưa ra Huế.

Ở Huế, ông bị giam ở lao Thừa Phủ một thời gian rồi được tha về, vì thực dân Pháp và triều đình Nguyễn cho rằng phong trào Cần Vương lúc này đã suy yếu, nếu tiếp tục giam cầm những cựu thủ lĩnh Cần Vương như Nguyễn Tấn Kỳ chỉ là cách làm cho sĩ phu và nhân dân thêm căm hận.

Về quê, Nguyễn Tấn Kỳ lập am Phước Sơn (1910), náu mình trong câu kinh lời kệ, lặng lẽ ngấm nỗi bi phẫn của một tráng sĩ phải đành lòng nhìn vận nước sa cơ, như ông từng thổ lộ trong 2 câu thơ khẩu khí:

                            Cái dùi lực sĩ quăng đâu đó
                        Nương cửa bồ đề đỡ chuối xuôi

Tiên Long cư sỹ Nguyễn Tấn Kỳ tạ thế năm 1913 (Phật lịch 2457), di hài được an táng tại một bảo tháp trong khuôn viên Phước Sơn am.

Cuộc đời và hành trạng của Nguyễn Tấn Kỳ còn gắn với nhiều huyền thoại mờ ảo thực hư, hiện vẫn còn lưu truyền khắp vùng Châu Tử, thể hiện sự kính trọng và thấu hiểu của giới sỹ phu cũng như người bình dân đối với một bậc anh hùng lỡ vận.
                                                                    

  Lê Hồng Khánh


*Đón đọc kỳ tới: Trần Du (1864- 1896)


 


CÁC TIN KHÁC
.