Di tích mộ và đền thờ Bùi Tá Hán

09:06, 25/06/2012
.

(QNĐT)- Mộ và đền thờ Bùi Tá Hán tọa lạc tại phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là nơi thờ tự và tưởng vọng một trong những nhân vật lịch sử có công lớn trong sự nghiệp kinh dinh vùng đất phía nam đèo Hải Vân nói chung, tỉnh Quảng Ngãi nói riêng.

TIN LIÊN QUAN


 Bùi Tá Hán (dân gian quen gọi là Trấn Quận công, Trấn Công, Ông Trấn), sinh năm Bính Thìn - 1496 ở Châu Hoan, nay thuộc tỉnh Nghệ An.

Đền thờ Bùi Tá Hán
Đền thờ Bùi Tá Hán


Đầu thế kỷ XVI, nhà Lê suy yếu, chính trị rối ren, Mạc Đăng Dung nhân đó cướp ngôi, dựng lên nhà Mạc (1527). Sĩ phu nhà Lê nhiều người không chịu thần phục họ Mạc, chiêu tập nghĩa binh, dựng cờ "Phù Lê diệt Mạc". Các lực lượng chống Mạc dần dần quy tập dưới cờ Nguyễn Kim (1468 – 1545), một cựu thần nhà Lê, nổi lên từ Châu Ái (nay là tỉnh Thanh Hóa), trong đó có Bùi Tá Hán.

Sau khi nhà Lê được khôi phục (sử gọi là thời Lê Trung Hưng), năm Ất Tỵ (1545), dưới triều vua Lê Trang Tông, Bùi Tá Hán được giao nhiệm vụ bình ổn vùng Thừa tuyên Quảng Nam (nay là địa phận Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định) và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Triều đình phong cho ông chức Đô tướng dinh Quảng Nam, sau thăng Bắc quân Đô đốc Phủ chưởng phủ sự, tước Thiếu bảo Trấn quận công, và ông giữ chức nầy cho đến ngày tạ thế (1568).

Lăng Bùi Tá Hán
Lăng Bùi Tá Hán


Lúc bấy giờ dinh Quảng Nam là miền biên trấn, đồng thời là vùng bàn đạp trong công cuộc Nam tiến của người Việt. Trong suốt thời gian quản lãnh nhiệm vụ ở đây, Bùi Tá Hán đã thực thi nhiều chính sách thích hợp, khuyến khích sản xuất, ổn định đời sống người dân, sửa đổi nếp sinh hoạt và phong tục theo hướng tiến bộ, phát triển giao thương, giữ sự giao hòa giữa người Kinh và các tộc người thiểu số.

Bùi Tá Hán chính là người chủ trương đặt một số đồn binh và đắp các đoạn lũy ở mạn tây Quảng Nam, Quảng Ngãi để vừa kiềm phòng, vừa tạo điều kiện cho sự giao thương ổn định giữa miền xuôi và miền ngược. Vì các đoạn lũy nầy chỉ dài khoảng từ 2 đến 4 dặm và chạy ngắt quảng theo chiều bắc - nam, nên gọi là Đoạn Trường Lũy.

Đầu thời nhà Nguyễn, khi nhận trọng trách đắp Tĩnh Man Trường Lũy, xây dựng hệ thống cơ bảo của Lục kiên cơ, một người Quảng Ngãi khác là ông Lê Văn Duyệt (1764 – 1832) đã dựa rất nhiều vào hệ thống đồn bảo và các đoạn lũy thiết dựng từ thời Bùi Tá Hán.


Đến nay, ở vùng miền tây Quảng Ngãi vẫn còn dấu vết một số vườn cây ăn trái mà dân gian gọi là Vườn Ông Trấn. Đây chính là những vườn cây do dân lân và binh lính, theo lệnh của Bùi Tá Hán, trồng lên chung quanh các đồn, bảo để mọi người cùng hưởng lợi.

Tượng Bùi Tá Hán
Tượng Bùi Tá Hán


Từ thời kỳ trấn nhậm của Bùi Tá Hán, vùng đất Quảng Nam ngày càng thịnh vượng, trở thành chỗ dựa vững chắc của chúa Nguyễn sau này, cung cấp nhân tài vật lực cho sự nghiệp mở mang bờ cõi về phương Nam.

Bùi Tá Hán mất năm 1568, không rõ nguyên nhân. Dân gian thì tin rằng ông đã hiển thánh cùng với con ngựa quý, chỉ để lại tấm áo bào có vết máu tươi, như lời văn còn truyền tụng:

Nhân mã bất tri hà xứ khứ
Huyết y trường dữ thử bi lưu.
(Người ngựa đi đâu nào thấy bóng
Áo bào thấm máu để ngàn sau)


Sau khi mất, Bùi Tá Hán được truy tặng tước Thái bảo. Năm Minh Mạng thứ 13 (Nhâm Thìn - 1832), lại được gia phong Khuông quốc Tịnh biên Thọ đức thượng đẳng thần.

Lăng mộ Bùi Tá Hán tọa lạc tại khu rừng Cầy, làng Thu Phổ. Tương truyền khi ông mất, người dân tìm thấy mảnh áo bào nhuốm máu còn lưu lại bèn đem chôn cất, xây lăng, đổi gọi rừng Cầy là rừng Lăng để tỏ làng tôn kính.

Năm Tự Đức thứ 18 (Ất Sửu -1865), Sơn phòng Tiểu phủ sứ Nguyễn Tấn (1822 – 1871)  cùng các ông Nguyễn Biểu, Nguyễn Mỹ, Kiều Lâm xây dựng lại lăng mộ và dựng bia, trên bia khắc dòng chữ: “Cố Lê Bắc quân Đô đốc Trấn Quận công chi mộ” (Mộ Bắc quân Đô đốc Trấn Quận công của triều cũ nhà Lê).    
               
Đền thờ ông tọa lạc trên đỉnh núi Phước, bên hữu ngạn sông Trà Khúc, về sau gọi là núi Ông. Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn (Quyển VIII – tỉnh Quảng Ngãi) chép: “Đền Bùi Trấn Công: ở xã Thu Phổ, huyện Chương Nghĩa, thờ Bùi Tá Hán, là công thần thời đầu bản triều”. Còn Trương Quốc Dụng (từng giữ chức Án Sát sứ tại Quảng Ngãi) trong sách Thoái thực ký văn thì gọi là “Quảng Ngãi Đại vương đền”. Năm 1962, khi xây dựng Nhà máy Đường Thu Phổ, đền thờ được dời vào Rừng Lăng, nay thuộc phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi.

Đền thờ khang trang, bề thế, chính điện có đặt pho tượng Bùi Tá Hán, dáng vóc phương phi, đỉnh đạc. Văn bia tại đền thờ (lập năm Duy Tân thứ 7-1913) và sách Quảng Ngãi tỉnh chí (Tuần vũ Nguyễn Bá Trác chủ trương biên soạn -1933) cho biết: Trong một dịp Bùi Tá Hán đi vào đất Phú Yên, có nhà sư gặp ông, nhìn thấy phong độ khác thường, tỏ lòng quý mến, bèn đẽo gỗ tạc tượng chân dung ông và viên tướng theo hầu, đặt lên ngai thờ trong một ngôi chùa trong núi.

Bức liễn với 4 chữ “Giang Sơn hộ trì” do Tuần vũ Nguyễn Tiến Hối và Án sát Phạm Liệu tiến cúng năm 1916.
Bức liễn với 4 chữ “Giang Sơn hộ trì” do Tuần vũ Nguyễn Tiến Hối và Án sát Phạm Liệu tiến cúng năm 1916.


Về sau, đến đời vua Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786), quan Đô ty họ Nguyễn, vốn người làng làng Hòa Vinh (Quảng Ngãi), nhìn thấy bức tượng, hỏi rõ duyên do, rồi báo cho các quan phủ Quảng Ngãi xin phép nhà chùa thỉnh 2 pho tượng về quê, sau đó tư sức dòng tộc Bùi và dân làng Thu Phổ rước về thờ. Xích Y thị (Người áo đỏ) là một bộ tướng của Bùi Tá Hán. Dựa vào trang phục và vóc dáng pho tượng các nhà nghiên cứu cho rằng ngài Xích Y là một người thiểu số.

Đền thờ Bùi Tá Hán còn lưu giữ 24 sắc phong của các đời vua nhà Tây Sơn (Cảnh Thịnh) và nhà Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định), trong đó có 9 sắc phong cho ông, 7 sắc phong cho Xích Y thị, 8 sắc phong cho Bùi Tá Thế - con trai Bùi Tá Hán, danh tướng triều Lê.

Một số người trong tộc họ Bùi còn cho biết, trước đây nhà thờ còn lưu giữ một sắc phong đời Gia Long, nhưng đã bị thất lạc. Ngoài ra còn có nhiều liễn đối phúng điếu và thơ ngợi ca công đức Bùi Trấn công của các quan lại đầu tỉnh cùng các bậc túc nho như Hiệp Đức hầu Lưu Đình Luyện, Tiến sỹ - Án sát sứ Quảng Ngãi Trương Quốc Dụng, Tuần vũ Quảng Ngãi Huỳnh Côn, Tuần vũ Quảng Ngãi Lê Từ...

Tài liệu khảo cứu cho biết, Bùi Tá Hán còn được thờ phụng ở nhiều nơi trong tỉnh như đình An Hải (Lý Sơn), chùa Tam Thanh (Mộ Đức); điện Trường Bà (Trà Bồng), đền Ông Bùi (Sơn Hà)... Ngoài tỉnh, dọc theo vùng đất từ phía nam đèo Hải Vân trở vào có nhiều đền miếu phối thờ Trấn Quận công như đền Tam Thanh (Điện Bàn, Quảng Nam), đình Nam Chơn (TP Hồ Chí Minh)...

Đến nay, ở nhiều vùng miền tây Quảng Nam, Quảng Ngãi trong các dịp cúng tế các vị bô lão vẫn thường cung thỉnh Bùi Tá Hán (với danh vị tôn xưng là ông Trấn Bắc) liền sau thần Nông và thần Tắc (thần Lúa).


Từ Bùi Tá Hán, dòng họ Bùi truyền đời lập nghiệp tại Quảng Ngãi, có nhiều người thành danh, lưu tên trong sử sách (như Tứ Dương hầu Bùi Tá Thế, Thu Giang Bùi Phụ Phong...), nổi tiếng là một dòng tộc thượng võ.

Bùi Tá Hán sinh quán ở châu Hoan (Nghệ An) nhưng có công lớn với vùng đất Quảng Ngãi, là thủy tổ của tộc Bùi ở đây, nên Quốc sử quán triều Nguyễn xem ông là danh nhân tỉnh Quảng Ngãi và ca ngợi sự nghiệp cai quản “chú trọng ban ơn huệ, khoan hòa với quân dân, trăm họ yêu mến”.

Sơn phòng tiểu phủ sứ Nguyễn Tấn khi viết tập sách nổi tiếng “Phủ Man tạp lục” đã đặt Bùi Tá Hán ở vị trí đầu tiên trong số những nhân vật góp công lớn vào sự nghiệp kinh dinh vùng đất phía tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Di tích mộ và đền thờ Bùi Tá Hán được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, tại Quyết định số 168 – VH/QĐ ngày 2/3/1990.


                                                        Quảng Ngãi, 21/6/2012
                                                              Lê Hồng Khánh



Đón đọc kỳ tới: Di tích chiến thắng Ba Gia


 


CÁC TIN KHÁC
.