TRẦN ĐĂNG
(QNĐT) - Đảo Lý Sơn với những đặc thù của nó, đã là nơi trầm tích những tầng văn hóa của nhiều thế hệ cư dân cổ xưa. Các di tích văn hóa và lịch sử hiện vẫn còn tồn tại khá nhiều trên hòn đảo này, trong đó có một giếng nước, mang đậm dấu ấn của truyền kỳ. Đó là giếng Vua.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lý Sơn là hòn đảo xinh đẹp thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 30km về phía đông bắc. Vào mùa hè, hầu như tất cả các giếng nước trên hòn đảo này đều cạn nước hoặc bị nhiễm mặn. Thế nhưng, có một giếng nước ở đây chưa bao giờ cạn, cũng không bị nhiễm mặn, kể cả những năm đỉnh hạn, dù giếng này chỉ nằm cách mép nước biển chừng vài ba mét. Dân Lý Sơn gọi giếng nước này là “giếng Gia Long”, cũng có người gọi đó là “giếng Vua”.
Giếng Vua ở Lý Sơn. Ảnh : T.Đ |
Đi theo đường cảng cá đảo Lý Sơn xuôi về UBND huyện, qua Bệnh viện Lý Sơn một quãng chừng vài trăm mét, rẽ trái men theo những luống ngô xanh mướt, ra sát mép biển thì sẽ gặp giếng nước này.
Tương truyền, khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, ông chạy dạt ra Lý Sơn. Đang mùa nắng hạn, lương thảo và nguồn nước ngọt bị cạn kiệt, ông cho quân sĩ đào giếng khắp đảo nhưng không có nước. Trong lúc sinh mệnh của Nguyễn Ánh và quân sĩ như ngàn cân treo sợi tóc thì đêm đó ông nằm mộng, thấy có người mách cho nơi đào giếng. Đúng như điềm báo, ông sai người đến đúng vị trí mà kẻ khuất mặt đã mách bảo, chỉ đào sâu chừng hơn một mét là đã thấy nước ngọt.
Theo lịch sử để lại thì giả thiết trên không đúng, vì rằng những năm Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, ông chưa bao giờ có mặt tại mảnh đất miền Trung. Vì vậy, sẽ không có chuyện Nguyễn Ánh cùng quân sĩ của mình trôi giạt ra Lý Sơn để đào giếng nước này. Có lẽ vì sự nhiệm màu của giếng nước này mà người dân đã gán cho vua chăng?
Có điều này thì đúng: Đây là giếng nước của người Chăm-cư dân cổ xưa có mặt trên đảo Lý Sơn. Dọc miền Trung, nhiều ngôi làng ven biển vẫn thường xuất hiện những “giếng Vua” như thế. Đặc điểm của các giếng nước này là nằm gần biển, được xây bằng loại đá ong hoặc gạch Chăm cổ.
Người Chăm rất giỏi phong thuỷ nên việc chọn nơi đào giếng để tìm nguồn nước ngọt giữa tứ bề nước mặn là việc hiển nhiên. Cũng theo mô tip “giếng vua” này, ở làng Thanh Thủy, thuộc xã Bình Hải huyện Bình Sơn ngày nay, cũng có một giếng nước mang tên “giếng Vua”. Đây cũng là nước giếng ngọt hiếm hoi còn lại của làng mỗi mùa nắng hạn.
Trở lại với “giếng Vua” ở Lý Sơn. Từ nhiều năm nay, cứ vào mùa nắng hạn, khi tất cả các giếng nước trên đảo hoặc bị cạn kiệt nguồn nước hoặc bị nhiễm mặn, chính quyền huyện Lý Sơn chuẩn bị phát tín hiệu cấp cứu, nhờ đất liền chuyển nước ngọt ra đảo thì “giếng Vua” vẫn dồi dào nguồn nước.
Hàng trăm gia đình ở đảo vẫn rồng rắn xếp hàng để lấy nước ngọt từ giếng nước này nhưng giếng vẫn không cạn. Thật khó tin rằng, một giếng nước chỉ cách biển chừng vài ba sải tay, những tưởng nước mặn sẽ dễ dàng tràn vào, song nước trong giếng ấy thì vẫn cứ trong xanh, vẫn cứ ngọt ngào như không hề biết bên mình có một đại dương luôn chực chờ xâm lấn.
Cùng với tháp Chăm và nhiều công trình văn hóa khác, nghệ thuật chọn vị trí đất để đào giếng và xây thành chống xâm nhập mặn cũng là một bí ẩn nữa của người Chăm cổ.
Trong xu hướng ngày càng sa mạc hóa ở hòn đảo này thì sự tồn tại của “giếng Vua” như chiếc “phao cứu sinh” cho hàng ngàn người dân trên đảo Lý Sơn mỗi mùa khô hạn.