Lý Sơn: Điểm đến hấp dẫn của du khách

02:05, 30/05/2010
.

(QNg) - Lý Sơn như viên ngọc quý nổi giữa lòng biển xanh. Bởi nơi đây qua những lần khai quật của ngành khảo cổ đã phát hiện nền văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa  xưa, với nhiều hiện vật, cùng dinh bà Thiên -Y-A-Na. Đặc biệt Lý Sơn là nơi hội tụ cả một kho tàng về Hoàng Sa đang hứa hẹn một điểm đến đầy hấp dẫn cho du khách cả nước. 
 
TIN LIÊN QUAN


Tháng 5, biển êm. Từ TP.Quảng Ngãi đến cầu cảng Sa Kỳ chừng 20km. Đúng 8 giờ sáng, du khách có thể bước lên tàu cao tốc, vượt qua 18 hải lý ra đảo Lý Sơn chừng 50 - 60 phút. Từ xa du khách sẽ thấy đảo chập chùng giữa biển khơi. Ở đó có những ngôi nhà rường cổ kính. Bước chân lên cầu cảng là thấy cổng chào ghi dòng chữ  "Huyện đảo Lý Sơn".

Tiềm năng...

Đảo Lý Sơn có diện tích gần 10km2, nhưng mang trên mình gần 100 di tích lịch sử, văn hóa có giá trị ẩn mình quanh những chân núi: Thới Lới, Giếng Tiền, Hòn Vung, Hòn Sỏi, Hòn Tai. Từ những hòn núi này đã cho dân Lý Sơn một nguồn đất sét (đỏ) để hòa trộn cùng với lớp đất cát có lẫn vỏ sò, ốc, để trồng tỏi, hành có mùi thơm đặc trưng, để lại dấu ấn khó quên trong lòng bao khách thập phương.

Đi sâu vào bên trong đảo, cứ rẽ mỗi con đường, mỗi xóm thôn nơi đất đảo du khách chứng kiến bao điều kỳ thú, với hàng loạt ngôi nhà rường cổ nằm nép mình dưới rặng dừa xanh. Du khách sẽ đi thăm quần thể khu mộ gió (mộ chiêu hồn) của cai đội thủy quân Phạm Hữu Nhật,  Phạm Quang Ảnh - chỉ huy của đội Hoàng Sa được hình thành từ Triều Nguyễn để đi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.

Khi băng qua những ruộng bắp, ruộng tỏi, đi về phía tây đảo là gặp những đình làng, nhà thờ các tộc họ Phạm, Võ, Nguyễn, Trương, Trần, Lê... có công khai phá đất Lý Sơn. Trở về phía đông đảo có Đình An Vĩnh - nơi tế lễ trước khi đội Hoàng Sa lên đường nhận nhiệm vụ... Ở Lý Sơn còn có nhiều đình, chùa miếu có những đồ thờ, những bức hoành phi câu đối cổ. Trong số các di tích này có 3 di tích được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia (đình làng An Hải, Chùa Hang, Âm Linh Tự và mộ lính Hoàng Sa).

Chùa Hang còn có tên Thiên Khổng Thạch Tự (hang đá trời xây) nằm ẩn sâu bên trong lòng núi Thới Lới, về hướng đông. Rời khỏi Chùa Hang với thiên nhiên hoang sơ, du khách đến đình làng An Hải - nơi cúng âm linh nơi biển cả trước khi ngư dân ra khơi, du khách sẽ thưởng thức một kiến trúc văn hóa xây dựng từ thời vua Gia Long (1780). Tuy đã được tôn tạo nhiều lần, nhưng đình làng An Hải vẫn còn giữ nguyên nét cổ kính.

Cùng với các di tích cấp Quốc gia, Lý Sơn còn có dinh bà Thiên Y -A- NA, dinh Tam Tòa, nhà thờ cai đội lính Hoàng Sa - Trường Sa Phạm Quang Ảnh; miếu thờ cai đội Võ Văn Khiết...  đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa hàng năm được tổ chức ở Lý Sơn là điểm nhấn thu hút khách tham quan du lịch.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa hàng năm được tổ chức ở Lý Sơn là điểm nhấn thu hút khách tham quan du lịch.

Qua kiến trúc xây dựng dinh thờ, các hiện vật bằng đá, gốm sứ được khai quật ở Suối Chình, xóm Ốc có giá trị về văn hóa Chăm, Đại Việt... Đặc biệt những tờ sớ - tài liệu, những hiện vật có liên quan đến đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa được trưng bày ở Nhà trưng bày đội Hoàng Sa Bắc Hải là minh chứng rõ ràng về chủ quyền lãnh thổ của đất nước ta ở biển Đông.

Khi tham quan các di tích, danh thắng của Lý Sơn, khi chiều xuống, du khách tha hồ bơi trong dòng nước mát trong lành quanh đảo mà quên những mệt nhọc. Rồi trở về "Khu nghỉ mát Hoàng Sa" phía đông của đảo, để  thưởng thức những món đặc sản của đảo này như: Ốc xà cừ, gỏi tỏi được chế biến bằng thân cây và củ tỏi non, có rắc đậu phụng và trộn tôm biển.

 Níu chân du khách

 Hàng năm ở Lý Sơn tổ chức nhiều lễ hội độc đáo, như: Lễ hội đua thuyền, lễ hội động thổ tại đình làng, lễ hội cầu ngư, hát bộ. Đặc biệt là lễ tế vong linh binh sĩ Hoàng Sa và Trường Sa  (gọi là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa).  Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Thông qua Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vừa qua, Sở đã có công văn đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cho phép năm 2012 tỉnh sẽ tổ chức Festival biển đảo Việt Nam và lấy Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa làm hạt nhân. Hiện nay huyện Lý Sơn lên kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng, tôn tạo phục dựng những di tích lịch sử để chuẩn bị cho Festival biển đảo.

Ông Võ Xuân Huyện - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết: "Trước mắt là hướng đến Festival biển đảo VN. Nhưng dù có Festival biển đảo hay không thì với những ưu thế về du lịch của địa phương chúng tôi sẽ phối hợp với ngành chức năng để tuyên truyền về du lịch nơi đất đảo. Thực ra những năm gần đây, du khách về huyện Lý Sơn càng nhiều. Tuy vậy cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Chúng tôi đang tích cực cải thiện vấn đề này.

Ngoài các nhà hàng hiện có, huyện sẽ có chính sách kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng các nhà hàng khách sạn, khuyến khích người dân đóng tàu cao tốc. Đến nay tuyến Lý Sơn - Sa Kỳ và ngược lại đã có 3 tàu cao tốc (trong đó có 1 tàu nhà nước, 2 tàu của người dân đầu tư), đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và khách tham quan, rút ngắn khoảng cách giữa đảo Lý Sơn và đất liền.

Với những tiềm năng hiện có và nếu chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức tuyên truyền quảng bá thì Lý Sơn đang hứa hẹn là điểm đến du lịch đầy hấp dẫn.

MH

CÁC TIN KHÁC
.