(Báo Quảng Ngãi)- Bạo lực gia đình (BLGĐ) đã và đang là vấn nạn của xã hội, vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm, tính mạng của mỗi cá nhân, để lại nhiều hệ lụy, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Chính vì vậy, để xóa bỏ BLGĐ, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành và toàn xã hội.
Hội thi CLB, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình. Ảnh: PV |
Theo thống kê của Sở VH-TT&Du lịch, từ năm 2014 - 2019 trên địa bàn tỉnh xảy ra 4.267 vụ BLGĐ. Riêng năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 658 vụ BLGĐ. Nạn nhân bị BLGĐ chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già; đối tượng gây BLGĐ chủ yếu là nam giới. |
Trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã chú trọng đến việc ngăn ngừa và hạn chế tình trạng BLGĐ diễn ra trên địa bàn tỉnh. Các cấp hội chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về vai trò của gia đình trong phát triển kinh tế - xã hội, kiến thức về phòng, chống BLGĐ; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc... Đến nay, các cấp hội đã thành lập được 549 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để trợ giúp, hỗ trợ kịp thời cho phụ nữ, trẻ em.
Bên cạnh đó, hội cũng đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nhằm hạn chế tình trạng BLGĐ.
Để công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ đạt hiệu quả, các cấp hội phụ nữ sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, tạo điều kiện cho phụ nữ có thời gian học tập, tham gia các hoạt động xã hội, có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe để vừa thực hiện tốt vai trò trong gia đình, vừa đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội, từng bước nâng cao vị thế của người phụ nữ. Chị em cũng cần mạnh dạn, kịp thời thông tin, phản ánh những biểu hiện BLGĐ đến chính quyền địa phương, hội cơ sở để có biện pháp hỗ trợ.
Một trong những nguyên nhân gây BLGĐ là do nhận thức pháp luật còn hạn chế. Để nâng cao hiểu biết pháp luật, đưa các quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân, gia đình đi vào cuộc sống, góp phần hạn chế tình trạng BLGĐ, Sở Tư pháp đã xây dựng và duy trì tổ chức sinh hoạt cho 24 CLB, trong đó có 16 CLB “Thanh niên với pháp luật”, 7 CLB “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm” và 1 CLB “Phụ nữ với pháp luật”; phổ biến, tuyên truyền các quy định phù hợp từng đối tượng và địa bàn với nội dung liên quan đến hôn nhân và gia đình, phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới...
Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tư vấn, phổ biến pháp luật ở các địa bàn, phát huy hiệu quả Đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm vi phạm pháp luật” giai đoạn 2017 - 2021 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng hỗ trợ, nâng cao hiểu biết pháp luật cho đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa để giảm các tệ nạn, vi phạm pháp luật liên quan đến hôn nhân, gia đình. Đồng thời, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở; xây dựng thực hiện hương ước, quy ước; hướng dẫn đẩy mạnh việc xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh...
Để phòng, chống BLGĐ, thời gian qua, ngành văn hóa đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương tổ chức nhiều hoạt động gắn với công tác gia đình, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Sở hướng dẫn các địa phương xây dựng và phát triển các mô hình, các câu lạc bộ (CLB) "Xây dựng gia đình hạnh phúc"; CLB, nhóm phòng, chống BLGĐ tại các xã, phường. Qua đó đã chủ động nắm bắt thông tin và kịp thời phối hợp với tổ hòa giải can thiệp, hỗ trợ tư vấn kịp thời các nạn nhân bị BLGĐ.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tình trạng BLGĐ có chiều hướng giảm, nhưng chưa bền vững. Vẫn còn nhiều vụ BLGĐ, nhưng nạn nhân không khai báo, nhất là các vụ bạo lực về tinh thần. Để phát huy hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ, trong thời gian đến cần tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong thực hiện phòng, chống BLGĐ và bình đẳng giới; tiếp tục nhân rộng các mô hình CLB, nhóm phòng, chống BLGÐ. Đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh; trong đó đưa tiêu chí không có BLGĐ, không lạm dụng rượu bia, không có tệ nạn cờ bạc, ma tuý để công nhận gia đình văn hóa.
Một gia đình hạnh phúc phải đảm bảo các yếu tố yêu thương, tôn trọng và chia sẻ. Tuy nhiên, trong đời sống xã hội hiện đại, nhiều gia đình vẫn thiếu một trong những yếu tố này, khiến hạnh phúc gia đình lung lay. Trong đó, tình trạng BLGĐ là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ly hôn ngày một gia tăng trong giới trẻ. Để hạn chế tình trạng này, vấn đề giáo dục bình đẳng giới phải được thực hiện ngay từ trong gia đình, nhà trường và xã hội. Phải nâng cao nhận thức của cả hai giới về quyền và nghĩa vụ của họ trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình.
Việc phòng chống BLGĐ đòi hỏi phải có thời gian, mà điều tiên quyết là phải nâng cao dân trí, tích cực tuyên truyền đi đôi với việc thực hiện bình đẳng giới, thi hành luật và các chế tài nghiêm minh.
Chị Đinh Thị Thâm, ở thôn làng Bùng, xã Sơn Giang (Sơn Hà): "Phụ nữ miền núi còn nhiều thiệt thòi"
Ở khu vực miền núi, tình trạng BLGĐ, vi phạm Luật Hôn nhân gia đình vẫn thường xảy ra. Để hạn chế tình trạng BLGĐ ở địa bàn miền núi, các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được triển khai thường xuyên và phù hợp với từng địa bàn. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư phát triển giáo dục, để nâng cao trình độ hiểu biết, nâng cao dân trí, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống no ấm, tiến bộ.
Năm 2018, xã xây dựng CLB “Gia đình phát triển bền vững” tại địa bàn thôn Chú Tượng. Thành viên CLB gồm nông dân, phụ nữ, thanh niên, mặt trận thôn... Câu lạc bộ duy trì sinh hoạt định kỳ nhằm tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình; Phòng, chống BLGĐ, bảo vệ và chăm sóc trẻ em...
Qua đó, nâng cao nhận thức trong cộng đồng, nhất là phụ nữ. Xã đã xây dựng một số "địa chỉ tin cậy" hỗ trợ cộng đồng tại địa bàn các thôn. Nhờ đó, trong những năm gần đây, không có vụ BLGĐ phức tạp xảy ra trên địa bàn, một vài vụ xích mích nhỏ được hỗ trợ tư vấn hòa giải kịp thời. Đây là nền tảng để xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc ở địa phương.
KIM NGÂN
(thực hiện)