Chế độ phụ cấp đối với lãnh đạo các hội đặc thù: Cần sớm giải quyết vướng mắc

10:07, 09/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, việc thực hiện chế độ phụ cấp đối với lãnh đạo chuyên trách tại các hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh đang gặp một số vướng mắc, thiếu sự đồng bộ giữa các địa phương trong triển khai thực hiện quy định của Nhà nước. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của các cơ sở hội.
Cán bộ các hội đặc thù huyện Sơn Tịnh trao đổi, kiến nghị liên quan đến chế độ phụ cấp cho cán bộ hội cơ sở. Ảnh: ĐĂNG SƯƠNG
Cán bộ các hội đặc thù huyện Sơn Tịnh trao đổi, kiến nghị liên quan đến chế độ phụ cấp cho cán bộ hội cơ sở. Ảnh: ĐĂNG SƯƠNG
Vướng mắc liên quan chế độ phụ cấp đối với lãnh đạo các hội đặc thù cấp tỉnh, huyện hiện đã được giải quyết thỏa đáng. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn lãnh đạo các hội đặc thù ở cấp xã không được nhận phụ cấp (chỉ những người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách mới có phụ cấp-PV). Vậy đâu là nguyên nhân và hướng giải quyết bất cập này như thế nào?
 
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Ánh Lan: “Sẽ tham mưu UBND tỉnh có hướng giải quyết thỏa đáng”
 
Tỉnh ta hiện có 13 hội đặc thù. Trên cơ sở Quyết định 30 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội, tỉnh đã cụ thể hóa và có quy định về mức hỗ trợ, phụ cấp. Tuy nhiên, trong Quyết định 30 quy định, đối tượng là cán bộ chủ chốt các hội đặc thù, nhưng là những người đã nghỉ hưu giữ chức danh chủ chốt. Ngoài Quyết định 30 của Thủ tướng Chính phủ, không có văn bản nào quy định khác. Mà những vấn đề liên quan về phụ cấp mang tính chất như lương, quy định phải từ trung ương, chứ tỉnh không thể tự đặt thêm cơ chế, chính sách.
 
Mới đây, đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ về làm việc với tỉnh, Sở Nội vụ cũng đã kiến nghị về bất cập này. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, kiến nghị về bất cập trong chi trả phụ cấp cho đối tượng không phải là người nghỉ hưu, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản trình Bộ Nội vụ, để có trả lời cụ thể bằng văn bản. Tỉnh cũng thấy rõ bất cập, cùng làm nhiệm vụ như nhau, nhưng những người hưu trí thì được chi trả phụ cấp, người không là hưu trí thì không được. Tỉnh đang chờ văn bản trả lời của Bộ Nội vụ, sau đó sẽ thông tin, trao đổi với lãnh đạo ở các hội đặc thù. Nếu Bộ Nội vụ trả lời không được, Sở Nội vụ sẽ cùng các cấp thẩm quyền liên quan tìm cách tham mưu cho tỉnh hướng giải quyết thỏa đáng, vừa đúng quy định, vừa đảm bảo quyền lợi cho cán bộ lãnh đạo ở các hội.  
 
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phạm Thanh Hải: “Đừng để ảnh hưởng đến hoạt động hội”
 
Khi Kiểm toán Nhà nước khu vực III về làm việc với một số địa phương và kết luận ngân sách địa phương hỗ trợ hay cấp cho các hội đặc thù hoạt động, kể cả phụ cấp và kinh phí là không đúng theo Luật Ngân sách, từ đó mới xảy ra sự việc nhiều địa phương trong năm 2019 không cấp kinh phí cho các hội đặc thù, trong đó có hội khuyến học. Sau khi có kiến nghị của các hội đặc thù ở tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết luận từ năm 2020 trở đi, Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí đối với những hoạt động của hội có tính chất đặc thù gắn với nhiệm vụ do Nhà nước giao hoặc đặt hàng; tiếp tục thực hiện phụ cấp đối với những người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách ở các hội. Tỉnh Hội đã hướng dẫn các cấp hội, xây dựng chương trình hoạt động trình đơn vị thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để được cấp kinh phí hoạt động. 
 
Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là chế độ phụ cấp cho lãnh đạo hội cấp xã, có huyện thực hiện, có huyện không, vì cho rằng văn bản nêu “thực hiện chế độ phụ cấp lãnh đạo đối với người đã nghỉ hưu”. Trong khi đó, phần lớn cán bộ lãnh đạo chuyên trách ở cấp xã không phải là cán bộ hưu, công việc không kém phần vất vả. Một số hội như hội tù yêu nước, hội người mù thì lấy đâu ra cán bộ hưu. Do đó, tỉnh cần phải nhanh chóng giải quyết vấn đề này, để tạo sự thống nhất, công bằng, giúp các hội củng cố lại tổ chức, động viên tinh thần làm việc của cán bộ hội cơ sở.
        
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Sơn Tịnh Nguyễn Thanh Sự: “Mong có câu trả lời thỏa đáng”
 
Từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều lãnh đạo hội cơ sở cấp xã không phải hưu trí, không được nhận chế độ phụ cấp hằng tháng. Điều này làm ảnh hưởng đến các hoạt động của hội. Đồng thời, cuối năm 2019, chúng tôi cũng đã xây dựng phương hướng nhiệm vụ hoạt động mới trong năm 2020, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa nhận được kinh phí hỗ trợ hoạt động. 
 
Vừa qua, 10 hội đặc thù trên địa bàn huyện đã họp đề xuất, kiến nghị việc cấp kinh phí hoạt động và chi trả phụ cấp cho các hội ở cơ sở. Chúng tôi mong rằng, các cấp ngành liên quan sớm có câu trả lời thỏa đáng, tìm hướng giải quyết phù hợp, sắp xếp bố trí kiêm nhiệm các chức danh để hội đặc thù hoạt động thuận lợi hơn.
 
Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Trà Bồng Đỗ Thị Nga: “Xây dựng nhiệm vụ theo đặt hàng của Nhà nước để được hỗ trợ, chi trả kinh phí hoạt động”
 
Từ tháng 12.2019, Hội Khuyến học huyện đã xây dựng nhiệm vụ hoạt động năm 2020 căn cứ theo đơn đặt hàng của Nhà nước, sau đó trình đơn vị chức năng thẩm định, xét duyệt bố trí kinh phí. Đến tháng 2.2020, UBND huyện cấp kinh phí hoạt động cho hội 170 triệu đồng/năm; trong đó có chi trả chế độ phụ cấp đối với lãnh đạo thường trực số tiền 91 triệu đồng, hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên 30 triệu đồng, kinh phí đại hội 25 triệu đồng... 
 
Đối với lãnh đạo hội ở cấp xã, hiện có 11/16 xã thực hiện việc kiêm nhiệm hai chức danh như Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học xã... góp phần tinh gọn bộ máy, gắn liền các hoạt động của hội với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Nhà nước, tăng cường hiệu quả hoạt động của hội khuyến học.
 
Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Tư Nghĩa Nguyễn Văn Ba: “Tạm thời sử dụng ngân sách năm 2020 để chi trả”
 
Hiện nay, tại huyện Tư Nghĩa phần lớn chủ tịch các hội đặc thù cấp xã không phải là hưu trí; còn lãnh đạo chuyên trách các hội đặc thù cấp huyện đa số là hưu trí. Một số hội như: Hội Người mù, Hội Đông y có lãnh đạo chuyên trách không phải là hưu trí. Theo quy định, lãnh đạo không phải là hưu trí thì không được hỗ trợ chế độ phụ cấp. Do đó, các hội có sự so sánh, làm ảnh hưởng đến hoạt động và quản lý nhà nước về công tác hội. 
 
Thời gian qua, huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn hướng giải quyết vấn đề này, mong tỉnh cùng các sở, ngành liên quan sớm có hướng tháo gỡ vướng mắc. Trước mắt, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tạm thời sử dụng ngân sách nhà nước năm 2020 để tiếp tục hỗ trợ phụ cấp cho các hội có tính chất đặc thù theo Quyết định số 1748 ngày 2.12.2011 của UBND tỉnh.  
 
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) Tôn Long Quyền: “Nên có kinh phí hỗ trợ để động viên cán bộ ở cơ sở”
 
Tôi hiện là công chức văn hóa - xã hội của UBND xã, kiêm nhiệm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin xã từ năm 2018 đến nay. Kiêm nhiệm chức danh, nên hằng tháng được chi trả chế độ phụ cấp là 925.000 đồng. Từ đầu năm đến nay, tôi cũng như các lãnh đạo hội đặc thù ở xã chưa được nhận tiền chế độ phụ cấp; kinh phí hoạt động hội thường xuyên được cấp 2 triệu/năm cũng chưa được hỗ trợ.
 
Tôi luôn đặt tinh thần trách nhiệm lên hàng đầu, khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhưng thiết nghĩ, nên có chế độ phụ cấp để động viên lãnh đạo ở các hội đặc thù cấp xã, dù rằng khoản kinh phí này là không nhiều, chỉ để giải quyết phần nào chi phí xăng xe, tiền điện thoại, nước uống... khi về cơ sở thực hiện nhiệm vụ.
 
 
M.Anh - Đ.Sương 
(thực hiện)
 

.