(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình có quy mô lớn, kỹ thuật cao, thi công trên địa hình phức tạp. Tuy nhiên, việc chấp hành quy định về an toàn lao động (ATLĐ) ở một số công trình vẫn chưa nghiêm túc.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong vòng 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm Quảng Ngãi đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng để xây dựng hàng trăm công trình, dự án, trong đó có nhiều công trình quy mô lớn có tổng vốn hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng; thời gian thi công kéo dài nhiều năm. Đó là chưa kể các công trình do tư nhân đầu tư như nhà xưởng, khách sạn, nhà hàng, nhà ở...
Số lượng doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản hiện có cả nghìn DN. Nhiều công trình xây dựng triển khai thi công cũng đồng nghĩa với số lượng lao động gia tăng, việc kiểm soát chấp hành pháp luật trong lĩnh vực thi công ngày một khó khăn, phức tạp. Số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) trên công trường theo đó cũng gia tăng.
Thi công công trình Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh. Ảnh: T.Nhị |
Theo số liệu từ ngành chức năng của tỉnh, trong 2 năm 2018 và 2019, tình hình tai nạn trong thi công công trình tăng đột biến, bình quân mỗi năm xảy ra 30 vụ. Trong đó, số vụ tai nạn dẫn đến chết người chiếm tỷ lệ cao. Trong 5 tháng đầu năm 2020, đã xảy ra hơn 20 vụ TNLĐ nghiêm trọng, trong đó có 10 người chết. Cá biệt có vụ tai nạn làm chết nhiều người. Điều này cho thấy, tình hình TNLĐ trên địa bàn tỉnh đã và đang ở mức báo động.
Thực tế hiện nay, ở những công trình lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao, thi công ở địa hình phức tạp, thì TNLĐ không nhiều do nhà thầu trang bị khá đầy đủ các trang thiết bị đảm bảo an toàn thi công, đồng thời công nhân xây dựng tại đây có ý thức, kinh nghiệm, chủ động phòng tránh rủi ro cho bản thân. Ngược lại, những công trình tư nhân, xây dựng nhà ở trong dân, tình hình thực hiện an toàn trong thi công còn lỏng lẻo và đã liên tiếp xảy ra tai nạn ở mức độ nặng, nhẹ khác nhau.
Sở Xây dựng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm các chủ đầu tư, nhà thầu thi công vi phạm các quy định về ATLĐ trong thi công xây dựng; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý hoặc đề xuất biện pháp xử lý khi phát hiện các trường hợp vi phạm về đảm bảo ATLĐ trong thi công xây dựng công trình. Theo tôi, trách nhiệm chính trong đảm bảo an toàn thi công công trình thuộc về các nhà thầu.
Trước khi khởi công xây dựng công trình, nhà thầu phải lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch đảm bảo ATLĐ, lập biện pháp thi công chi tiết đối với các hạng mục đặc thù, có nguy cơ mất ATLĐ cao; chỉ đưa các máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ vào sử dụng tại công trường khi đã thực hiện kiểm định đảm bảo an toàn. Đồng thời, hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm, các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường; yêu cầu người lao động sử dụng đúng, đủ các dụng cụ, phương tiện phòng hộ cá nhân trong quá trình làm việc tại công trường. Nghiêm túc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn hệ thống giàn giáo phục vụ thi công xây dựng công trình.
Thời gian qua, rất nhiều vụ TNLĐ xảy ra, thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người lao động. Nhà thầu ít quan tâm bảo vệ an toàn thi công, còn công nhân thì chưa hiểu hết được quyền của mình để yêu cầu đáp ứng các trang thiết bị bảo hộ lao động. Theo quy định, tại công trường, phải lắp đặt các biển cảnh báo an toàn, hướng dẫn kỹ thuật; nội quy an toàn công trường.
Mỗi hạng mục thi công như: Lắp đặt giàn giáo cốt pha, gia công thép, điện, nước đều có quy định về ATLĐ riêng. Ngoài ra, để phòng ngừa mất ATLĐ, toàn bộ khu vực thi công đều phải được quây lưới xung quanh và lưới bảo hiểm rơi, ngã ở mỗi tầng. Đội ngũ cán bộ chỉ huy công trường, chỉ huy trưởng cần được huấn luyện cấp chứng chỉ an toàn, vệ sinh lao động. Người lao động cần nắm vững và yêu cầu doanh nghiệp thực thi ATLĐ. Nếu không đảm bảo an toàn, công nhân có quyền từ chối làm việc.
Thực tế cho thấy, mức độ vi phạm về huấn luyện an toàn vệ sinh lao động của các đơn vị thi công xây dựng ở mức cao, vì đa phần nguồn lao động của ngành xây dựng là thời vụ, ít được đào tạo nghề. Một số nhà thầu thi công xây dựng chưa thật sự quan tâm, hay chủ động thực hiện các quy định, đảm bảo an toàn thi công. Mức phạt xử lý vi phạm trong lĩnh vực này còn thấp, chưa đủ sức răn đe với các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng... Để giảm thiểu, phòng ngừa các vụ TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng, việc trước tiên là phải nâng cao nhận thức của cả DN lẫn người lao động.
Vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác bảo đảm ATLĐ; thường xuyên rà soát, kiểm tra, thanh tra các công trình xây dựng trên địa bàn, kiên quyết đình chỉ thi công, nếu không đảm bảo an toàn trong thi công. Trong thời gian tới, Sở sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định này tại các đơn vị, DN, công trình xây dựng. Những trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm, để răn đe, phòng ngừa chung.
Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn Bùi Tấn Thọ: "An toàn thi công được đặt lên hàng đầu"
Trong quý I/2020, Ban đã tổ chức triển khai lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng được 9 công trình và đôn đốc, nhắc nhở đẩy nhanh tiến độ một số dự án chuyển tiếp. Vấn đề an toàn thi công luôn được Ban quan tâm, đặt lên vị trí số 1 trong thi công công trình. Trong đó, đặc biệt lưu tâm là an toàn thi công công trình dân dụng. Trong quá trình thi công, Ban cử cán bộ thường xuyên theo dõi, giám sát; kịp thời nhắc nhở nhà thầu chấp hành nghiêm túc quy định trong xây dựng. Khi công trình vào giai đoạn thay đổi giải pháp an toàn, thì buộc nhà thầu phải thực hiện, khi nào đảm bảo an toàn mới cho thi công tiếp tục. Chính vì kiểm soát tốt những quy định bắt buộc trong thi công công trình nên đã phòng ngừa được những rủi ro. Đây chính là tiền đề quan trọng để mỗi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng trọn vẹn niềm vui.
Trong 4 năm qua, tôi nhận thầu xây dựng các công trình xây lắp, giao thông, thủy lợi... trên địa bàn tỉnh, với đội nhân công trên 15 người. Nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo ATLĐ, tôi đã chuẩn bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ cho người lao động trong quá trình làm việc như mũ, giày, ủng, kính mắt, dây an toàn... tùy theo tính chất công việc của mỗi người. Tôi suy nghĩ, thực hiện ATLĐ là trách nhiệm chung, nên luôn tạo điều kiện cho công nhân học các lớp bồi dưỡng ATLĐ, huấn luyện các kỹ năng đối với từng công việc. Khi phát hiện nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố gây mất an toàn lao động, tôi đều dừng thi công để có biện pháp khắc phục kịp thời.
T.Nhị - X.Hiếu
(thực hiện)