Quy hoạch nghĩa trang nhân dân: Cần sắp xếp, quản lý chặt chẽ

08:08, 27/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghĩa trang nhân dân (NTND) là một trong những hạ tầng xã hội cần thiết hình thành từ lâu, tuy nhiên phần lớn các nghĩa trang vẫn hoạt động theo tập quán và thói quen chôn cất truyền thống của người dân. Hiện nay, nhiều NTND vẫn chưa đảm bảo cơ sở hạ tầng cũng như khoảng cách vệ sinh an toàn theo quy định. Bên cạnh đó, nhiều nghĩa trang nhỏ lẻ, tự phát, nằm xen kẽ trong các khu dân cư chưa được sắp xếp làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, đời sống người dân và là rào cản phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Nhiều ngôi mộ nằm xen kẽ trong khu dân cư ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, đời sống người dân.
Nhiều ngôi mộ nằm xen kẽ trong khu dân cư ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, đời sống người dân.
Theo quy hoạch, đến năm 2030 tỉnh đầu tư xây mới và nâng cấp, mở rộng 42 NTND tập trung cấp vùng tỉnh, vùng huyện và NTND tập trung cấp huyện phục vụ liên đô thị, liên huyện, liên xã và phục vụ mỗi đô thị; xây dựng mới 6 cơ sở hỏa táng, xây mới 8 nhà tang lễ, nâng cấp, cải tạo 2 nhà tang lễ hiện có.

 

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Công Hoàng: “Tăng cường vận động người dân”

Năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 545 phê duyệt Quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Để đảm bảo xây dựng NTND theo quy hoạch, các địa phương phải rà soát trên địa bàn, nếu không đảm bảo tiêu chuẩn cần đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương.

Đối với những nghĩa trang nhỏ lẻ, tự phát, các địa phương cần quản lý chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng chôn cất mới làm ảnh hưởng đến môi trường. Đối với những ngôi mộ cũ, từng bước di dời về khu vực tập trung theo đúng quy hoạch. Để xóa những điểm nghĩa trang nhỏ lẻ, các huyện, thành phố và các xã cần phải thực hiện theo lộ trình, từng bước theo thứ tự ưu tiên đối với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Với hình thức mai táng truyền thống, trong tương lai sẽ không có quỹ đất để chôn cất. Do đó, cần tuyên truyền, vận động người dân thực hiện theo lộ trình chuyển sang hình thức hỏa táng, nhất là địa bàn trọng điểm như TP.Quảng Ngãi và Lý Sơn, nhằm giảm diện tích đất chôn cất và đảm bảo môi trường sống. Tuy nhiên, ngay cả tại các thành phố lớn trong cả nước để chuyển đổi sang hình thức hỏa táng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc kêu gọi nguồn lực đầu tư xã hội hóa NTND cũng hạn chế. Vì thế, công tác tuyên truyền cần được chú trọng, đồng thời tăng cường thu hút các dự án xã hội hóa đầu tư các NTND.

Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Trần Văn Mẫn: “Phải có quy hoạch chi tiết”

Tình trạng mồ mả xen kẽ trong khu dân cư, rải rác khắp nơi không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, mà còn ảnh hưởng đến thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Hiện nay, nhận thức của chính quyền địa phương và người dân về vấn đề mai táng ngày càng được quan tâm. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nghĩa trang phải xây dựng theo quy hoạch, có quy chế quản lý, sử dụng, tuy nhiên đây mới chỉ là quy hoạch chung, chứ chưa có sự đầu tư, xây dựng, sắp xếp cụ thể.
 
Do đó, để giải quyết vấn đề này cần phải tiến hành quy hoạch chi tiết, sau đó kêu gọi nguồn lực đầu tư hạ tầng, đảm bảo nơi chôn mới có diện tích phù hợp, đúng quy định và đảm bảo khoảng cách với khu dân cư.


Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Trần Thị Hạ Vũ: “Cần quy hoạch nhà tang lễ và công viên nghĩa trang”

Thói quen chôn cất theo truyền thống dẫn đến tình trạng có nhiều ngôi mộ sát nhà dân. Dù từ trước đến nay chưa có con số khảo sát cụ thể về ảnh hưởng đến môi trường, song theo đánh giá, vẫn có những tác động nhất định, nhất là đối với nguồn nước ngầm tại các khu vực có mật độ mồ mả dày đặc.
 
Để đảm bảo môi trường sống, các khu mộ hiện hữu trong khu dân cư phải có kế hoạch di dời. Các địa phương cần xây dựng lộ trình phù hợp với quy hoạch.Đối với việc phát triển đô thị, cần chú trọng đến quy hoạch nhà tang lễ và các công viên nghĩa trang để người dân có hình thức mai táng phù hợp, đảm bảo không gian theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) Nguyễn Văn Bá: “Diện tích NTND xã chỉ còn trống 1ha”

Toàn xã có ba khu NTND tập trung tại thôn Hòa Bình, Hòa Phú, Hòa Tân, với tổng diện tích 80,5ha, đến nay chỉ còn trống 1ha. Xã Nghĩa Hòa hiện có gần 15 nghìn dân.
 
Địa phương đang xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích quy hoạch NTND mới, điều này đòi hỏi kinh phí đầu tư cao. Chúng tôi nghĩ, cần xây dựng khu hỏa táng để khắc phục tình trạng thiếu đất xây dựng NTND.
 
Tuy nhiên, phương án này cũng cần thời gian lâu dài để vận động người dân thay đổi thói quen, tập quán, tín ngưỡng nhằm phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.


Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) Đỗ Hồng Minh: “Tìm giải pháp để người dân có nơi mai táng”

Trước đây, việc chôn cất khá tuỳ tiện, lâu dần hình thành các cụm mồ mả tự phát, rải rác trên địa bàn xã. Theo thời gian, dân số ở xã Nghĩa An phát triển nhanh (hiện có gần 23 nghìn dân), nhu cầu tách hộ ngày càng tăng, nên việc xây dựng nhà ở lấn dần sang vùng có mồ mả. Thậm chí, nhiều hộ sống xen lẫn trong khu vực có mộ.

Thời gian qua, chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu, chấp hành nghiêm túc việc mai táng theo đúng quy định. Tuy nhiên, để vận động người dân quy tập mộ vào nghĩa trang ở xã Nghĩa Kỳ là điều không dễ dàng, nhất là vấn đề kinh phí. Do đó, xã rất mong các cấp, ngành có định hướng, giải pháp tạo điều kiện cho người dân địa phương mai táng theo đúng quy định để đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ sức khoẻ, môi trường sống cho người dân.

Ông Cao Văn Hiếu, thôn Tân An, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi): “Không để phát sinh những ngôi mộ tự phát mới”

Việc người dân tự ý chôn cất mộ mới kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khoẻ. Không chỉ người dân trong xã, mà còn có người dân ở các xã khác đem tới mai táng tại địa phương gây bức xúc cho nhiều người dân sống gần đó.
 
Các ngôi mộ xây mới đủ các hình dáng, kích thước khác nhau, chứ không theo quy hoạch... Tôi mong muốn chính quyền địa phương kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm, tránh phát sinh thêm những ngôi mộ mới, để tạo nếp sống văn minh và mỹ quan vùng biển.

Bà Huỳnh Thị Tuyết Lan, thôn 1, xã Đức Nhuận (Mộ Đức): “Mong được cấp nước sạch”

Hàng chục năm trước, tại núi Điệp chủ yếu là đất làm rẫy, chỉ có vài ngôi mộ chôn rải rác. Sau này, địa phương quy hoạch làm nghĩa trang chung, nên số lượng chôn cất ngày càng nhiều, có ngày từ 5 - 6 mộ chôn cất mới. Mặc dù, số mộ chôn mới đưa lên núi cao, nhưng trong thời gian qua, trong xóm có nhiều người bị bệnh ung thư, nên chúng tôi rất lo khi ở gần nghĩa trang.
 
Vừa qua, gia đình tôi mua máy lọc nước để sử dụng, còn nhiều hộ gia đình xung quanh phải đi chở nước ở nhà người thân cách 3 - 4km về phục vụ ăn uống, còn nước sinh hoạt vẫn sử dụng nước giếng tại chỗ.
 
Người dân rất mong được sử dụng hệ thống nước sạch để giảm bớt những nỗi lo ảnh hưởng đến sức khỏe khi ở gần khu vực nghĩa trang.
 

B.HÒA- Đ.SƯƠNG - T.ÂN  
(thực hiện)


 

 


.