Tăng cường quản lý đất nghĩa trang

10:10, 30/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tình trạng chôn cất người mất tùy tiện, nghĩa trang tự phát ngày càng nhiều đã kéo theo hệ lụy xấu về môi trường, khiến người dân sống xung quanh những khu vực đó hết sức lo ngại.


Mai táng tự phát tràn lan

Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 3.000ha đất nghĩa trang, với 1.079 nghĩa trang. Trong đó, có đến 819 nghĩa trang nhân dân (NTND) tự phát, nhỏ lẻ, chiếm tỷ lệ hơn 75%. Do hình thành từ lâu đời và chưa có quy hoạch, nên có rất nhiều NTND nằm trong khu dân cư, trên diện tích đất nông nghiệp... làm ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân, khiến quy hoạch sử dụng đất của địa phương bị phá vỡ. Điều này còn là rào cản ảnh hưởng tới tiến độ dồn điền đổi thửa, không bảo đảm nếp sống văn minh.

 

Theo Sở Xây dựng, toàn tỉnh hiện có hàng chục nghìn ngôi mộ nằm rải rác tại các cánh đồng, chưa được di dời đưa vào nghĩa trang.
Theo Sở Xây dựng, toàn tỉnh hiện có hàng chục nghìn ngôi mộ nằm rải rác tại các cánh đồng, chưa được di dời đưa vào nghĩa trang.

Tại huyện Mộ Đức, dù diện tích đất nghĩa trang của huyện đứng đầu tỉnh với 794ha, nhưng 100% NTND của huyện đều hình thành tự phát, không theo quy hoạch, nên không có ranh giới rõ ràng, không có tường bao quanh, rãnh thoát nước. Ngay cả nghĩa trang tập trung của thị trấn Mộ Đức, với tổng diện tích lên đến gần 22ha, nhưng cũng chưa có quy hoạch và quản lý, vị trí của các phần mộ không theo trật tự và không có ranh giới xác định nghĩa trang.

Tại huyện Sơn Tịnh, số lượng NTND tại 8 xã khu vực nông thôn của huyện lên đến 98 nghĩa trang. Trong đó, nhiều xã có từ 10 - 20 NTND như xã Tịnh Thọ (20), Tịnh Trà (19) và Tịnh Minh (14)...

Chủ tịch UBND xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) Nguyễn Hải Kiên cho biết: “Toàn xã có 7 nghĩa trang, nhưng chỉ có 2 nghĩa trang được quy hoạch và có ban quản lý nghĩa trang. Các nghĩa trang còn lại hình thành từ lâu đời, do các thôn tự quản lý và vận hành, chưa có quy định cụ thể về kích thước, kiểu dáng mộ...”.

Nghĩa trang nhân dân hình thành tự phát với số lượng lớn, diện tích các mộ có xu hướng gia tăng từ 4-5m2 lên 7-9m2, khiến diện tích đất NTND ngày càng tăng cao, khó kiểm soát, làm thu hẹp không gian sống của người dân, nhất là tại các địa phương ven biển.

Tại huyện đảo Lý Sơn, dù tổng diện tích đất tự nhiên chỉ khoảng 1.039ha, nhưng đất nghĩa trang tại huyện đảo đã chiếm 1,74%. Diện tích đất trung bình của mỗi mộ trên đảo là 6m2, tăng từ 1-3m2 so với trước đây. Theo dự báo, nếu tiếp tục sử dụng hình thức mai táng như hiện nay, thì đến năm 2030, các nghĩa trang trên địa bàn huyện sẽ  “hết chỗ”.

“Thành phố đang gặp khó khăn trong việc xác định địa điểm, quy mô lập quy hoạch nghĩa trang tập trung trên địa bàn, do đa số nhân dân khi lấy ý kiến đều không ủng hộ, chỉ đồng ý xây dựng nghĩa trang cho xã. Vì vậy, để thực hiện được việc xây dựng nghĩa trang tập trung, cần phải có thời gian và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là công tác tuyên truyền, nhằm tạo sự ủng hộ, đồng thuận của người dân”.


Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi
VÕ QUANG

Cần giải pháp căn cơ

Thực trạng người dân chôn cất theo kiểu tự phát đã gây ra nhiều hệ lụy về môi trường và lãng phí quỹ đất, đòi hỏi các địa phương phải siết chặt trong công tác quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác quản lý nghĩa trang trên địa bàn tỉnh vẫn còn lỏng lẻo. Hầu hết các địa phương đều chưa có tổ quản lý khu nghĩa trang, nên việc chôn cất sai nơi quy định vẫn còn diễn ra.

Mặt khác, một số địa phương chưa đầu tư được nghĩa trang tập trung, hoặc nghĩa trang tập trung đã quá tải cũng là nguyên nhân chính khiến người dân chưa thể đưa việc mai táng đi vào nền nếp.

Tại thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn), do không có nghĩa trang tập trung, nên người dân thị trấn hiện đang mai táng tại 3 nghĩa trang: Cỏ Huê (Bình Long), Nổng Chuông (Bình Trung), núi Đạo (Bình Thới). Trong đó, chỉ có nghĩa trang Nổng Chuông là được quy hoạch. Tại khu vực các xã ven biển (TP.Quảng Ngãi), mặc dù là khu vực có dân cư đông đúc, nhưng lại chưa có nghĩa trang tập trung. Trong khi đó, diện tích đất chôn cất tại hầu hết các NTND hiện hữu ở các xã này hiện đã gần hết.

Để giải quyết tình trạng trên, theo quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp mở rộng 42 NTND tập trung, với tổng diện tích 296ha. Đồng thời, sẽ đóng cửa, di dời các nghĩa trang nhỏ lẻ hiện hữu trong đô thị; cải tạo và khai thác sử dụng có hiệu quả quỹ đất nghĩa trang sau khi di dời, đảm bảo vệ sinh môi trường... Nhưng để làm được điều này, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để có sự đồng thuận của người dân.


Bài, ảnh: Ý THU


 


.