Phòng bệnh tay chân miệng

03:05, 26/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bệnh tay chân miệng (TCM) ở trẻ em đang bước vào chu kỳ bùng phát. Hiện thời tiết nắng nóng, học sinh học bán trú đông, dự báo số ca mắc bệnh tiếp tục tăng cao. Do đó, các ngành chức năng đang tích cực phòng ngừa và điều trị bệnh TCM.
 
[links()]
 
Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) hiện có 45 ca mắc bệnh TCM, trong đó có một số trường hợp chuyển biến nặng. Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Nguyễn Mậu Thạch cho hay, so với 2 năm qua, bệnh TCM đang tăng đáng kể. Đây là bệnh do vi rút gây ra, lây nhiễm cao, nên chúng tôi đã bố trí đầy đủ nhân lực, giường bệnh để theo dõi, chăm sóc, điều trị bệnh nhân.
 
Ở các đơn vị y tế địa phương, số ca TCM nhập viện cũng tăng. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Sơn Tịnh Võ Thanh Tân, hiện Khoa Truyền nhiễm có 8 bệnh nhân TCM đang được điều trị. Bệnh nhân nhập viện đều có dấu hiệu sốt, tay chân mẩn đỏ, bọng nước. Trung tâm đã chỉ đạo các trạm y tế xã tăng cường phòng, chống bệnh TCM; đồng thời phối hợp với các trường mẫu giáo, mầm non phòng, chống bệnh TCM kết hợp phòng, chống dịch Covid-19.
 
Bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh khám bệnh cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng.
Bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh khám bệnh cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng.
Vì ở xa đất liền, thiếu thốn cơ sở vật chất, thiết bị y tế, nên TTYT Quân dân y huyện Lý Sơn đã chuẩn bị công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè từ khá sớm. “Toàn huyện có 3 trường mẫu giáo, với 1.000 trẻ đang theo học. Nếu chẳng may để dịch TCM xảy ra, thì khó chăm sóc, điều trị, nên nhiều tháng nay, Trung tâm đã triển khai hướng dẫn tuyên truyền cho người dân cách phòng ngừa bệnh TCM. Từ đầu năm đến nay, ở Lý Sơn chưa ghi nhận trường hợp bệnh TCM nào”, Giám đốc TTYT Quân dân y huyện Lý Sơn Dương Tiến Thuận chia sẻ.
 
Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, toàn tỉnh hiện có 60 ca bệnh TCM, nhưng thực tế con số mắc bệnh TCM còn lớn hơn nhiều. Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phạm Đức Dũng cho biết, thời tiết hiện đang chuyển mùa, khí hậu nắng nóng, sự giao lưu đi lại của người dân tăng cao là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh Covid-19, sởi, cúm, TCM, tiêu chảy do vi rút... Trung tâm đã chỉ đạo các cơ sở y tế tham mưu cho chính quyền địa phương vận động người dân đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch, đúng mũi tiêm, thực hiện tốt vệ sinh môi trường, cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch, ăn chín, uống sôi... Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện vật tư hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đảm bảo xử lý các tình huống dịch bệnh xảy ra...
 
“Khi trẻ có dấu hiệu bất thường về bệnh TCM, người nhà cần đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế gần nhất. Nếu có chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho phép chăm sóc trẻ tại nhà, thì cần lưu ý cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu, không kiêng khem quá mức. Hạ sốt cho trẻ bằng cách lau mát bằng nước ấm 30 phút 1 lần; dùng thuốc hạ nhiệt Paracetamol đơn chất, liều dùng cần theo chỉ định của bác sĩ. Khi chăm sóc trẻ tránh làm vỡ mụn nước...”, bác sĩ Nguyễn Mậu Thạch khuyến cáo.
 
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 

.