(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian gần đây, những quảng cáo về các loại thuốc gắn mác “gia truyền” xuất hiện tràn lan trên các trang mạng xã hội (MXH) như Facebook, Zalo... Điều đáng nói là, nhiều người dù không có bất cứ bằng cấp, chứng chỉ nào liên quan đến ngành dược, nhưng vẫn ngang nhiên kinh doanh thuốc và không ngừng tìm kiếm, mở rộng mạng lưới theo hình thức đa cấp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật dược 2016 đã quy định cụ thể, người bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc gia truyền phải có bằng cấp, chứng nhận chuyên môn phù hợp. Địa điểm bán phải cố định, riêng biệt và có khu vực bảo quản, trang thiết bị bảo quản phù hợp với yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn. Thế nhưng, nhiều loại dược liệu, thuốc đông y không rõ nguồn gốc xuất xứ lại đang được rao bán tràn lan trên MXH, với những lời quảng cáo nghe rất “bùi tai”.
Thuốc gắn mác "gia truyền" trị được nhiều chứng bệnh nan y được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. |
Tại trang Facebook “Chợ tốt Quảng Ngãi”, một trang bán hàng thu hút sự quan tâm của 168 nghìn thành viên, chỉ cần gõ dòng chữ “thuốc gia truyền” vào mục tìm kiếm là ra hàng loạt bài quảng cáo liên quan đến những loại dược liệu, thuốc gia truyền có công dụng chữa khỏi nhiều căn bệnh như đau răng, viêm xoang, viên mũi dị ứng, viêm da cơ địa... cho đến những căn bệnh khó trị như thấp khớp, vô sinh...
Hầu hết các loại thuốc gia truyền này được gói trong túi ni lông, hoặc trong bình nhựa kèm tên thuốc, địa chỉ, số điện thoại người bán mà không có thành phần, định lượng rõ ràng. Có loại thuốc, dù chỉ gồm vài túi ni lông chứa một loại bột màu nâu không có nhãn mác, địa chỉ sản xuất, nhưng lại được người bán quảng cáo với nhiều công năng kỳ diệu như: Phục hồi cho bệnh nhân tai biến bại liệt, miệng méo, tay chân co quắp và tràn dịch khớp, thoát vị đĩa đệm...
Nhiều trường hợp, dù quảng cáo, rao bán trên MXH về các loại thuốc liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dùng, nhưng chính bản thân người bán lại không hề có kiến thức về dược, không cung cấp được bằng cấp, chứng nhận chuyên môn phù hợp. Nhiều người còn cho rằng, thuốc là một mặt hàng kinh doanh, mua bán tương tự thực phẩm, trang phục... nên đã tích cực tuyển thêm đại lý, cộng tác viên bán hàng theo hình thức đa cấp để phát triển mạng lưới, tăng thêm thu nhập.
“Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, vì không xin được việc làm, tôi lựa chọn làm đại lý phân phối cho cơ sở chuyên sản xuất thuốc gia truyền T.K.H. Điều kiện để được làm đại lý cấp 1 tại Quảng Ngãi là phải nhập đơn hàng đầu tiên trị giá 50 triệu đồng, chứ chủ cơ sở không yêu cầu về chứng chỉ hay bằng cấp liên quan đến kinh doanh dược liệu. Sau khi gom góp, vay mượn đủ tiền để nhập hàng, tôi quảng cáo và rao bán các sản phẩm trị mụn, trị viêm da, viêm mũi dị ứng, giãn tĩnh mạch... theo hướng dẫn của chủ cơ sở, chứ bản thân không tham gia sản xuất, không có chuyên môn, nên không xác định được thành phần có trong từng loại thuốc”, chị Q.T.V (Bình Sơn) cho hay.
Để ngăn chặn tình trạng kinh doanh “thuốc gia truyền” trên MXH mà không có giấy phép, ngành chức năng cần rà soát, kiểm tra và có những biện pháp ngăn chặn, xử lý. Trong đó, có thể tính đến giải pháp xử phạt thật nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN