(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện lời dạy của Bác "Lương y phải như từ mẫu", nhiều thầy thuốc đã và đang ngày đêm tận tình chăm sóc, cứu chữa người bệnh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
3 thế hệ làm thầy thuốc
Hằng năm, cứ đến Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2), gia đình 3 thế hệ đều làm nghề y của ông Nguyễn Công Cương (84 tuổi), ở xã Bình Trị (Bình Sơn) ngồi lại bên nhau ôn lại chuyện nghề và răn dạy con cháu giữ gìn y đức. Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Cương làm y sĩ ở Bệnh xá Trà Bồng.
Vượt qua muôn vàn gian khổ, ông cùng với đồng đội hết lòng cứu chữa thương, bệnh binh. Khi quê hương được giải phóng, với thương tật 2/4, ông Cương vẫn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp y tế. Nhiều năm là Đội trưởng Đội vệ sinh phòng dịch huyện Bình Sơn, ông đã có nhiều đóng góp trong công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương.
Anh Nguyễn Công Cảnh kiểm tra huyết áp cho cụ Nguyễn Văn Huy ở xã Bình Trị già yếu không đi lại được. |
Noi gương cha, anh Nguyễn Công Cảnh ra sức học tập, quyết tâm theo nghề y. Anh Cảnh hiện là Trưởng Trạm Y tế xã Bình Trị. Hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp y tế địa phương, anh Cảnh luôn được người dân yêu mến. Ở địa phương, có những người bệnh già yếu, đi lại khó khăn, đích thân anh đến nhà thăm khám, cấp thuốc điều trị định kỳ.
Cứ đầu tháng và cuối tháng, tranh thủ ngày nghỉ ở trạm, anh đến từng nhà người bệnh già yếu, nghèo khó để khám bệnh, cấp thuốc. Đưa cho chúng tôi xem danh sách hơn 10 gia đình có người bệnh khó khăn về đi lại, anh Cảnh cười hiền, bảo: “Những cụ neo đơn, bệnh tình nặng không thể đi lại, phải thường xuyên đến nhà thăm khám, phát thuốc. Được cái mình bỏ công, còn các cụ đều có BHYT chi trả, nên cũng an tâm”.
Noi gương ông nội và cha, hai người con của anh Cảnh cũng đều là những thầy thuốc tận tâm với nghề, người con gái là chị Nguyễn Thị Yến Chi, một trong những điều dưỡng giỏi đang công tác ở Phòng Cấp cứu-Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn và người con trai đang làm việc ở một bệnh viện tư nhân tại Đà Nẵng.
Hết lòng vì người bệnh
Gần đến Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ông Huỳnh Ngọc Ái (63 tuổi), ở thôn Phú Lễ 1, xã Bình Trung (Bình Sơn) đến Phòng Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn để thăm lại những thầy thuốc đã cứu chữa tận tình cho ông vào đợt lũ tháng 11.2017 vừa qua. Ông Ái kể: Tôi bị nước lũ cuốn trôi, được người dân cứu đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Ê kíp trực hôm đó gồm bác sĩ Võ Hùng Viễn-Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn và một số y sĩ điều dưỡng đã tận tình cứu chữa, giúp tôi thoát chết". Những nghĩa cử cứu người của cán bộ y tế thuộc Phòng cấp cứu -Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn đã được Bộ Y tế tặng Bằng khen.
Còn tại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, xã Phổ Cường (Đức Phổ), các y, bác sĩ cũng ngày đêm tận tụy chăm sóc người bệnh. Vừa đo huyết áp cho bệnh nhân Trần Thê (70 tuổi, ở xã Phổ Cường), y sĩ Lê Thị Xuân Phương ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe, hướng dẫn uống thuốc đúng liều, đúng giờ.
Cụ Thê là bệnh nhân thường xuyên đến trạm, dù không có người nhà bên cạnh chăm sóc, nhưng ông luôn cảm thấy ấm lòng trước tình cảm, sự tận tâm của cán bộ y tế nơi đây. Kế bên giường bệnh của cụ Thê, bà Nguyễn Thị Hậu (cũng ở xã Phổ Cường) được điều dưỡng chuyền nước, chăm sóc tận tình. Cụ Hậu bảo: “Ăn gì các cháu y tá mua giúp. Y, bác sĩ ở bệnh xá như con cháu trong nhà. Mình già hay quên, hay hỏi, y, bác sĩ giải thích tận tình, chăm sóc chu đáo”.
Điều dưỡng Thạch Thị Minh Kết với hơn 20 năm công tác, đang canh bình nước chuyền cho cụ Hậu, nghe khen cảm thấy ấm lòng. Chị Kết, xúc động chia sẻ: “Có được sự tin yêu của người bệnh, với chúng tôi đó là liều thuốc tinh thần quý giá lắm. Chúng tôi tự dặn lòng luôn trau dồi y đức, hết lòng với người bệnh”.
Còn đối với điều dưỡng Phạm Thị Ái, ở Khoa Thận Nhân tạo- Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hơn 30 năm công tác, với chị nghề y đòi hỏi phải chu đáo, tỉ mỉ. Trong ứng xử với người bệnh, chị Tạo luôn ân cần, hòa nhã. Chị thường xuyên thăm hỏi, động viên người bệnh, sẵn sàng giải thích những băn khoăn, thắc mắc giúp người bệnh yên tâm, tin tưởng khi điều trị.
"Để thực hiện tốt công tác của người điều dưỡng, tôi luôn tâm niệm phải luôn xem người bệnh như người thân trong gia đình, luôn lắng nghe, cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu nỗi đau của người bệnh để giúp họ bớt đau đớn, an tâm và hợp tác điều trị”, chị Ái chia sẻ.
Bài, ảnh: KIM NGÂN