(Báo Quảng Ngãi)- Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi vằn Aedes Aegypty gây ra. Muỗi vằn chích và hút máu người bệnh, trong đó có vi rút gây bệnh sốt xuất huyết, sau đó truyền vi rút này sang người lành. Tất cả mọi người trong cộng đồng đều có nguy cơ bị nhiễm sốt xuất huyết. Đây là một bệnh rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng đối với mọi người.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Biểu hiện của bệnh là sốt cao đột ngột từ 39 đến 40oC từ 2 - 7 ngày, kèm theo dấu hiệu có chấm xuất huyết, chảy máu cam, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau khớp hoặc vật vã li bì, đau tức vùng gan. Tùy theo mức độ của bệnh, nếu nhẹ bác sĩ có thể cho điều trị tại nhà. Việc chăm sóc cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà cần phải được chú trọng, vì cho đến thời điểm hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị và vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa.
Sơ đồ bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: INTERNET |
Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới (BVĐK Quảng Ngãi), bác sĩ Lương Văn Tuấn, cho biết: Nếu chăm sóc bệnh nhân tại nhà, cần phải được thăm khám định kỳ theo hướng dẫn, thông thường các bác sĩ thăm khám và hẹn tái khám hằng ngày. Thứ hai là hạ nhiệt, trong điều trị hạ nhiệt, chúng ta dùng các phương pháp vật lý như hạ nhiệt bằng các phương pháp lau mát, chườm ấm cho bệnh nhân, sau đó dùng các thuốc hạ nhiệt như paracetamol đơn chất. Nên cho bệnh nhân ăn nhẹ, thức ăn dễ tiêu. Lượng nước uống, tùy theo nhu cầu của người bệnh và không nên cho uống nước quá nhiều. Việc xử trí đúng cách sẽ làm giảm các yếu tố nguy cơ biến chứng như suy gan, suy thận, suy hô hấp, rối loạn thần kinh, trụy tim mạch hay biến chứng tràn dịch màng phổi, máu đọng trong thận có thể dẫn đến tử vong cho người bệnh.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà cần tránh những sai lầm sau: Không tự ý truyền dịch tại nhà, vì khi truyền dịch tại nhà gây nguy hiểm cho bệnh nhân, chỉ nên cho uống nước thông thường. Không tự ý dùng thuốc Paracetamol quá liều của bác sĩ quy định. Không nên ăn những thức ăn có màu đỏ và màu đen, vì khi bệnh nhân ăn những thức ăn này gây ảnh hưởng trong quá trình theo dõi bệnh nhân, không đánh giá được bệnh nhân xuất huyết hay không xuất huyết. Không nên chích lể, vì đây là một trong những nguyên nhân gây chảy máu trầm trọng thêm cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
Bệnh diễn biến từ sốt xuất huyết thông thường sang sốt xuất huyết nặng khó lường trước. Đến thời điểm này, vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, để không mắc bệnh sốt xuất huyết chúng ta cần tích cực chủ động tiêu diệt muỗi, lăng quăng. Không để các vật dụng chứa nước có thể sinh muỗi trong nhà, loại bỏ ly, lọ chứa nước lâu ngày. Cần dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, không ẩm thấp, phát quang bụi rậm, không để nước tù đọng quanh nhà. Các chum vại chứa nước cần được cọ rửa, vệ sinh kỹ, đậy kín nắp. Chú ý treo mùng khi ngủ, kể cả ngủ vào ban ngày.
An Hảo