Chủ động phòng dịch sốt xuất huyết

09:08, 10/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát mạnh ở các tỉnh, thành, ngành y tế Quảng Ngãi đã tăng cường nhiều giải pháp, nhằm chủ động phòng, chống, ngăn dịch SXH lan rộng trong cộng đồng.

TIN LIÊN QUAN


Sáng 1.8, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Đức và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã đi giám sát công tác phòng, chống bệnh SXH tại một số địa phương có ổ dịch mới bùng phát, nơi có chỉ số vectơ muỗi truyền bệnh cao, nhằm hạn chế dịch bệnh lan rộng.

Còn chủ quan với SXH

Vài năm trở lại đây, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) là một trong những địa phương “nóng” về bệnh SXH của thành phố. Địa phương này có chỉ số vectơ muỗi truyền bệnh SXH khá cao. Thực tế tại một số hộ dân ở thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long chúng tôi nhận thấy, có rất nhiều hộ trồng cây cảnh chứa nước có bọ gậy. Những ngày qua, cán bộ y tế địa phương đã chủ động phun hóa chất diệt muỗi.

Cán bộ y tế xã tuyên truyền cho người dân Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) về  biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Cán bộ y tế xã tuyên truyền cho người dân Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) về biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Trưởng Trạm Y tế xã Tịnh Long, bác sĩ Nguyễn Hữu Đính cho biết: “Ngoài 4 đợt phun hóa chất, mỗi tuần cán bộ y tế còn phối hợp với cán bộ, nhân dân địa phương ra quân diệt lăng quăng bọ gậy. Hướng dẫn hộ gia đình trồng cây kiểng thả cá và có biện pháp diệt lăng quăng để phòng bệnh”.

Thôn Xuân An, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cũng là một trong những điểm thường xảy ra dịch SXH. Vừa đưa cháu đi điều trị SXH ở bệnh viện trở về, bà Nguyễn Thị Nguyên lo lắng nói: “Nhà có 5 người, nhưng có 3 người bị SXH. Mùa này muỗi nhiều quá, nên tôi rất lo”. Đây cũng là tâm trạng chung của người dân và cán bộ y tế Tịnh Kỳ, bởi địa bàn này thường xuyên xảy ra những ổ dịch nhỏ. Hiện toàn xã đã ghi nhận 12 ca bệnh SXH. Đây cũng là địa bàn thường xuyên thiếu nước ngọt, mỗi gia đình thường mua nước và dự trữ ở các chum, vại, nên tạo điều kiện cho muỗi sinh sản phát triển khá nhiều.

Theo cán bộ y tế ở đây, việc tuyên truyền đến người dân còn gặp khó khăn, vì người dân còn chủ quan với bệnh SXH. “Người dân cần có ý thức chủ động trong phòng ngừa thì mới góp phần phòng bệnh hiệu quả, tránh dịch bùng phát”, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hồ Minh Nên nói.

Bệnh SXH dễ gây biến chứng

Tại Khoa Nhiệt đới- Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện nay có khá nhiều bệnh nhân SXH ở mức độ khá nặng. Nhiều trường hợp phải truyền tiểu cầu để cấp cứu. Trưởng Khoa Nhiệt đới- BVĐK tỉnh, bác sĩ Lương Văn Tuấn cho biết: Trong vòng hai tháng qua, tình hình bệnh nhân SXH nhập viện tăng cao. Trung bình mỗi ngày có trên 10 bệnh nhân đến điều trị. “Bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh... nhưng khi bị bệnh nặng sẽ gặp các biến chứng là suy thận, tổn thương gan... Do vậy, người dân cần theo dõi sát tình trạng bệnh, để nhập viện điều trị kịp thời. Khi thấy có biểu hiện sốt cao đột ngột 39-40 độ C thì nên đi test sàng lọc sớm SXH, tránh để lâu bệnh dễ trở nặng”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.

Đến đầu tháng 8.2017, Quảng Ngãi ghi nhận gần 600 ca bệnh, tăng so với cùng kỳ năm trước gần 40 ca. TP.Quảng Ngãi là địa phương có số ca SXH cao nhất tỉnh với 200 ca. Hiện Sở Y tế đã chỉ đạo các  đơn vị y tế phối hợp với các địa phương tăng cường công tác giám sát; tiến hành phun hóa chất xử lý môi trường, bao vây, khoanh vùng các ổ dịch, để hạn chế sự lây lan.

Tư Nghĩa có 95 ca mắc bệnh sốt xuất huyết

Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tư Nghĩa cho biết, đến cuối tháng 7.2017, toàn huyện có 95 ca bệnh sốt xuất huyết, có 13/15 xã, thị trấn có người mắc bệnh. Tập trung nhiều nhất là các xã Nghĩa Thương, Nghĩa Phương, Nghĩa Trung, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Mỹ... Riêng xã Nghĩa Phương, từ tháng 6 đến nay đã bùng phát một ổ dịch nhỏ, khiến 15 người mắc bệnh sốt xuất huyết.


TR.AN

 


Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.