Sự cần thiết khi tham gia BHYT

02:04, 26/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để bảo đảm quyền lợi về tài chính của mình trong quá trình chăm sóc sức khỏe, người dân nên tham gia BHYT. Bởi lẽ tới đây, giá một số dịch vụ y tế đối với người chưa có thẻ BHYT sẽ tăng mạnh, cao gấp 2- 4 lần so với hiện nay.

TIN LIÊN QUAN

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở KCB của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp cụ thể. Theo đó, mức giá hơn 1.900 dịch vụ y tế, bao gồm: Mức giá tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh kiểm tra sức khoẻ; dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm... được áp dụng tại cơ sở KCB Nhà nước, người bệnh chưa tham gia BHYT, người bệnh có thẻ BHYT, nhưng đi khám bệnh, chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1.6.2017.

Với đợt tăng giá viện phí sắp tới, người bệnh nếu chưa tham gia BHYT sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí điều trị. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân cần sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí sẽ rất cao.

Ngày 1.6.2017, các bệnh viện sẽ tăng giá dịch vụ y tế đối với bệnh nhân không có BHYT.
Ngày 1.6.2017, các bệnh viện sẽ tăng giá dịch vụ y tế đối với bệnh nhân không có BHYT.


Quỹ BHYT được hình thành trên cơ sở tham gia đóng góp của Nhà nước, người sử dụng lao động, cá nhân và cộng đồng, tạo nguồn tài chính chi trả cho các dịch vụ y tế mà người tham gia sử dụng không may bị ốm đau, bệnh tật hay tai nạn. BHYT giúp mọi người có cơ hội như nhau trong đảm bảo sức khỏe và là một hình thức phân phối thu nhập, nguy cơ phân tầng xã hội được giảm thiểu.

Nếu chẳng may ốm đau, người bệnh không có BHYT thì sẽ là gánh nặng cho gia đình. Ông Nguyễn Được ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) vừa có con điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) là một trong những trường hợp ấy. Chỉ vì  chủ quan nghĩ mình là thanh niên không bệnh tật, nên con trai ông Được không mua BHYT.

Nhưng rồi, mới đây con trai ông Được chẳng may bị bệnh viêm màng não mủ, phải điều trị dài ngày ở bệnh viện. Tất cả tài sản trong gia đình có giá trị đều cầm cố, bán để lo chi phí điều trị. “Ngay khi con đổ bệnh, chúng tôi mới thấy tấm thẻ BHYT quý giá như thế nào. Hiện tôi đã mua BHYT cho con, dù có muộn, nhưng để con có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn”, ông Được nói.

Còn đối với anh Phạm Tấn Viên ở huyện Bình Sơn thì may mắn hơn. Do có tham gia BHYT, nên anh được giảm gánh nặng chi phí điều trị bệnh do BHYT chi trả với số tiền gần 300 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn đối với một nông dân nghèo như gia đình anh Viên.

Đến thời điểm này, tỉnh ta có trên 84% chỉ tiêu bao phủ BHYT, nhưng kết quả này chưa thể khẳng định là bền vững, bởi do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT, nhất là BHYT tự nguyện còn gặp nhiều khó khăn; nhận thức về chính sách BHXH, BHYT của một số chủ sử dụng lao động còn hạn chế, tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT chưa được giải quyết triệt để; khả năng đáp ứng và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân của hệ thống y tế còn nhiều bất cập, một bộ phận người dân, công nhân lao động chưa hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mình khi tham gia BHXH, BHYT...

Để thực hiện hiệu quả chỉ tiêu hằng năm do Thủ tướng Chính phủ giao, chúng ta cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối kết hợp và tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là trách nhiệm của UBND các cấp trong việc thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật, các mục tiêu, kế hoạch về BHYT giai đoạn 2016-2020. Mỗi gia đình cần nhận thấy tầm quan trọng cũng như trách nhiệm tham gia BHYT để giảm gánh nặng tài chính khi ốm đau, thăm khám sức khỏe, góp phần thực hiện bao phủ BHYT toàn dân.
     

Bài, ảnh: KN

 


.