Trở ngại khi đưa bệnh nhân HIV về cơ sở điều trị

10:02, 23/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo lộ trình, đến tháng 7.2017, tất cả bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh sẽ được đưa về các cơ sở y tế tuyến huyện để tiếp tục điều trị theo diện BHYT. Tuy nhiên, việc này hiện đang gặp khó...

TIN LIÊN QUAN

Chế độ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS được xem là chỗ dựa cho bệnh nhân tiếp tục được chăm sóc, điều trị khi các nguồn tài trợ quốc tế cắt giảm hoàn toàn vào năm 2017. Song, hiện nay số người nhiễm HIV tham gia BHYT còn thấp. Toàn tỉnh hiện có hơn 400 bệnh nhân HIV có hồ sơ quản lý, trong khi đó số đang điều trị tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh chỉ hơn 230 người.

“Đa số người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS đều có kinh tế khó khăn, nguy cơ bỏ điều trị và kháng thuốc rất cao. Trong khi chỉ có hơn 40% người tham gia BHYT” bác sĩ Võ Mẫn- Phó Giám đốc  phụ trách Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết.

Bác sĩ Trạm y tế xã Ba Thành khám bệnh cho bệnh nhân HIV ở địa phương.
Bác sĩ Trạm y tế xã Ba Thành khám bệnh cho bệnh nhân HIV ở địa phương.


Ba Tơ là một trong những địa phương có số bệnh nhân HIV/AIDS cao nhất tỉnh với 24 bệnh nhân nhiễm HIV. Theo lộ trình, đến tháng 7 bệnh nhân sẽ được đưa về Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ để tiếp tục điều trị, nhưng hiện nay trung tâm chưa bố trí được cơ sở để điều trị.

Theo đặc thù, điều trị HIV cần khu vực riêng, có phòng chống  nhiễm khuẩn và cách ly độc lập với các khoa, phòng khác. Trong khi hiện tại, trung tâm có 5 khoa điều trị, thì vẫn còn 2 khoa phải ghép, vì chưa đủ cơ sở để tách khoa. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đặng Thị Phượng, cho biết: Hiện trung tâm chưa có khoa truyền nhiễm, nên khi tiếp nhận bệnh nhân HIV để điều trị gặp nhiều khó khăn.

Đây cũng là thực trạng chung của các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện trong tỉnh. Bởi theo quy định, để tiếp nhận điều trị bệnh nhân HIV, cơ sở phải có khoa chống nhiễm khuẩn, cách ly với các khoa khác và có khoảng 8 buồng bệnh.

Hiện các cơ sở y tế tuyến cơ sở đang nỗ lực khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất để đủ điều kiện tiếp nhận bệnh nhân HIV. Chúng tôi đang tham mưu Sở Y tế và Cục phòng chống HIV/AIDS để bố trí nhân lực cho các cơ sở y tế tuyến huyện, thành phố đưa đi đào tạo, tập huấn. Đồng thời, vận động, tuyên truyền để bệnh nhân HIV tham gia BHYT. Bởi một khi người bệnh bỏ điều trị thì việc tử vong sẽ rất cao.
Phó Giám đốc  phụ trách Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh VÕ MẪN

Không chỉ vậy, cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Việc quản lý, chăm sóc bệnh nhân ở cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn do tâm lý mặc cảm, e ngại khiến họ khai không đúng địa chỉ, hoặc chuyển nơi cư trú liên tục.

"Ít nhất mỗi cơ sở điều trị phải có 6 cán bộ y tế (2 bác sĩ, 2 dược sĩ và 2 điều dưỡng). Những cán bộ này phải được Trung tâm Phòng, chống HIV/ AIDS tỉnh đào tạo ngắn hạn về cách điều trị HIV bằng thuốc ARV và được Sở Y tế cấp chứng chỉ mới có thể trực tiếp điều trị cho người bệnh. Trong khi đó, bệnh viện còn thiếu bác sĩ rất nhiều", Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Dung Quất Nguyễn Quốc Chinh, nói.

Theo yêu cầu của BHXH về thanh toán, bác sĩ chỉ định điều trị ngoài chứng chỉ hành nghề còn phải ghi rõ chứng chỉ phạm vi hoạt động. Như vậy, bác sĩ chỉ định thuốc và điều trị HIV/AIDS phải bổ sung phạm vi hoạt động HIV/AIDS vào chứng chỉ hành nghề thì mới được BHXH thanh toán.

Thực tế cho thấy, việc tuyên truyền sử dụng ARV tính phí hoặc thông qua BHYT để giảm nhẹ gánh nặng chi phí vẫn chưa được các cấp, ngành quan tâm đúng mức. Để đảm bảo 100% bệnh nhân HIV tham gia BHYT cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Có như vậy mục tiêu mà Việt Nam đặt ra là trở thành một trong những nước đầu tiên khu vực Đông Nam Á kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030 mới có thể trở thành hiện thực.
  

Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.