Ngừng phân biệt, kỳ thị với người nhiễm HIV

08:12, 01/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chủ đề Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (1.12) năm nay là hướng tới mục tiêu  90-90-90 và mục tiêu 3 không của Liên Hợp Quốc. Đó là, không người nhiễm mới, không còn người tử vong do AIDS và mục tiêu quan trọng hơn cả là không còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, giúp kiểm soát và phòng ngừa được sự lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.

TIN LIÊN QUAN

Hiện số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được ngành y tế quản lý là 682 người, trong đó có 217 người đã tử vong, còn sống 465 người. Trung bình mỗi năm số người nhiễm mới được phát hiện từ 40- 50 người. So với những năm trước, số ca mắc mới vẫn không giảm mà có chiều hướng tăng. Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ người nhiễm HIV vẫn ở mức cao là do sự kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội và người thân trong gia đình.

Chúng tôi có dịp tiếp xúc với một số bệnh nhân HIV, ngoài cuộc sống kinh tế hết sức khó khăn, thì một trong những rào cản khiến họ khó hòa nhập cộng đồng là sự kỳ thị của một bộ phận dân cư vẫn còn nặng nề. Anh K. một bệnh nhân HIV ở TP.Quảng Ngãi tâm sự: Lúc đầu hay tin mình bị HIV, người dân coi mình như bệnh truyền nhiễm, nên bị xa lánh. Xin việc ở đâu cũng không được nhận. Ngay cả người thân cũng xa lánh. Sau thời gian rời quê đi xứ khác làm ăn, giờ mình về quê sinh sống, may nhờ cán bộ y tế tuyên truyền, bà con cũng dần cảm thông, không còn kì thị như trước”.

Tuyên truyền đến người dân về công tác phòng chống HIV/AIDS.
Tuyên truyền đến người dân về công tác phòng chống HIV/AIDS.


Còn trường hợp chị S. ở huyện Ba Tơ, không may bị mắc bệnh từ chồng, nhưng chị không hề hay biết. Đến khi sinh đứa con gái chị mới ngỡ ngàng khi nghe bác sĩ thông báo cả hai mẹ con bị nhiễm HIV. Lúc đầu bị bệnh, chị đi làm rẫy, làm keo, ai thấy chị cũng xa lánh, không dám lại gần, ngồi ăn uống. Con chị đến trường cũng bị phụ huynh học sinh trong lớp nhà trẻ phản đối. Thế nhưng, thời gian qua, bằng nghị lực sống của bản thân, chị đã nỗ lực cùng với cán bộ y tế tuyên truyền kiến thức phòng, tránh về  HIV/AIDS nên phần nào thay đổi được nhận thức của bà con nơi chị sinh sống. “Mấy năm đầu họ không biết nên xa lánh. Nhưng giờ nhiều người đã hiểu hơn về bệnh này, nên bà con đối xử với mình gần gũi hơn”, chị S. bộc bạch.

Ba Tơ là huyện miền núi có tỷ lệ người nhiễm HIV cao nhất tỉnh với 35 trường hợp. Trong đó, 20 trường hợp đã chuyển sang AIDS. Trong năm 2016, có 5 ca mắc mới. Hầu hết những người nhiễm HIV đều có thời gian đi làm ăn xa, nhiều nhất là đi vào các tỉnh phía Nam. Họ cũng không hề hay biết bị lây nhiễm khi nào. Đơn cử như trường hợp anh X. ở Ba Tơ bị nhiễm HIV, nhưng không biết đã vô tình lây nhiễm cho hai người phụ nữ cùng địa bàn.

Theo bác sĩ Võ Mẫn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, do sợ xét nghiệm phát hiện bị nhiễm HIV, do mặc cảm, sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên người nhiễm HIV thường lẩn tránh, không muốn tiếp xúc dẫn đến một số người nhiễm HIV không có cơ hội tiếp cận các dịch vụ tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ của chương trình phòng chống AIDS tại địa phương. Điều đó không chỉ làm người bệnh mất niềm tin vào cuộc sống, mà còn làm căn bệnh này ngày càng lây lan rộng.

Năm 2017, việc điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV sẽ không còn “bao cấp” nữa mà sẽ chuyển sang hình thức thanh toán qua BHYT. Chính vì vậy, bệnh nhân HIV tham gia BHYT sẽ được điều trị, cấp thuốc tại cơ sở y tế gần nhất. Tuy nhiên, khó khăn trong việc điều trị cho bệnh nhân HIV hiện nay là trong tổng số 230 bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ARV, thì mới chỉ có 40% tham gia BHYT. Trong khi đây là phương pháp điều trị duy nhất giúp giảm tử vong, giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con, giảm lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

“Thời gian đến, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi trong công tác phòng, chống HIV/AIDS bằng nhiều hình thức đa dạng hơn. Nhất là tập trung vào địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc, vùng du lịch; giáo dục cho thanh - thiếu niên, học sinh, sinh viên nhằm mục đích dự phòng sớm”, bác sĩ Võ Mẫn cho hay.
    

Bài, ảnh: KN
 


.