(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, về việc tổ chức lại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh theo hướng sáp nhập các BVĐK TP.Quảng Ngãi, Sơn Tịnh, Dung Quất thành các cơ sở trực thuộc BVĐK tỉnh. Hiện nay, Sở Y tế đã gửi Đề án cho các ngành liên quan góp ý, trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong những năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được, thì công tác khám, chữa bệnh (KCB) vẫn còn nhiều tồn tại, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của cán bộ, nhân dân. Mạng lưới bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh chậm phát triển, tình trạng quá tải bệnh nhân nội trú tại BVĐK tỉnh thường xuyên xảy ra, việc triển khai kỹ thuật cao trong KCB còn hạn chế, chưa phát triển dịch vụ kỹ thuật chuyên khoa sâu.
Với mục tiêu tận dụng hiệu quả hơn hệ thống cơ sở hạ tầng, thiết bị của BVĐK tỉnh và 3 đơn vị BVĐK TP.Quảng Ngãi, Dung Quất, Sơn Tịnh nên tỉnh cho chủ trương sáp nhập 3 đơn vị trên vào BVĐK tỉnh.
Bệnh nhân chạy thận đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Mục đích của việc sáp nhập là giảm đầu mối các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, tinh giảm biên chế đối với ngành y tế. Từ đó, người bệnh sẽ được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại 3 đơn vị trên, khắc phục tình trạng quá tải bệnh nhân tại BVĐK tỉnh. Nhân viên y tế cũng có điều kiện tiếp cận với khoa học, công nghệ tiên tiến, ứng dụng kỹ thuật cao vào công tác KCB. Đồng thời, việc sáp nhập sẽ góp phần đảm bảo an sinh xã hội và là nền tảng giúp BVĐK tỉnh đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng I, giai đoạn 2016-2020...
Tại buổi làm việc với Sở Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã có kết luận: Sở Y tế khẩn trương hoàn thành Đề án tổ chức lại BVĐK tỉnh theo hướng sáp nhập các đơn vị y tế. Trên cơ sở đó, xây dựng Đề án đầu tư phát triển BVĐK tỉnh đạt tiêu chuẩn hạng I trình các cấp thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở thực hiện. |
Theo Đề án, sau khi sáp nhập, cơ cấu tổ chức của BVĐK tỉnh sẽ có 1 giám đốc và 6 phó giám đốc (chưa từng có trong hệ thống BVĐK tuyến tỉnh- PV). Trong đó, tại mỗi cơ sở sáp nhập sẽ có một phó giám đốc phụ trách trực tiếp. Ngoài ra, nếu sáp nhập vào BVĐK tỉnh, một số phòng khám đa khoa khu vực tại huyện Sơn Tịnh sẽ bị giải thể. Góp ý vào Đề án, lãnh đạo một số bệnh viện cơ sở nêu lên những bất cập khi vận hành mô hình này.
Điều đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến bệnh nhân bảo hiểm y tế. Nếu 3 đơn vị sáp nhập (Bệnh viện TP.Quảng Ngãi hạng 2, Sơn Tịnh hạng 3 và Dung Quất hạng 4), trực thuộc BVĐK tỉnh, thì người dân trong khu vực sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển viện, vì không thể chuyển từ trạm y tế xã (hạng 4) lên các cơ sở trực thuộc BVĐK tỉnh, vì chưa được thông tuyến. Mặt khác, người bệnh sẽ gánh chịu chi phí KCB tăng hơn trước, vì phải áp dụng theo quy định của BVĐK tỉnh (hạng 2), trong khi chất lượng dịch vụ tại các bệnh viện này có tăng không, vẫn còn để ngỏ.
Tập thể Phòng y tế và BVĐK huyện Sơn Tịnh nêu: Về cơ sở pháp lý hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào chỉ đạo, hướng dẫn từ Trung ương về việc sáp nhập y tế tuyến huyện với tuyến tỉnh. Do đó, nếu Đề án này thực thi, thì đây là mô hình mới, chưa có tiền lệ ở nước ta. Trong khi đó, việc giải thể hai phòng khám đa khoa khu vực cũng phần nào ảnh hưởng đến nhu cầu KCB của nhân dân.
Bác sĩ Đặng Tuấn Lộc - Giám đốc BVĐK Sơn Tịnh đề xuất: “Nên giữ nguyên trạng như mô hình hiện nay, nhằm tránh gây xáo trộn, làm ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ, công tác KCB tại cơ sở. Tỉnh nên xem xét, phát triển theo hướng mô hình các bệnh viện cơ sở là bệnh viện vệ tinh của BVĐK tỉnh, có vậy tuyến y tế cơ sở mới có cơ hội được chuyển giao khoa học kỹ thuật, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”.
Từ thực tế trên, các ngành chức năng cần nghiên cứu, thẩm định trên cơ sở khoa học, thực tiễn địa phương và xu thế phát triển của hệ thống y tế cả nước trước khi tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, nghiên cứu lộ trình xây dựng BVĐK tỉnh trở thành bệnh viện hạng I, để đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân.
Bài, ảnh: KIM NGÂN