Giải pháp để trở thành bệnh viện hạng I

02:07, 05/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVĐK) hiện có quy mô của bệnh viện hạng II và đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí để đạt hạng I. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này là điều không đơn giản.

TIN LIÊN QUAN

Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có 35 khoa, phòng; 193 bác sĩ (2 tiến sĩ, 12 BSCKII, 55 BSCK I, 43 thạc sĩ) và đang đào tạo nhiều chuyên khoa sâu để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Với nguồn nhân lực và trang thiết bị hiện có, bệnh viện đã triển khai hơn 90% kỹ thuật điều trị theo phân tuyến của bệnh viện hạng II, đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh, dịch vụ kỹ thuật cao thuộc bệnh viện đa khoa hạng I, như chẩn đoán, điều trị các bệnh ung bướu, tim mạch, ngoại (chấn thương, thần kinh, lồng ngực), mở rộng các khoa chẩn đoán hình ảnh...

 

Đầu tư, nâng cấp lên bệnh viện đa khoa hạng I, giúp bệnh viện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Ảnh: T.L
Đầu tư, nâng cấp lên bệnh viện đa khoa hạng I, giúp bệnh viện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Ảnh: T.L


Với thiết kế là 600 giường, nhưng số thực kê tại bệnh viện hiện lên đến 1.046 giường. Mỗi ngày, trung bình bệnh viện tiếp nhận và điều trị trên 1.200 người bệnh nội trú và 800 người bệnh ngoại trú. Chính vì vậy, việc hoàn thiện Dự án “Đầu tư phát triển BVĐK tỉnh đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng I giai đoạn 2016 - 2020 là yêu cầu cần thiết.

Theo quy định tại Thông tư số 23/2005/TT-BYT ngày 25.8.2005 của Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chuẩn xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế, các bệnh viện hạng I phải đạt 90/100 điểm, đồng thời có 8 tiêu chuẩn là điều kiện bắt buộc. Đối chiếu với những quy định này, thì BVĐK tỉnh còn 1 số tiêu chuẩn chưa đạt. Điển hình như chưa đủ 60% trưởng, phó khoa có trình độ tiến sĩ/bác sĩ chuyên khoa II.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu bác sĩ, nhất là bác sĩ có kinh nghiệm, chuyên khoa sâu cũng là lực cản, áp lực cho các khoa, phòng. “Nếu Bệnh viện Sản - Nhi đi vào hoạt động, thì 60 bác sĩ thuộc hai khoa sản, nhi tại đơn vị  sẽ chuyển qua. Như vậy, 5 năm tới bệnh viện cần 100 bác sĩ, mới đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của bệnh viện hạng I”.

Theo bác sĩ Lân, để đạt con số bác sĩ này là một thách thức không nhỏ. Số bác sĩ mới ra trường theo diện thu hút hiện nay còn thiếu kinh nghiệm, cần phải đào tạo; phải mất 3 - 5 năm mới đáp ứng tốt chuyên môn.

Bác sĩ Phạm Ngọc Lân cho biết thêm, đơn vị đang tập trung tuyển dụng, đào tạo cán bộ giỏi; phát triển chuyên môn kỹ thuật theo phân tuyến Bệnh viện hạng I. Đây thực sự là bước đi cần thiết, là cơ sở để hoàn chỉnh về tổ chức, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật và chất lượng phục vụ người bệnh.

Cùng với đó, bệnh viện sẽ nghiêm túc thực hiện chỉ thị của Bộ Y tế về việc chấn chỉnh y đức của các y, bác sĩ. Yêu cầu 100% cán bộ bệnh viện cam kết thực hiện đúng văn hóa ứng xử ngành y. Đơn vị theo dõi việc thực hiện qua 3 kênh thông tin: Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; qua báo chí, dư luận xã hội; qua các hòm thư góp ý, đường dây nóng.

Thời gian đến, Bệnh viện tiếp tục thực hiện cải cách mạnh mẽ TTHC, nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng mềm cho cán bộ, viên chức theo hướng chuyên nghiệp hóa. Hợp tác với các bệnh viện đầu ngành trong nước để tiếp nhận kỹ thuật cao; tách và thành lập các khoa chuyên sâu để từng bước đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng I, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân.
                

P.V

 


.