Nâng cao chất lượng dân số: Còn nhiều khó khăn

02:08, 03/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, Quảng Ngãi triển khai nhiều mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số và ổn định mức sinh ở các vùng, miền. Tuy nhiên, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hiệu quả.

TIN LIÊN QUAN

Vấn đề khó khăn nhất trong quá trình triển khai các mô hình này tại tỉnh ta chính là kinh phí. Thực tế cho thấy, nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động này khá hạn chế, cấp không kịp thời. Do đó, công tác đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ thực hiện mô hình... không thường xuyên.

Cụ thể là, Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh triển khai tại các  huyện, thành phố trong tỉnh, trong 5 năm qua chỉ tập trung phát hiện các dị tật ống thần kinh, hội chứng Down và 2 bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh là bệnh thiếu men G6PD (nguyên nhân gây bệnh lý di truyền vàng da, dễ tử vong) và bệnh suy giáp trạng bẩm sinh.

 

 Cán bộ dân số huyện Tây Trà phát tờ rơi tuyên truyền cho chị em phụ nữ đồng bào Cor.
Cán bộ dân số huyện Tây Trà phát tờ rơi tuyên truyền cho chị em phụ nữ đồng bào Cor.


Đây là những dị tật ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ, song tỉ lệ bà mẹ được khám sàng lọc hằng năm khá khiêm tốn. Trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh chỉ có 20 mẫu máu của bà mẹ mang thai được sàng lọc miễn phí và đã phát hiện 1 ca có nguy cơ thiểu năng tuyến giáp bẩm sinh và 5 ca có nguy cơ thiếu men G6PD tại huyện Bình Sơn.
 

“Do nguồn kinh phí ít nên chưa phổ cập được quy mô toàn tỉnh, đối tượng được hưởng lợi từ các đề án, mô hình chưa nhiều. Mặt khác, nâng cao chất lượng dân số là nhiệm vụ chung của các cấp, ngành và toàn xã hội, nhưng lâu nay một số địa phương chưa chú trọng, nên hiệu quả mang lại chưa như mong đợi. Trong thời gian đến, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa không chỉ từ phía đội ngũ thực hiện công tác DS-KHHGĐ mà còn ở các cấp, ngành, hội, đoàn thể địa phương liên quan”.
Ông NGUYỄN VĂN QUANG- Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh.

Không chỉ vậy, số sản phụ chủ động đi sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn thấp, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều thai phụ chưa chủ động đi siêu âm hoặc siêu âm không đúng thời điểm, nên việc phát hiện các dị tật bẩm sinh khó hoặc có trường hợp phát hiện ra dị tật, thì thai phụ đã chuẩn bị sinh. Cùng với đó là kiến thức và khả năng tuyên truyền, tư vấn của cán bộ dân số ở cơ sở còn hạn chế...

Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ cho đề án thiếu. Một số cơ sở duy trì máy siêu âm là đen trắng nên chưa đáp ứng được yêu cầu cho khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Định mức chi cho việc thực hiện các kỹ thuật, như lấy máu gót chân, vận chuyển máu... còn thấp, gây khó khăn, áp lực cho các đơn vị dẫn đến nhiều đơn vị không thực hiện đủ chỉ tiêu được giao.

Đề án kiểm soát giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh được triển khai khá sớm ở tỉnh ta và từng bước được khống chế. Trong 6 tháng đầu năm có 2.012 trẻ nam/1.842 nữ được sinh ra, tỷ lệ giới tính 109,23%. Qua đây cho thấy, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở  tỉnh tuy đã được kiểm soát theo xu hướng giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao và vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại.

Hiện tại, nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu về dân số năm 2016 chưa được phân bổ, nên việc triển khai chiến dịch CSSKSS tại các địa phương không kịp thời. Các huyện, thành phố chủ động tạm ứng nguồn kinh phí địa phương, kinh phí hành chính để triển khai thực hiện, nhưng kết quả chưa cao. Trong 6 tháng đầu năm, tổng thực hiện các biện pháp tránh thai ở các địa phương mới đạt 71% kế hoạch.

Ông Lê Văn Minh - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Nghĩa Hành trăn trở: “Do nguồn kinh phí chưa có, nên tiến độ triển khai chiến dịch tại các xã chậm. Khó khăn về kinh phí, nên chúng tôi không thể tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn lồng ghép với dịch vụ KHHGĐ”.
 

Bài, ảnh: Trí Phong  

 


.