(Báo Quảng Ngãi)- Để vào đất liền khám, điều trị bệnh, người dân Lý Sơn phải vượt hơn 15 hải lý. Nhưng hằng ngày chỉ có 2-3 chuyến tàu ra vào đảo vào những giờ cố định. Vì vậy, có không ít trường hợp bệnh nhân chuyển viện cấp cứu phải tốn chi phí từ 12-16 triệu đồng để thuê tàu. Đó là chưa kể những lo lắng của người dân khi vào mùa biển động.
"Vượt biển" vào đất liền cấp cứu
Tháng tám vừa qua, chị Trần Thị Lệ ở thôn Đông, xã An Vĩnh nhập viện tại Trung tâm Y tế Quân dân y (TTYT QDY) Lý Sơn với tình trạng đa chấn thương, vì tai nạn lao động. Do không đủ khả năng chữa trị, trung tâm cho chị Lệ chuyển lên tuyến trên, nhưng lúc này chuyến tàu cao tốc vào đất liền hằng ngày đã rời cảng. Dù hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhưng gia đình chị đành “bấm bụng” thuê riêng một chiếc tàu với chi phí 12 triệu đồng để vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu. Chị Lệ cho biết, chỉ tính riêng chi phí đi lại và sinh hoạt khi chữa trị tại tuyến trên, gia đình chị đã tốn vài chục triệu đồng. Được biết, những chuyến “vượt biển” vào đất liền cấp cứu như trường hợp của chị Lệ không phải là chuyện hiếm của người dân Lý Sơn.
Phòng mổ của Trung tâm Y tế Quân dân y Lý Sơn. |
Theo ông Nguyễn Văn Danh, chủ 2 chiếc tàu cao tốc chuyên chạy tuyến Lý Sơn- Sa Kỳ, từ đầu năm đến nay, tàu của ông đã 11 lần được thuê riêng để vận chuyển người bệnh vào đất liền cấp cứu. Trong đó chủ yếu là các trường hợp đẻ khó, viêm ruột thừa hoặc chấn thương nặng...
Chưa đồng bộ
Tại Lý Sơn, mạng lưới y tế của huyện gồm 1 Trung tâm y tế Quân dân y và 2 Trạm y tế tại xã An Hải và xã An Bình (đảo Bé). Trung tâm y tế huyện có quy mô lớn nhất huyện gồm 60 giường bệnh và 73 cán bộ, nhân viên, trong đó có 13 bác sĩ (6 bác sĩ chuyên khoa I, 1 bác sĩ chuyên khoa II và 5 cử nhân y khoa). Những năm gần đây, trung tâm nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Y tế và xã hội. Chỉ trong 2 năm 2014-2015, Trung tâm được trang bị máy sinh hóa; máy huyết học; máy xét nghiệm nước tiểu; hệ thống cầu truyền hình khám, chữa bệnh trực tuyến... Thế nhưng, đến nay phòng mổ của Trung tâm chưa thực hiện được nhiều ca mổ. Các trang thiết bị trên phần lớn đều “đắp chiếu”.
Tại các Trạm y tế xã An Bình và An Hải cũng chỉ đông khi đến đợt tiêm vắc-xin cho trẻ. Ngày bình thường không mấy bệnh nhân đến khám bệnh. Bác sĩ Phan Thanh Tân- Phó giám đốc TTYT QDY Lý Sơn cho biết: Các phòng khám cũng như phòng chuyên môn, trang thiết bị, máy móc do không được sử dụng thường xuyên dẫn đến nhanh xuống cấp, hư hỏng. Sự thưa thớt bệnh nhân cũng khiến các y, bác sĩ tại Trung tâm không được cọ xát, nâng cao chuyên môn, dẫn đến “nhát tay”. Chỉ riêng khoa sản của Trung tâm hiện có 1 bác sĩ chuyên khoa I và 15 nữ hộ sinh trung học, nhưng một năm không thực hiện quá 10 ca mổ đẻ mà chỉ làm công tác khám phụ khoa, khám thai.
Hiện nay, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, nhu cầu khám chữa bệnh cũng cao hơn, nhưng mạng lưới y tế của huyện chưa được đầu tư đồng bộ, làm ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Theo bác sĩ Tân, để nâng cao tay nghề, Trung tâm thường xuyên đưa đội ngũ y, bác sĩ vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh để học tập, cọ xát. Theo kế hoạch, năm 2016, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng sẽ đầu tư xây dựng lại Trung tâm y tế Quân dân y Lý Sơn với kinh phí trên 390 tỷ đồng; đồng thời hỗ trợ trang thiết bị y tế, luân phiên cử bác sĩ trực tiếp điều trị và hỗ trợ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, y tế tại đảo.
Hy vọng với những nỗ lực trên, trong tương lai không xa người dân Lý Sơn sẽ được hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất, không còn cảnh thuê tàu đưa người bệnh vào đất liền để cấp cứu.
Bài, ảnh: HÀ XUYÊN