(QNg)- Từ nhiều năm nay, mô hình khu dân cư (KDC) không sinh con thứ 3 ở tỉnh ta được duy trì và bước đầu mang lại hiệu quả đáng khích lệ.
TIN LIÊN QUAN
Những điểm sáng
Đa dạng hoá và mở rộng các mô hình truyền thông dân số là nhiệm vụ hết sức cần thiết hiện nay. Một số địa phương đã có nhiều sáng kiến trong công tác này, đặc biệt là xây dựng mô hình KDC không sinh con thứ 3. Toàn tỉnh hiện có hơn 500 mô hình này. Trong đó, Bình Sơn là huyện dẫn đầu trong phong trào với hơn 340 KDC không sinh con thứ 3, có hơn 17 nghìn cặp vợ chồng đăng ký tham gia sinh hoạt tại mô hình, chiếm hơn 80% dân số toàn huyện. Nhờ đó đã góp phần giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn huyện còn 9,5%.
Truyền thông dân số tại xã Bình An (Bình Sơn). |
Nghĩa Hành cũng là một trong những đơn vị triển khai sớm mô hình này bằng hình thức lồng ghép các hoạt động sinh hoạt tại KDC. Đến nay Nghĩa Hành đã xây dựng được gần 40 KDC đăng ký không sinh con thứ 3. Các KDC này đều duy trì hoạt động khá hiệu quả, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đăng ký cam kết thực hiện mô hình. Nhiều KDC đã giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 như KDC Tình Phú Nam, Tình Phú Bắc, KDC số 2, thôn Phú Bình Tây, KDC số 9 thôn Phú Châu…
Hay như ở huyện Ba Tơ, tuy là địa phương miền núi với phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế, nhưng khi triển khai mô hình này cũng được người dân hưởng ứng tích cực. Thông qua nguồn kinh phí từ Chương trình 30a, Trung tâm Dân số huyện đã xây dựng được 8 thôn đăng ký thực hiện không sinh con thứ 3 trở lên. Từ đó đã nhân rộng ra 22 địa bàn KDC nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3. Điển hình là KDC tổ 2, xã Ba Cung; thôn Lệ Trinh, xã Ba Chùa; thôn Mang Biều, xã Ba Tiêu…trên 5 năm liền không có người sinh con thứ 3. Nhờ đó, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn huyện còn dưới 7%.
Cần nhân rộng…
Thông qua các đợt sinh hoạt được tổ chức tại các KDC, nhiều cặp vợ chồng tham gia mô hình được cung cấp các kiến thức về DS-KHHGĐ; kinh nghiệm về chăm sóc nuôi dạy con, chăn nuôi phát triển sản xuất…Bên cạnh đó, người dân còn được cán bộ dân số, y tế, khuyến nông xã, huyện chuyển tải thông qua việc lồng ghép cùng hoạt động truyền thông về dân số. Nhờ đó mà những địa bàn có KDC đăng ký không có người sinh con thứ 3 đã duy trì đạt các chỉ tiêu về các biện pháp tránh thai, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, góp phần tác động tích cực đến đời sống văn hoá tinh thần của người dân.
Ông Nguyễn Thanh Hướng- Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Ba Tơ cho biết: Thành công của việc triển khai mô hình trong những năm qua ở Ba Tơ có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở. Đặc biệt là sự năng động, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ dân số cơ sở, các già làng, cán bộ địa phương. Hàng tháng Ban Dân số các xã đã phối hợp với trưởng thôn lồng ghép các chương trình truyền thông dân số vào các cuộc họp, sinh hoạt hội đoàn thể. Trong đó, mô hình truyền thông nhóm, tại hộ gia đình được duy trì, phát triển thường xuyên, nhằm vận động, tuyên truyền chính sách DS- KHHGĐ đến các cặp vợ chồng trẻ thực hiện tốt các biện pháp tránh thai hiện đại.
Mặc dù tỷ lệ gia tăng dân số tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể, tuy nhiên không mang tính bền vững. Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, số người sinh con thứ 3 ở tỉnh ta đang có chiều hướng gia tăng trở lại. Trước thực trạng đó, ngành dân số đã tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức và chấp nhận mô hình gia đình ít con để nuôi con khỏe dạy con ngoan. Chính vì vậy việc xây dựng mô hình KDC, thôn, xã không có người sinh con thứ 3 được triển khai ở các địa phương, góp phần rất lớn trong công tác DS-KHHGĐ trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Quang- Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ tỉnh khẳng định: Để hỗ trợ cho việc duy trì, nhân rộng hiệu quả mô hình trên, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư kinh phí để giúp các địa phương vùng biển, miền núi nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế và hạ thấp tỷ lệ người sinh con thứ 3.
Bài, ảnh: TRÍ PHONG