Y bác sĩ ở Lý Sơn: Loay hoay tìm lối "hành nghề"

04:10, 29/10/2012
.

(QNĐT)- Thời gian gần đây, nhất là từ khi đưa vào thực hiện mô hình Bệnh viện Dân quân y kết hợp, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được nâng lên một bước. Tuy nhiên, hoạt động "hành nghề" của các y bác sĩ trên đảo Lý Sơn  còn nhiều nỗi băn khoăn bởi "vấp" phải bao rào cản!

    

TIN LIÊN QUAN


* Y dược tư nhân "lấn sân" y tế nhà nước!

Những y bác sĩ công tác lâu năm ở Bệnh viện Dân quân y kết hợp huyện Lý Sơn khẳng định với chúng tôi rằng: Ở Lý Sơn, chưa bao giờ bệnh viện trở nên quá tải. Không phải vì người dân đảo không đau ốm, không có nhu cầu chăm sóc sức khoẻ. Cái chính vẫn là người dân có thói quen chọn dịch vụ "y tế tại gia" mỗi khi lâm bệnh.

Ông Bùi Hồng Tư, ở thôn Tây, xã An Vĩnh bảo: "Nằm nhà mời bác sĩ đến trị bệnh vừa thoải mái lại đỡ tốn công đi lại chăm sóc. Khi nào nặng quá thi "đi Quảng". Ông Tư cắt nghĩa từ "đi Quảng" là vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh đấy!

Chuyện hành nghề "y dược tư nhân" ở Lý Sơn cũng rất "đặc thù". Bác sĩ hành nghề y dược tư nhân chẳng cần phải đảm bảo thủ tục hành nghề theo quy định như giấy phép, phòng mạch mà chỉ cần "có uy tín trong dân" là đủ.

Vấn đề này, ông Nguyễn Anh Việt - Trưởng phòng Y tế huyện Lý Sơn cho biết: "Chúng tôi cũng đang vận động, nhắc nhở anh em bác sĩ phải xin đủ thủ tục mới được hành nghề y dược tư nhân. Nhưng mà ở huyện đảo này, nếu có mở phòng mạch thì cũng chẳng có bệnh nhân đến điều trị vì họ có thói quen muốn mời bác sĩ về nhà chăm sóc".

 

f
Chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhi tại Bệnh viện Dân quân y kết hợp huyện Lý Sơn



Ông Nguyễn Anh Việt cho chúng tôi biết thêm: Hiện tại, mặc dù trang thiết bị cũng như "tay nghề" của bác sĩ Bệnh viện Dân quân y kết hợp Lý Sơn đã được nâng lên, nhưng dường như chỉ khám, điều trị cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Còn những trường hợp không có thẻ bảo hiểm y tế, họ thường chọn "y tế tư nhân" hoặc đưa bệnh nhân vào thẳng Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoặc nơi khác khám và điều trị.

"Người dân vẫn chưa tin và chưa tạo cơ hội cho y bác sĩ chăm sóc sức khoẻ cho mình trong bệnh viện. Chúng tôi đã nỗ lực cải tiến cung cách phục vụ, nâng cao khả năng tiếp cận trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng những mong mỏi của người dân nhưng hiện tại vẫn chưa thể làm chuyển biến tình hình".

* "Khoá tay" bác sĩ...

Ở Lý Sơn, có hai cơ sở y tế nhà nước là Bệnh viện Dân quân y kết hợp và Trạm y tế xã An Bình (đảo Bé). Trạm Y tế xã An Bình hiện nay có 4 cán bộ, trong đó có 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng và 1 nữ hộ sinh để phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ cho vài trăm người dân đang sinh sống trên hòn đảo nhỏ này.

Thế nhưng nhìn vào kết quả hoạt động của Trạm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về những con số khám bệnh, điều trị. Có những chỉ số cả năm "không nhúc nhích". Nguyên nhân được Trưởng phòng y tế huyện Nguyễn Anh Việt giải thích: "Người dân qua đảo lớn đến Bệnh viện Dân quân y kết hợp để khám, điều trị. Nếu nặng thì chuyển viện vào đất liền".

Ông Nguyễn Anh Việt cho biết: "Toàn bộ người dân đảo Bé đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và nơi khám chữa bệnh ban đầu là Bệnh viện Dân quân y kết hợp Lý Sơn. Vì vậy, để được hưởng quyền lợi này, người dân phải đi khám bệnh đúng tuyến". Chính điều đó, vô hình chung đã làm vô hiệu hoá vai trò, chức năng chăm sóc sức khoẻ của đội ngũ y bác sĩ của Trạm y tế xã An Bình.

Không những thế, hiện tại Trạm y tế xã An Bình còn "trắng" trang thiết bị. Mỗi khi người dân đến khám bệnh, bác sĩ cũng chỉ khám "chay", rồi khuyên nên đến Bệnh viện để được chẩn đoán chính xác, tìm phương pháp điều trị.

Mặc dù "trắng" trang thiết bị và không có chức năng "khám bệnh ban đầu" theo thẻ bảo hiểm y tế, nhưng 3 tháng trước đây, huyện Lý Sơn đã "điều động, tăng cường" về đảo Bé một bác sĩ trẻ. Ông Nguyễn Anh Việt bảo: "Điều động bác sĩ về đảo Bé là để có cơ sở "xin" trang thiết bị y tế, phục vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ở đây".

Thế nhưng, ông Việt cũng khẳng định rằng, cho đến giờ này thì vẫn chưa  được "trên" cấp cho Trạm y tế xã An Bình trang thiết bị gì cả!

Mặc dù vậy, nhưng để duy trì hoạt động của Trạm y tế xã An Bình, các y bác sĩ vẫn phải bám trụ trên đảo. Trong đó có nữ điều dưỡng Trần Thị Thu Hà đã bám đảo tới... 7 năm ròng tức là từ khi thành lập xã đảo An Bình.

Y bác sĩ huyện đảo Lý Sơn mong muốn cấp có thẩm quyền quan tâm tháo gỡ những khó khăn, bất cập để họ an tâm chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân một cách thực thụ bằng chính bàn tay, trái tim, khối óc của mình.


                            THANH NHỊ
 


.