Ba "bác sĩ" tự kiếm 2 tỉ đồng cứu người

09:02, 27/02/2010
.

Không phải là bác sĩ, không khoác áo blouse trắng nhưng,những con người ấy vẫn đang ngày đêm âm thầm và lặng lẽ đi kêu gọi, khuyên góp từng đồng tiền, manh áo để giúp đỡ nhiều bệnh nhân… 
 
Túi nhẵn tiền, phụ sản nhập viện cấp cứu và được… cứu sống
 
30 Tết, chị Nguyễn Thanh Kiều nhập Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng hôn mê, sốt cao, phù mình mẩy, tụt huyết áp. Bác sĩ chẩn đoán chị bị băng huyết, rối loạn đông máu. Nếu không được truyền máu ngay thì bệnh nhân sẽ chết.
 
Sinh năm 1977, lấy chồng từ thưở 20, chị từng có một gia đình và hai đứa con, con đầu lòng của chị năm nay 12 tuổi, con thứ hai lên 7. Chồng chị làm nghề ấp vịt, chung sống với nhau mới biết ông chồng suốt ngày nhậu nhẹt. Cảm thấy không còn hợp nhau, cách đây 3 năm, chị li dị chồng rồi lên Sài Gòn chung sống với một người đàn ông khác nhưng không làm giấy tờ hôn thú. Khi cái thai trong bụng chị lớn dần lên cũng là lúc người đàn ông này ruồng bỏ chị.
 
Anh Lê Minh Hiển đang tiếp nhận sự ủng hộ từ gia đình chị Võ Thị Tuyết Hương
Anh Lê Minh Hiển đang tiếp nhận sự ủng hộ từ gia đình chị Võ Thị Tuyết Hương
 
Chị bán bánh mì ở KCN Trảng Bàng kiếm tiền sống qua ngày.Lúc vào bệnh viện Củ Chi sinh con, trong túi chị chỉ còn 6 – 7 trăm ngàn. Từ bệnh viện Củ Chi, chị được chuyển lên đây trong tình trạng hôn mê, không biết trời đất gì.
 
“Trong túi cũng không có đồng cắc nào, tỉnh ra không biết mình đang nằm ở đâu mà cứ nghĩ mình đã chết” – chị tâm sự.
 
Hơn 10 ngày nằm điều trị tại đây, chi phí điều trị lên đến hơn 16 triệu đồng, đã thế, chị lại cũng không có bảo hiểm y tế hay bất cứ giấy tờ gì ngoài chứng minh nhân dân.
 
Trước tình cảnh đó, những cán bộ thuộc Đơn vị Y xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tận tình giúp đỡ, kêu gọi sự ủng hộ của nhiều tổ chức, đoàn thể để giúp chị Kiều trang trải viện phí.
 
“Không có Đơn vị Y xã hội, chắc tôi không còn ngồi ở đây” – chị chia sẻ trong nước mắt.
 
Cậu bé Trí – người bị chính mẹ đẻ mắc bệnh tâm thần đẩy ra ngoài cửa xe buýt cách đây không lâu,  cũng là một bệnh nhân đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của Đơn vị Y xã hội. Và cho đến bây giờ, anh Thức – cha của bé Trí vẫn thường xuyên gọi điện, nhắn tin cảm ơn những nhân viên của Đơn vị Y xã hội. “Thấy cháu mạnh khỏe là chúng tôi vui lắm rồi!” – anh Lê Minh Hiển – đại diện Đơn vị tâm sự.
 
 3 “bác sĩ” tự kiếm 2 tỉ đồng cứu người
 
Trước tình cảnh có nhiều bệnh nhân nghèo cần giúp đỡ, Ban Giám Đốc BV Chợ Rẫy đã cho lập Đơn vị Y xã hội và cử anh Lê Minh Hiển – vốn là một kỹ sư tốt nghiệp ĐH Bách Khoa TP.HCM, đang làm việc trong phòng xét nghiệm tại bệnh viện – cùng 2 người nữa về Đơn vị công tác.
 
Công việc hàng ngày của Đơn vị Y xã hội là tiếp nhận các hồ sơ của bệnh nhân khó khăn, rồi phải phân tích hồ sơ xem trường hợp đó sẽ giải quyết theo hướng nào, liên hệ với địa phương nơi bệnh nhân sinh sống ra sao, tìm nhà tài trợ để có nguồn kinh phí.
 
Dù chỉ có 3 cán bộ nhưng Đơn vị đã huy động được trên 2 tỉ đồng trong năm 2009, giúp đỡ cho 998 bệnh nhân nghèo không có tiền chi trả viện phí. Tết 2010 vừa rồi, Đơn vị đã tổ chức tặng quà cho gần 600 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn phải đón Tết trong bệnh viện với chi phí gần 200 triệu đồng.
 
Không phải là bác sĩ khoác chiếc áo blouse trắng nhưng những con người ấy vẫn đang đảm đương những công việc âm thầm và lặng lẽ để cứu vớt, giúp đỡ những số phận đáng thương.  
 
 “Dù chỉ mang lại cuộc sống cho một - hai người hay mang lại niềm vui cho một gia đình thôi, chúng tôi cũng thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn” – anh Hiển chia sẻ.
 
Đây không phải là công việc chỉ làm giờ hành chính, thậm chí nhiều khi đau đầu, trăn trở với hoàn cảnh của bệnh nhân để tìm hướng giúp đỡ họ, làm sao để có thể giúp đỡ được nhiều nhất cho bệnh nhân mà vẫn giữ được mối quan hệ tốt với các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm để họ còn đến với bệnh viện, còn chia sẻ với hoàn cảnh của bệnh nhân trong bệnh viện.
 
Việc tiếp nhận sự trợ giúp và sử dụng nguồn trợ giúp đó sao cho phù hợp cũng không phải là điều đơn giản. Trăn trở lớn nhất của Đơn vị Y xã hội là làm sao rút ngắn được khoảng cách giữa người cho và người nhận. Người cho thì thoải mái vì đúng tâm nguyện của họ, người nhận cũng là những trường hợp đang thực sự cần thiết để điều trị.
 
Theo Bee

.